Dịch vụ đưa đón học sinh: Trẻ như 'cá nằm trên thớt'

18:38 | 31/08/2018;
Những năm trở lại đây, dịch vụ đưa đón học sinh đi học đang nở rộ nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn. Trong khi các nhà cung cấp dịch vụ không đưa ra được những biện pháp đảm bảo an toàn cho trẻ thì chính cơ quan chức năng cũng chưa có quy định pháp luật cụ thể, chặt chẽ nào về loại hình kinh doanh này.
Ngày 23/8/2018 vừa qua, cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận đã vào cuộc xử lý một chiếc xe buýt chở học sinh quá tải để các em đứng tràn ra cửa nhưng vẫn chạy nhanh trên Quốc lộ 1A. Hai cửa lên xuống mở toang, các nữ sinh đứng ở bậc lên xuống đu bám lỏng lẻo vào thành xe. Nếu bất cẩn, các em có thể rơi xuống đường, thiệt mạng.
 
Trước đó, tháng 5/2018, Công an quận Tây Hồ (Hà Nội) phạt hành chính 200.000 đồng đối với tài xế "xe ôm công nghệ" quấy rối tình dục bé gái 9 tuổi bằng lời nói.
 
.v_1__umme.jpgCảnh học sinh chen chân đứng tràn ra đu bám ở thành cửa khi xe chạy bon bon trên Quốc lộ 1A khiến cộng đồng mạng bức xúc

 

Ngoài việc các trường dân lập đã có dịch vụ xe đưa đón học sinh từ lâu, bên cạnh dịch vụ tự phát là thỏa thuận giữa phụ huynh - xe ôm, taxi… thì cũng có khá nhiều công ty chuyên cung cấp dịch vụ đưa đón học sinh như vậy.

 

Khi phóng viên Báo Phụ nữ Việt Nam đặt câu hỏi về những biện pháp bảo vệ trẻ em (nhất là trẻ em gái) khi sử dụng dịch vụ của mình, đại diện hãng Grab - một đơn vị "vận tải công nghệ" đang chiếm thị phần lớn nhất hiện nay không có câu trả lời cho vấn đề này.

 

Còn Thạc sĩ, luật sư Đặng Văn Cường thì tỏ ra lo ngại khi khi mà dưới góc độ pháp luật hiện nay cũng chưa có quy định về điều kiện kinh doanh dành riêng cho loại hình này.

dua-don.jpg
Ảnh minh họa 
 
Theo Thạc sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, kinh doanh vận tải đưa đón học sinh có nhiều điểm khác với vận chuyển bằng xe buýt, theo tuyến cố định hay hợp đồng vì vậy cần phải có những quy định pháp luật cụ thể chặt chẽ về loại hình kinh doanh này để đảm bảo an toàn cho trẻ.
 
Để chuẩn hóa dịch vụ đưa đón trẻ ở Việt Nam thì cần có các quy định về điều kiện để kinh doanh dịch vụ vận tải đưa đón học sinh. Đó là các điều kiện đối với công ty kinh doanh dịch vụ, đối với lái xe, đối với phương tiện và các quy định về rủi ro, bảo hiểm, bồi thường thiệt hại... Theo đó, các công ty tự xác định, đăng ký và cam kết các địa điểm đón và thả trẻ xuống. Cần có sự liên hệ, liên kết giữa công ty với trường học để có thể đón, thả trẻ ở sân trường, đảm bảo trẻ vào trường lớp chứ không phải ở cổng trường vẫn còn nhiều rủi ro rình rập xung quanh. Ngoài ra, phải có bản hợp đồng với khách hàng cam kết về người đón trẻ khi thả xuống hay khi giao trẻ. Chế tài xử phạt đối với tài xế và công ty vi phạm quy định cũng phải thật nghiêm minh.
 
Mặt khác các cơ quan, đơn vị chức năng có thẩm quyền cũng cần kiểm tra, giám sát thường xuyên các công ty kinh doạch dịch vụ này để tránh tình trạng công ty tự phát hoạt động và cam kết không đi liền chất lượng, làm việc thiếu nghiêm túc, không chuyên nghiệp.
 
Được biết, ở nước ngoài đã xuất hiện mô hình đưa đón học sinh - School bus từ lâu. Từ tiểu học trở đi, học sinh xe phải đi theo xe buýt của trường. Xe buýt đưa đón học sinh là cơ sở vật chất bắt buộc của trường học. Có thể đón đưa tận nhà hoặc gom lại tại một điểm nào đó. Bảo vệ và tài xế ký bàn giao số lượng cho đúng. Chiều về cũng vậy. Có cổng gác, phải đúng cha mẹ mới được ký sổ nhận con về. An toàn của trẻ hoàn toàn được đảm bảo vì xe chạy từ bên trong sân điểm đón, vào sân trường mới thả xuống, và đón trong sân trường, thả xuống trong khuôn viên điểm trả. Ngoài ra, chế tài xử phạt đối với các tài xế lái xe di chuyển trên đường là rất nặng nếu vượt lên xe buýt đưa đón học sinh.
 

Phụ huynh tự trang bị kỹ năng cần thiết cho trẻ

Ở góc độ phụ huynh, Thạc sĩ, luật sư Đặng Văn Cường khuyến cáo các bậc phụ huynh khi lựa chọn hình thức này thì cần đề nghị công ty dịch vụ đưa đón trẻ phải cung cấp đầy đủ hồ sơ, giấy tờ pháp lý liên quan đến tư cách pháp nhân của công ty, giấy tờ về điều kiện tham gia giao thông của phương tiện và của tài xế, hồ sơ cá nhân của tài xế để nắm chắc được những thông tin, chính xác về pháp nhân và cá nhân tài xế nhằm cân nhắc trước khi đặt bút ký hợp đồng dịch vụ. Mặt khác, phụ huynh cũng cần trang bị cho con mình kỹ năng cơ bản để xử lý tình huống khi di chuyển trên xe như: Đề nghị giảm vận tốc; Đi đúng giờ; Thái độ giao tiếp; Cách xử lý tình huống khi chủ xe không phục vụ theo đúng yêu cầu và các kỹ năng thoát hiểm khác…

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn