Mới đây, khoa Bệnh lây đường tiêu hóa (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) đã tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân viêm não do liên cầu khuẩn lợn. Đa phần bệnh nhân nhập viện với triệu chứng điếc, ù tai.
Điển hình là trường hợp bệnh nhân V.T khoảng 50 tuổi, vào viện trong tình trạng tỉnh táo, tiếp xúc chậm, đau đầu, buồn nôn, nôn nhiều, giảm thính lực đột ngột, điếc hoàn toàn.
Qua khai thác yếu tố dịch tễ, được biết bệnh nhân là thợ xây. Hai ngày trước khi khởi phát bệnh, bệnh nhân có ăn lòng lợn tiết canh. Sau đó, bệnh nhân vẫn đi làm được. Khoảng 2 ngày sau, bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng và đã được người nhà đưa tới bệnh viện khám.
Sau khi kết hợp thăm khám và xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị viêm màng não do Streptococcus suis biến chứng điếc 2 tai. Sau 1 thời gian tích cực điều trị, hiện tại bệnh nhân đã ổn định, tuy nhiên thính lực cần thời gian lâu hơn để hồi phục.
Đại tá, TS.BS.Thầy thuốc ưu tú Nguyễn Đăng Mạnh, Viện trưởng Viện truyền nhiễm, kiêm Chủ nhiệm Khoa Bệnh lây đường tiêu hóa, cho hay: "Đối với bệnh viêm màng não do liên cầu khuẩn lợn, bên cạnh việc phát hiện, điều trị bệnh thì việc phòng ngừa bệnh cũng vô cùng quan trọng. Streptoccus suis (liên cầu lợn) có khả năng lây truyền từ lợn sang người, có thể tìm thấy ở gia súc, chó, mèo, chim...".
Người ăn lòng lợn, tiết canh, giết mổ lợn, chế biến thịt lợn, ăn thịt lợn chưa chín… nếu có các triệu chứng sau cần lưu ý tới cơ sở y tế sớm: Sốt cao kèm rét run; Đau đầu, chóng mặt; Buồn nôn và nôn; Đau mỏi cơ.
Các dấu hiệu viêm màng não là co cứng cơ (đặc biệt cứng vùng gáy), rối loạn ý thức (mê sảng, lơ mơ), kích thích, thậm chí hôn mê, run đầu chi, điển hình là mất thính lực.
Bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn lợn sẽ có phát ban ngoài da: chấm xuất huyết, ban xuất huyết, hoại tử ngón tay và ngón chân...
Phòng ngừa bệnh thế nào?
Theo PGS.TS.BS Đỗ Duy Cường, Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai), liên cầu khuẩn lợn là bệnh lây truyền từ lợn sang người. Người nhiễm vi khuẩn này do ăn tiết canh, các đồ ăn từ thịt lợn chưa nấu chín, giết mổ lợn…
Một số trường hợp bệnh nhân không ăn tiết canh, không giết mổ lợn vẫn mắc bệnh có thể do ăn thịt lợn nhiễm bệnh nhưng chế biến còn sống, tiếp xúc với lợn nhiễm bệnh thông qua các tổn thương, trầy xước trên da khi chế biến thực phẩm.
Thời gian ủ bệnh của liên cầu khuẩn lợn trên người là từ vài tiếng đến 4-5 ngày, tùy cơ địa mỗi người. Khi nhiễm liên cầu lợn, người bệnh có biểu hiện sốt nóng, sốt lạnh, buồn nôn, nôn, có thể tiêu chảy, khiến nhiều người lầm tưởng với các rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm thông thường.
Trường hợp nặng, người bệnh có biểu hiện ù tai, điếc, cứng gáy, tri giác lơ mơ, mê hoảng, xuất hiện các ban hoại tử trên da do nhiễm trùng huyết, suy đa phủ tạng, rối loạn đông máu và sốc nhiễm trùng và tử vong nhanh chóng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
"Bệnh nhân nhiễm vi khuẩn liên cầu lợn sẽ có bệnh cảnh lâm sàng rất nặng nề. Người nhiễm liên cầu lợn cần phải tới viện điều trị sớm vì bệnh có thể diễn biến dẫn tới tử vong nếu không được điều trị sớm", bác sĩ Cường nói.
Để phòng ngừa liên cầu khuẩn lợn, Đại tá, TS.BS.Thầy thuốc ưu tú Nguyễn Đăng Mạnh lưu ý những điểm sau:
- Phòng chống dịch bệnh trên lợn, tiêm phòng cho lợn đúng quy trình.
- Nên chọn mua thịt lợn đã qua kiểm định của cơ quan thú y, rõ nguồn gốc.
- Tránh mua thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề.
- Không giết mổ, ăn thịt lớn bị ốm, không rõ nguồn gốc.
- Ăn chín uống sôi, không ăn lợn chết, không ăn các món ăn tái, đặc biệt là tiết canh lợn, nem chua trong thời gian có dịch.
- Những người có vết thương hở phải đeo găng tay khi tiếp xúc với thịt lợn tái hoặc sống.
- Phải bảo quản dụng cụ chế biến ở nơi sạch sẽ, rửa sạch tay và các dụng cụ chế biến sau khi tiếp xúc, chế biến thịt lợn. Dùng riêng các dụng cụ chế biến thịt sống và thịt chín.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn