Thông tin trên được Bộ NN&PTNT xác nhận ngày 28/2.
Theo Bộ NN&PTNT, tại Hà Nội, ổ dịch tại Hà Nội được phát hiện tại một hộ chăn nuôi lợn rừng ở khu Đầm Lấm (phường Ngọc Thuỵ, quận Long Biên). Kết quả xét nghiệm cho thấy, toàn bộ 25 con heo rừng nuôi dương tính với bệnh và đã được xử lý tiêu hủy bằng phương pháp chôn.
Tại Hà Nam, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã được phát hiện tại 1 hộ chăn nuôi lợn rừng ở Văn Xã (huyện Kim Bảng). Tất cả 15 con lợn dương tính với bệnh đã được xử lý tiêu hủy bằng phương pháp chôn.
Thống kê cho thấy, dịch tả lợn lợn châu Phi đã xảy ra tại 96 hộ, 33 thôn, 20 xã, 13 huyện của 6 tỉnh, thành phố gồm Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội và Hà Nam. Tổng số heo bị mắc bệnh và tiêu hủy là 2.349 con.
Theo Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), nguyên nhân khiến dịch bệnh lây lan nhanh là do tần suất vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, không rõ nguồn gốc vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán vừa qua cao.
Bên cạnh đó, người dân biên giới giáp Trung Quốc, nơi đang có dịch vẫn diễn ra các hoạt động giao thương nên mang theo mầm bệnh dịch tả lợn châu Phi vào Việt Nam.
Bên cạnh đó, lượng khách đi du lịch từ các nước vào Việt Nam rất lớn, nhất là khách từ các nước châu Á thường có thói quen mang theo thực phẩm có chứa thịt lợn, nên có thể đưa mầm bệnh vào Việt Nam.
Trong khi đó, hiện nay thời tiết tại các tỉnh phía Bắc diễn biến bất lợi, rét và mưa nhiều, tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát triển, lây lan. Trong khi hiện nay chưa có vaccine và thuốc điều trị được bệnh dịch tả lợn châu Phi.