Dự Đại hội có bà Bùi Thị Hòa, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam; ông A Pớt, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Bí thư Tỉnh ủy; ông Lê Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; ông Nguyễn Thế Hải, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Kon Tum và 182 đại biểu đại diện cho hơn 115.000 phụ nữ các dân tộc trong tỉnh. Trong đó, 90 đại biểu dân tộc thiểu số (DTTS), chiếm gần 50%.
Kon Tum cũng là địa phương đầu tiên tại Tây Nguyên khai mạc Đại hội đại biểu Phụ nữ cấp tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026.
Đại hội có nhiệm vụ tập trung đánh giá phong trào phụ nữ và kết quả hoạt động của Hội nhiệm kỳ 2016-2021, kiểm điểm hoạt động của Ban Chấp hành khóa XIII; xác định mục tiêu, đề ra nhiệm vụ, giải pháp nhiệm kỳ 2021-2026; góp ý dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII; bầu Ban Chấp hành Hội LHPN tỉnh khóa XIV và bầu đoàn đại biểu dự Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII.
Phát biểu tại Đại hội, thay mặt lãnh đạo Hội LHPN Việt Nam, Phó Chủ tịch Bùi Thị Hòa biểu dương các thành tích đã đạt được của phụ nữ Kon Tum, đồng thời lưu ý một số nội dung cần quan tâm trong nhiệm kỳ mới:
Thứ nhất, các cấp Hội cần đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền giáo dục trang bị kiến thức, kỹ năng, giáo dục truyền thống, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, qua đó khơi dậy tinh thần yêu nước, ý thức công dân và niềm tự hào của người phụ nữ Việt Nam nói chung, phụ nữ tỉnh Kon Tum nói riêng. Tiếp tục khẳng định vai trò của phụ nữ trong bảo tồn, lưu giữ, phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc; chủ động triển khai xây dựng người phụ nữ Kon Tum thời đại mới có tri thức, có sức khỏe, có đạo đức, bản lĩnh, trở thành nguồn nhân lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh.
Thứ hai, cần chủ động đề xuất đảm nhận các nhiệm vụ cụ thể trong chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, chương trình giảm nghèo bền vững, chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025. Hội LHPN tỉnh Kon Tum cần thể hiện vai trò tiên phong hưởng ứng và triển khai sáng tạo cuộc vận động "Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững"; tạo ra các kết quả thực chất trong xây dựng gia đình "5 không, 3 sạch" làng phụ nữ dân tộc thiểu số nông thôn mới… phù hợp với yêu cầu xây dựng nông thôn mới của địa phương.
Thứ ba, cần tiếp tục làm tốt vai trò nòng cốt vận động xã hội thực hiện bình đẳng giới; đề xuất cơ chế, chính sách tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực đời sống xã hội. Tham mưu, đề xuất và tích cực tham gia giải quyết các vấn về xã hội liên quan đến phụ nữ và trẻ em ở địa phương như: Mất cân bằng giới tính khi sinh, bạo lực gia đình, xâm hại phụ nữ, trẻ em, tội phạm, tệ nạn xã hội, hôn nhân cận huyết, tảo hôn, mù chữ…
Thứ tư, các cấp Hội phụ nữ Kon Tum cần nhận thức sâu sắc và đầy đủ về vai trò nòng cốt chính trị của tổ chức Hội, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động Hội theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong điều hành và tổ chức các hoạt động Hội.
Thứ năm, là tỉnh có đường biên giới với hai nước láng giềng, các cấp Hội cần nghiên cứu để cụ thể hoá Nghị quyết chuyên đề "hỗ trợ phụ nữ hội nhập quốc tế" của Ban Chấp hành TƯ Hội khóa XII để có giải pháp phù hợp; nâng cáo chất lượng các hoạt động hợp tác với phụ nữ các tỉnh của nước bạn Lào, Campuchia; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, hội viên, phụ nữ về bảo vệ và xây dựng biên giới hoà bình, hữu nghị. Phối hợp với cơ quan, tổ chức liên quan để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ trong các mối quan hệ và giao dịch có yếu tố nước ngoài.
Sau một nhiệm kỳ đoàn kết phấn đấu, các cấp Hội Phụ nữ tỉnh Kon Tum đã thực hiện đạt 10/10 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Phụ nữ tỉnh lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2016-2021 đề ra.
Hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững đã để lại nhiều ấn tượng. Các cấp Hội đã dựa vào điều kiện thực tế tại từng địa phương, hỗ trợ vốn, tập huấn kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi, giúp cây giống, con giống cho gần 40.000 hộ phụ nữ; phối hợp với các ban, ngành liên quan giúp đỡ 1.143 hộ phụ nữ nghèo thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân của tỉnh 4,05%.
Bên cạnh việc hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, các cấp Hội thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện. Theo đó, sau 5 năm, toàn tỉnh đã có 39.816 hộ được các cấp Hội hỗ trợ giúp đỡ đạt 8 tiêu chí Cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch"; xây dựng được 24 "Làng phụ nữ DTTS nông thôn mới”.
Thực hiện tốt chức năng đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho các tầng lớp phụ nữ, các cấp Hội phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã quan tâm triển khai công tác an sinh xã hội, tăng cường kết nối, vận động các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm hỗ trợ giúp đỡ phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mồ côi, khuyết tật,... với tổng số tiền 1.541 triệu đồng; xây dựng mới 45 căn và sửa chữa 20 mái ấm tình thương cho 65 hộ gia đình hội viên, phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với tổng số tiền hơn 2.356 triệu đồng. Nhờ đó, nhiều chị em an cư, yên tâm làm ăn và tham gia xây dựng phong trào Hội.
Trong 5 năm qua, chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” trở thành điểm nhấn. Ban Chấp hành Hội LHPN tỉnh đã chủ động phối hợp với các đơn vị nhận đồng hành, lực lượng Bộ đội Biên phòng và cấp ủy, chính quyền các xã biên giới vận dụng linh hoạt các nguồn lực, hỗ trợ xây dựng nhiều mô hình, hoạt động, giúp chị em phụ nữ vùng biên có điều kiện phát triển toàn diện.
Trong 5 năm đã phát triển mới 16.426 hội viên, nâng tổng số hội viên toàn tỉnh lên 85.048/112.869 phụ nữ từ 18 tuổi trở lên có hộ khẩu thường trú tại địa bàn.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn