Hai phương án về "kinh doanh dịch vụ đòi nợ"
Chiều 26/5, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) và thảo luận trực tuyến một số nội dung còn chưa thống nhất đối với dự án Luật này.
Ngành nghề "kinh doanh dịch vụ đòi nợ" đang gặp nhiều tranh cãi trái chiều trong Quốc hội khi một số đại biểu tán thành việc cho phép có dịch vụ này, trong khi số khác lại tán thành với Tờ trình của Chính phủ, theo đó cấm hoàn toàn hình thức kinh doanh này.
Trong đó, quy định về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh (Điều 6) được khá nhiều ĐBQH quan tâm. Về việc cấm đầu tư kinh doanh dịch vụ đòi nợ, nhiều ý kiến đề nghị không nên cấm "kinh doanh dịch vụ đòi nợ." Một số ý kiến tán thành với Tờ trình của Chính phủ, cấm "kinh doanh dịch vụ đòi nợ."
Do vấn đề này còn nhiều ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã trình hai phương án để Quốc hội xem xét, quyết định.
Phương án 1 là giữ quy định như dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, theo đó cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Bởi lẽ, thời gian qua, mặc dù đã có quy định về hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ nhưng nhiều doanh nghiệp, cá nhân lợi dụng, biến tướng thành các băng nhóm tội phạm nhằm cưỡng đoạt tài sản, gây áp lực đối với con nợ, cho vay nặng lãi, hoạt động tín dụng đen, gây mất trật tự, an toàn xã hội, dẫn tới nhiều hệ quả xấu đối với xã hội.
Phương án 2 là tiếp thu ý kiến ĐBQH không quy định cấm "kinh doanh dịch vụ đòi nợ" tại điểm h khoản 1 Điều 6 mà quy định tại Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện như Luật Đầu tư hiện hành. Bởi lẽ, việc thuê một đơn vị trung gian đứng ra thu hồi nợ xuất phát từ nhu cầu thực tế của cuộc sống, đáp ứng nhu cầu của khách hàng khi các công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ sử dụng các công cụ, biện pháp đạt kết quả, phù hợp với các quy định của pháp luật.
Tranh cãi cấm hay không cấm dịch vụ đòi nợ
Với hai phương án nêu tại tờ trình dự thảo Luật, cuộc thảo luận chiều nay đã có hai xu hướng đồng tình một trong hai phương án. Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) thống nhất phương án 2 là không quy định cấm "kinh doanh dịch vụ đòi nợ", đồng thời, đổi tên gọi ngành nghề này là "kinh doanh dịch vụ thu hồi nợ".
Theo đại biểu, nếu thực hiện phương án 1 thì chưa thỏa đáng. "Không thể ngành nào Nhà nước quản lý khó thì cấm kinh doanh mà nên tạo điều kiện cho dân; Nhà nước quản lý theo quy định của pháp luật sẽ dễ dàng hơn" - đại biểu Phạm Văn Hòa nêu ý kiến.
Đại biểu Phạm Như Hiệp (đoàn Thừa Thiên-Huế) đồng tình khi cho rằng thời gian qua, mặc dù đã có quy định về kinh doanh dịch vụ thu hồi nợ nhưng nhiều doanh nghiệp, cá nhân sử dụng các băng nhóm xã hội đen, tội phạm nhằm chiếm đoạt tài sản, cho vay nặng lãi, tín dụng đen….
Tình trạng này gây mất trật tự an toàn xã hội, dẫn tới những hậu quả xấu, thậm chí đe dọa nghiêm trọng tới tính mạng con người, thúc đẩy nhiều loại hình tội phạm phát triển. Vì vậy, việc đưa kinh doanh dịch vụ thu hồi nợ vào quy định ngành, nghề được kinh doanh là phù hợp.
Cũng tỏ ý đồng tình, theo đại biểu Mai Hồng Hải (đoàn Hải Phòng) cho biết, trong hoạt động dân sự, kinh doanh không tránh được việc phát sinh nợ nần, thậm chí rủi ro nợ quá hạn, khó đòi, không đòi được là bình thường. Tuy nhiên, vấn đề là cách thức xử lý. Bên cạnh dịch vụ đòi nợ, pháp luật còn quy định nhiều cách thức xử lý nợ khác như: trọng tài, xét xử tại tòa, hòa giải, đối thoại, mua bán nợ, xóa nợ... Đối với doanh nghiệp thì việc xử lý nợ khó đòi còn phức tạp, không khả thi.
"Không nên cấm dịch vụ kinh doanh đòi nợ, tuy nhiên cần quan tâm các nhóm giải pháp: rà soát sửa đổi bổ sung các quy định để phát huy được các biện pháp xử lý nợ khác; tăng cường lực lượng tổ chức thi hành án, sửa đổi bổ sung Thông tư 228 năm 2009 của Bộ Tài chính về điều kiện xử lý nợ khó đòi; sớm hướng dẫn thi hành Luật hòa giải, đối thoại tại tòa" – ông đề xuất.
Trong khi đó, nhiều ý kiến khác không tán thành việc cho phép loại hình kinh doanh này. Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) ủng hộ phương án 1 về việc cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Theo bà, khi thuê dịch vụ là do không có thời gian tự làm công việc hoặc do công việc phức tạp, đòi hỏi người có kỹ năng thực hiện nhanh hơn, tốt hơn. Có trường hợp xét thấy khi thuê dịch vụ thì có lợi hơn là tự làm; những dịch vụ này đương nhiên phải hợp pháp.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, bản chất sâu xa của dịch vụ đòi nợ hoàn toàn khác. Gần như trong nhiều trường hợp, chủ nợ đòi doanh nghiệp trả tiền nhưng con nợ không có tiền hoặc có tiền nhưng không chịu trả. Sau đó, chủ nợ mới nhờ đến dịch vụ đòi nợ. Lúc này, điều chủ nợ nghĩ đến và hướng tới là hành vi bạo lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để đòi tiền.
"Trong quá trình kinh doanh, nhiều doanh nghiệp đã không tuân thủ điều kiện đầu tư kinh doanh cũng như quy định pháp luật có liên quan khi kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê dẫn đến phát sinh nhiều tiêu cực đối với xã hội. Những vi phạm phổ biến là bên đòi nợ thu giữ, phá hoại tài sản trái pháp luật; có hành vi đe dọa, trấn áp, khủng bố tinh thần, gây hoang mang cho con nợ. Nhiều nơi xuất hiện biến tướng hình thành băng nhóm cưỡng đoạt tài sản, cho vay lãi nặng, tín dụng đen gây mất trật tự an toàn xã hội" – đại biểu Hoa nêu thực tế.
Đại biểu Nguyễn Mai Bộ (đoàn An Giang) - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Quốc phòng an ninh – cũng cho rằng "không thể không cấm loại hình kinh doanh đòi nợ thuê".
"Đã có thời gian để tất cả chúng ta quan sát. Không có doanh nghiệp nào mà người lao động chủ yếu là người xăm trổ, ba trợn ba trạo. Công cụ lao động để đạt được mục đích ở đây là dao kiếm và phương thức lao động là dùng vũ lực, đe dọa" – ông nêu ý kiến.
Theo đại biểu Bộ, hoạt động đấy trong thực tiễn đã tổng kết, nếu để dịch vụ đòi nợ thuê thì sẽ ảnh hưởng tới sự an nguy cho xã hội, thể hiện sự bất lực của nhà nước trong quản lý xã hội bằng pháp luật. Và cơ bản gây ra hoang mang cho xã hội và một phần nào đó gây mất niềm tin của nhân dân. Vì thế đại biểu không đồng tình với việc cho phép kinh doanh dịch vụ này.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn