Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (Sở Y tế Hà Nội) tính đến hết tháng 9, toàn thành phố ghi nhận 5.305 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH) chưa ghi nhận tử vong. Trong đó, vào những tuần của tháng 9, mỗi tuần đều ghi nhận trên 400 trường hợp mắc mới.
Một số xã, phường ghi nhận nhều bệnh nhân hoặc ổ dịch kéo dài là Tiền Phong (huyện Thường Tín), Mễ Trì, Mỹ Đình 2 (quận Nam Từ Liêm), Phương Trung (huyện Thanh Oai), Tân Triều, Vĩnh Quỳnh (huyện Thanh Trì),…
Theo dự báo, trong những tháng cuối năm, dịch bệnh SXH sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp. Số ca mắc có thể tăng cao do đúng vào chu kỳ của đỉnh dịch vào tháng 10 và 11. Hơn nữa, điều kiện vệ sinh môi trường hạn chế, mật độ dân cư cao, một số khu vực thiếu nước sạch, người dân phải tích trữ nước để sinh hoạt; nhiều khu vực bãi đất trống, tiếp giáp, xen kẹt, khu nhà chưa có người tạo điều kiện cho muỗi vằn truyền bệnh sinh sản và phát triển. Trong khi đó, hoạt động của đội xung kích diệt bọ gậy chưa hiệu quả.
Trước tình trạng trên, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các đơn vị trực thuộc tăng cường hoạt động giám sát dịch, triển khai chiến dịch tổng vệ sinh môi trường diệt bọ gậy và chiến dịch phun hóa chất; đảm bảo hóa chất, máy móc để đáp ứng chống dịch; Thực hiện lấy mẫu xét nghiệm 100% các trường hợp bệnh nhân xuất hiện đầu tiên tại các khu vực chưa có ổ dịch. Phối hợp với các cơ sở điều trị, BV trên địa bàn thu thập vận chuyển mẫu bệnh phẩm bệnh nhân SXH về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật để xét nghiệm chẩn đoán xác định; khoanh vùng ổ dịch xử lý theo đúng quy định của Bộ Y tế. Phun hóa chất ít nhất 90% số hộ trong khu vực ổ dịch, phun tất cả các phòng, các tầng, khu vực khe hẹp xung quanh giữa các hộ gia đình; thành lập đội xung kích tại địa phương có ổ dịch hoạt động để cùng lực lượng y tế và các ban, ngành, đoàn thể tham gia chống dịch.
Sở Y tế Hà Nội cũng sẽ triển khai các chiến dịch diệt bọ gậy và chiến dịch phun hóa chất tại các xã, phường trong tháng 10 và tháng 11. Dự kiến, sẽ có 86 chiến dịch vệ sinh môi trường và 40 chiến dịch phun hóa chất diện rộng sẽ được thực hiện tại 15 quận, huyện có nhiều bệnh nhân mắc SXH.
SXH là bệnh truyền nhiễm gây dịch do virus Dengue gây nên. Bệnh xảy ra quanh năm, thường gia tăng vào mùa mưa. Hiện nay đang là thời kỳ cao điểm của bệnh. Hiện tại bệnh SXH chưa có vaccine, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Do đó, biện pháp phòng chống SXH tốt nhất là giữ gìn vệ sinh môi trường; thực hiện ngủ màn và tiêu diệt lăng quăng, bọ gậy tại cộng đồng.