Mới đây, câu chuyện về một bé gái ở Trung Quốc đang nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng mạng. Theo đó, khi đi tham quan ở một trung tâm văn hoá, em đã phát hiện ra điều bất thường ở phần ghi chú dưới tác phẩm điêu khắc của Lý Bạch.
Nhà thơ lớn này rõ ràng sống ở thời nhà Đường nhưng trên tác phẩm lại viết vào năm trước Công nguyên. Em liền báo với bố mẹ và nhân viên của trung tâm nhưng bên trung tâm phớt lờ. Sau đó, gia đình đã quay lại một đoạn video và đăng tải lên mạng xã hội. Phía trung tâm liền nhận sai sót và hứa chấn chỉnh sớm.
Nhiều cư dân mạng đã dành lời khen tới cô bé này. Em không chỉ quan sát rất kỹ mà còn dám chỉ ra lỗi sai. Điều này chứng tỏ em được cha mẹ dạy dỗ kĩ càng.
Về giáo dục con cái, nhiều bậc cha mẹ sẽ tập trung vào chỉ số IQ và EQ nhưng trên thực tế, trau dồi kỹ năng quan sát nhạy bén cũng rất quan trọng đối với sự phát triển sau này của trẻ. Khi trẻ quan sát nhạy bén thì các khả năng khác của trẻ cũng sẽ phát triển theo.
Cách đây một thời gian, một cô bé lớp 5 tên Mã Tư Tề cũng đã phát hiện được sự thiếu sót trong tác phẩm "Tây du ký" ở chi tiết những bữa ăn của thầy trò Đường Tăng. Bốn thầy trò đi thỉnh kinh từ Trường An tới Thiên Trúc, những lần xin ăn đều là các loại thức ăn như cơm, đậu phụ... Từ Bắc tới Nam có sự khác biệt về ẩm thực rất lớn, vậy mà 4 thầy trò đi thỉnh kinh ngần ấy năm, trải qua bao nhiêu kiếp nạn ở bao nhiêu vùng khác nhau, đồ ăn lại luôn giống nhau.
Lý do khiến Mã Tư Tề có thể phát hiện ra sơ hở này không thể tách rời khỏi sở thích đọc sách và quan sát.
Nhà tâm lý học Pavlov người Nga cả đời coi trọng việc quan sát, để cảnh báo bản thân và học trò, ông đã viết dòng chữ "Quan sát, quan sát và quan sát!" lên bức tường của phòng thí nghiệm.
Khả năng quan sát không chỉ là điều kiện quan trọng để các nhà khoa học đạt được những thành tựu to lớn mà còn là khả năng cơ bản để con người hiểu được mọi sự vật, hiện tượng khách quan. Đối với trẻ em, quan sát đặt nền tảng cho sự hiểu biết, do đó thúc đẩy sự phát triển trí thông minh.
Đối với một đứa trẻ, khả năng quan sát ảnh hưởng rất lớn đến khả năng học tập. Thông qua quan sát, trẻ có thể biến những điểm thú vị tìm thấy trong cuộc sống và học tập thành kinh nghiệm và nhận thức cuộc sống của chính mình. Thế mạnh về khả năng quan sát ảnh hưởng trực tiếp đến toàn bộ quá trình nhận thức của trẻ.
Quan sát là phương thức học hỏi quan trọng của trẻ nhỏ. Tuy nhiên, với vốn kinh nghiệm và hiểu biết còn hạn chế, trẻ chưa thể xây dựng phương pháp tự quan sát có hiệu quả, mà cần được người lớn hướng dẫn để có thể chủ động đối mặt với các vấn đề, giải quyết chúng độc lập.
(1) Không cản trở sự tập trung của trẻ
Khi trẻ đang tập trung làm một việc, chúng ta cố gắng không làm phiền trẻ, ngay cả khi trẻ đang chơi. Vì khả năng quan sát của trẻ ẩn chứa trong sự tập trung. Không làm gián đoạn sự tập trung, không cản trở việc quan sát của trẻ.
(2) Tăng trải nghiệm hàng ngày của trẻ
Hằng ngày, chúng ta có thể đưa con ra ngoài để ngắm nhìn thế giới phong phú và tăng thêm trải nghiệm. Càng tiếp xúc, con bạn càng khám phá ra nhiều điều mới. Hãy buông tay, bớt gò bó con trẻ, hãy để chúng tự do quan sát, khám phá và tìm tòi tùy thích.
(3) Kiên nhẫn hướng dẫn trẻ quan sát
Charles Darwin - nhà bác học, nhà tự nhiên học vĩ đại người Anh, "cha đẻ" của thuyết tiến hóa - từ nhỏ đã là một đứa trẻ rất tò mò. Có lần Darwin nhìn thấy mẹ đang xới đất cho cây non trong vườn. Cậu hỏi mẹ tại sao lại làm vậy?
Mẹ cậu nói rằng nếu cây non muốn lớn lên vững chắc thì không thể không có đất. Đất là cơ sở để vạn vật phát triển. Có đất mới có thế giới phong phú đầy màu sắc này và con người được sống tốt hơn.
Ngay sau đó, Darwin bắt đầu hỏi nhiều câu hỏi kỳ lạ, nhưng người mẹ không tỏ ra sốt ruột mà nói với con trai: "Con yêu, có rất nhiều điều trên đời. Với mẹ, với bố con và với tất cả mọi người, chúng vẫn còn là những điều bí ẩn. Mẹ mong rằng khi con lớn lên, con sẽ tự mình tìm ra câu trả lời và trở thành một người có triển vọng và học thức".
Nhờ sự dạy dỗ và huấn luyện kiên nhẫn của mẹ, cũng như những lời khen ngợi và đánh giá cao, hạt giống khoa học đã được gieo vào lòng Darwin, thôi thúc cậu khám phá thế giới chưa biết.
Cha mẹ có thể thường xuyên kiểm tra năng lực quan sát của trẻ. Nếu có sự tiến bộ, cha mẹ nên khen ngợi, động viên kịp thời khi trẻ đạt được những kết quả như mong muốn. Khi trẻ có biểu hiện còn đơn giản trong quan sát các vấn đề xung quanh, cha mẹ cần khéo léo định hướng. Chỉ có như thế, năng lực quan sát của trẻ mới ngày càng tinh tế, nhạy bén.
Tận dụng kỳ nghỉ hè, chúng ta không chỉ tập trung vào việc cải thiện điểm số mà hãy cho con hòa mình vào thiên nhiên, quan sát xem gió thổi lá bay, đàn kiến di chuyển, nước chảy như thế nào.
Đặc biệt với các bé thích khoa học tự nhiên thì kỹ năng quan sát càng đặc biệt quan trọng. Cần hình thành thói quen, sở thích và khả năng quan sát một cách có ý thức và nghiêm túc ngay từ khi còn nhỏ. Mỗi đứa trẻ đều là nhà thám hiểm và việc khuyến khích trẻ tự do khám phá có thể khiến trẻ tự tin hơn.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn