Điểm cao vẫn trượt đại học: Có nên duy trì kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia?

17:31 | 24/09/2021;
Những con số gây sốc xung quanh điểm chuẩn vào đại học năm nay đặt ra nhiều băn khoăn về hiệu quả thực chất của kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia.

Nhiều ý kiến của phụ huynh và chuyên gia cho rằng, Bộ GD&ĐT nên đánh giá lại một cách khách quan về hiệu quả của kỳ thi mấy năm trở lại đây và cân nhắc việc duy trì kỳ thi này để xét tuyển đại học.

Những niềm tiếc nuối

Nếu nhìn lại thời điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2021 vừa kết thúc, nhiều sĩ tử rất vui mừng, phấn khởi ước tính mỗi môn có thể đạt 8,5-9 điểm. Với mức điểm này, nếu so với điểm đầu vào năm ngoái của các trường thì "cánh cửa" vào đại học gần như chắc chắn. Sau khi biết điểm, đã có nhiều thí sinh thay đổi nguyện vọng khi thấy điểm của mình cao hơn điểm chuẩn năm ngoái của các ngành mình đăng ký từ 2-3 điểm.

Thế nhưng, khi các trường bắt đầu công bố điểm chuẩn, tất cả dường như náo loạn. Không tin vào mắt mình là tình trạng chung của nhiều người khi khối nào cũng lấy điểm chuẩn cao chót vót. Có khoa thậm chí còn yêu cầu điểm tuyệt đối (30 điểm cho tổng 3 môn thi) mới đỗ. Theo Bộ GD&ĐT, số thí sinh từ 29,5 điểm trở lên không đỗ nguyện vọng nào là 61 em. Trong đó, có 60 em chỉ có duy nhất 1 nguyện vọng, 1 em đặt 2 nguyện vọng.

Anh Nguyễn Tùng Dương (Q. Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ, anh thực sự thấy tiếc vì đã không động viên con thi tiếng Anh sớm hơn để đủ thủ tục đăng ký xét tuyển bằng phương thức này, thay vì phải tham gia kỳ thi, bởi con anh đạt 24,5 điểm mà không đỗ. Hiện cả gia đình đang như ngồi trên đống lửa khi chờ các nguyện vọng tiếp theo.

Còn anh Trần Quốc Tuấn (Q.Thanh Xuân, Hà Nội) cho hay, con anh học khá tốt và chỉ nhắm một mục tiêu là trường ĐH Bách Khoa nhưng đến nguyện vọng thứ 5 con mới đỗ. "Con rất buồn vì không được học những khoa mình thích, chán nản và muốn chờ năm sau thi lại. Chúng tôi phải động viên con cứ nhập học và đi học năm nay, năm sau muốn thi lại thì thi. Con lo không đủ thời gian ôn thi đại học năm sau", anh Tuấn thở dài.

Theo các phụ huynh, điểm thi năm nay quá cao, dẫn đến điểm chuẩn cao, khó đánh giá được thực chất của nguồn tuyển. Phần lớn phụ huynh khi được hỏi đều cho rằng, nếu tích hợp thi tốt nghiệp với xét tuyển đại học thì Bộ GD&ĐT cần xem lại cách ra đề, phân bổ câu hỏi. Theo đó phải có phần bài đánh giá được đúng chất lượng học sinh và câu hỏi có sự phân hóa rõ nét hơn. Cùng một lúc, vừa đảm bảo tỷ lệ điểm thi tốt nghiệp cao cho đa số học sinh vừa dùng để xét tuyển đại học thì các năm tới rất có thể sẽ tái diễn tình trạng đạt điểm tuyệt đối vẫn... trượt đại học như năm nay.

Điểm cao vẫn trượt đại học: Có nên duy trì kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Có nên duy trì kỳ thi?

Nhiều chuyên gia phân tích nguyên nhân khiến điểm chuẩn vào đại học năm nay tăng vọt. Thứ nhất, số lượng thí sinh dự thi tăng vọt so với năm trước. Số thí sinh xét tuyển đại học tăng hơn 24% so với năm ngoái, trong khi chỉ tiêu không tăng. Thứ hai, các trường sử dụng nhiều phương thức xét tuyển thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào điểm thi như xét học bạ, thi đánh giá năng lực, xét tuyển bằng chứng chỉ quốc tế... và chỉ dành một tỷ lệ ít cho nguồn tuyển bằng điểm thi, dẫn đến điểm chuẩn cao. Một nguyên nhân nữa là do dịch Covid-19 nên đề thi "dễ thở" hơn mọi năm, nâng phổ điểm lên mức cao.

Ở góc độ đề thi, thầy Đỗ Khắc Ngọc, giáo viên Hệ thống Hocmai, cho rằng, đề thi càng ngày càng ở mức đáp ứng nhu cầu tốt nghiệp THPT. Tính phân hóa ngày càng kém, khó lọc được nguồn tuyển chất lượng. "Các trường cũng được trao quyền tự chủ nên rất linh hoạt trong phương thức xét tuyển. Năm nay, chúng ta có thể thấy rõ nhất xu hướng này. Vì vậy cần cân nhắc xem kỳ thi có còn phù hợp để làm phương thức xét tuyển đại học nữa không", thầy Ngọc cho biết.

TS. Lê Viết Khuyến, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nêu quan điểm, sứ mệnh thực hiện cùng một lúc 2 mục tiêu (vừa xét tốt nghiệp THPT vừa xét tuyển đại học) xem ra chỉ phù hợp với những trường thuộc nhóm giữa hoặc nhóm dưới. Còn các trường tốp đầu, muốn có nguồn tuyển chất lượng hơn phải tổ chức thêm các hình thức thi phụ, xem kỳ thi là vòng sơ tuyển.

"Đã đến lúc các trường đại học có cạnh tranh cao cần phát huy tính tự chủ và trách nhiệm xã hội, chủ động xây dựng và thực hiện phương án tuyển sinh đại học phù hợp với mục đích và chuẩn chất lượng của trường mình, hạn chế dần sự phụ thuộc vào kỳ thi tốt nghiệp THPT"

TS Lê Viết Khuyến

Một số chuyên gia cũng cho rằng, Bộ GD&ĐT nên để các trường đại học tự chủ trong tuyển sinh theo hướng các trường lên phương án tuyển sinh, để Bộ GD&ĐT kiểm duyệt, tránh việc quay trở lại câu chuyện trường nào cũng tổ chức thi, gây tốn kém xã hội trước đây.

Cùng với đó là đưa các trung tâm khảo thí chất lượng vào hoạt động để giúp các trường tuyển được nguồn có chất lượng. Còn nếu như hiện nay, chất lượng đầu vào không đảm bảo thì đầu ra cũng bất cập, không đáp ứng yêu cầu xã hội.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn