Chị Trần Thị Kim Thu hiện đang trú tại T.p Yên Bái là cán bộ Hội phụ nữ lâu năm. Chị là người đã có nhiều kinh nghiệm trong công tác gia đình. Trước đó, chị Thu cũng rất chú ý đến việc dạy con kỹ năng sống, giá trị sống. Tuy nhiên, ngày con gái lớn đi lấy chồng, chị Thu vẫn lo lắng: "Tôi chỉ mong con mình có một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Tôi rất lo lắng cháu làm thế nào có thể vượt qua những khó khăn, trắc trở trong đời sống hôn nhân, hay giả dụ có những điều không được như ý về sức khỏe, về con cái, những đòi hỏi trong việc cư xử với gia đình nội ngoại… Nếu hai đứa có cãi cọ thì chúng có biết nhún nhường, thương thuyết? Thế hệ trẻ bây giờ có một điểm yếu là chúng dễ yêu, dễ kết hôn nhưng nếu có mâu thuẫn, chúng dễ đạp đổ và ly hôn ngay. Khả năng tự bằng lòng với những gì mình có ở các con thường rất hạn chế”.
Ngoài ra, chị Thu cũng cho biết thêm: “Hầu hết những người chuẩn bị lập gia đình ở Thành phố Yên Bái, không mấy ai tự rủ nhau đi thăm khám sức khỏe sinh sản trước khi kết hôn, không thấy có ai tham dự những khóa học, tìm hiểu những kiến thức liên quan đến giáo dục gia đình, giáo dục trước hôn nhân hay đưa con đi tư vấn tâm lý… Chưa có một cơ quan, tổ chức nào đứng ra tuyên truyền quyết liệt về vấn đề này. Chưa có cơ quan, tổ chức nào đảm nhiệm việc này. Bởi vậy mà có những thứ, ví dụ như về tình dục, sức khỏe sinh sản..., nếu con có hỏi, các mẹ vẫn hay lảng tránh, ngại không trả lời giúp con, hoặc cũng có thể mẹ không biết cách nói, không có những kiến thức đúng và đủ để cung cấp cho con. Con gái không hỏi được mẹ thì khó mà hỏi được ai. Bố thì thường không hỏi đến vì ngại. Bạn bè thì cũng chỉ hiểu biết bằng con hoặc ít hơn con. Nếu tự tìm hiểu trên Internet thì mênh mông, không thể biết được đâu là những kiến thức, kỹ năng đúng”.
Có rất ít người trẻ trước khi kết hôn rủ nhau đi thăm khám sức khỏe sinh sản tiền hôn nhân (Ảnh minh họa) |
Với chị Trần Thị Thúy (22 tuổi, thị trấn Cổ Lễ, Trực Ninh, Nam Định) từng làm đám cưới cách đây không lâu. Chồng chị là người cùng khu nhưng từng có thời gian bỏ nhà lên Lào Cai, Yên Bái đào vàng và có nghe đồn sử dụng ma túy. Tuy nhiên, từ ngày ở bãi về, bố mẹ mở cho con trai xưởng sản xuất thủ công nhỏ và anh cũng tu chí làm ăn. Những điều tiếng xấu về anh dần được mọi người quên lãng và không ai nhắc về việc anh có dấu hiệu sử dụng ma túy nữa. Sau đó, anh và Thúy nảy sinh tình cảm và tiến đến hôn nhân.
Trước ngày cưới của họ khoảng 1 tháng, một người bạn thân của Thúy đột nhiên gợi ý chị nên rủ chồng sắp cưới đi tư vấn về sức khỏe tiền hôn nhân cho “chắc ăn”. Việc này quá bất ngờ với Thúy. Chị cũng như rất nhiều người quanh chị luôn cho rằng chỉ khi nào có bệnh mới đi khám! Việc tự nhiên đi kiểm tra sức khỏe lúc đang cảm thấy bình thường là việc rất hiếm...
Khi người bạn gái nhắc lại việc chồng tương lai của Thúy từng có điều tiếng nghiện ngập, cô ấy cũng cảnh báo về việc có khả năng nhiễm HIV thì Thúy chột dạ và sợ (Ảnh minh họa) |
Tuy nhiên, Thúy đã không biết phải bắt đầu việc đặt vấn đề đi tư vấn, thăm khám với bạn trai như thế nào. Chị đoán, anh khó chấp nhận đi cùng. Chị sợ anh coi đây là một ý tưởng kỳ cục, là biểu hiện của sự “không tin tưởng”. Ngay cả việc nếu anh có chấp nhận đi khám cùng, nếu phát hiện ra anh (hoặc Thúy) bị bệnh thì đám cưới có huỷ?
Thậm chí, vào thời điểm ấy, Thúy cũng thực sự không biết nếu cần tư vấn, thăm khám thì tìm đến đâu, ở ngay tại huyện hay phải lên tận tỉnh... Cuối cùng, thấy khó quá, Thúy đành chặc lưỡi lặng im, phó mặc mọi thứ cho số phận.
Chị Nguyễn Hà Phương - Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương, là một người có kinh nghiệm lâu năm trong công tác gia đình tại cơ sở chia sẻ: “Vấn đề giáo dục trước hôn nhân, tư vấn sức khỏe sinh sản còn nhiều khó khăn. Ai sẽ là người đủ kiến thức, kỹ năng đứng ra giáo dục tiền hôn nhân cho những người trẻ chuẩn bị kết hôn? Hiện vẫn còn quá thiếu các lớp tập huấn về lĩnh vực này cho các cán bộ thực hiện về công tác gia đình ở cơ sở”. |