Nằm cách TP Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) khoảng 10km về phía tây bắc, Tiểu chủng viện Làng Sông hay còn gọi là Nhà thờ Làng Sông tọa lạc giữa một gò đất cao ở thôn Quảng Vân (xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định), bao quanh là hào nước mát rượi với những hàng cây sao cổ thụ. Nhìn từ xa, Tiểu chủng viện Làng Sông nằm nổi bật trên màu xanh của ruộng lúa và những hàng cây.
Tiểu chủng viện Làng Sông xây dựng vào thập niên 40 của thế kỷ XIX. Nơi đây, được xây dựng theo lối kiến trúc Gothic, một lối kiến trúc đặc trưng của người châu Âu trong xây dựng nhà thờ và cung điện nhà thờ, hiện lên uy nghiêm pha chút gì đó cổ kính, lãng mạn.
Có thể nhận rõ điều này bởi phần chính diện của Tiểu chủng viện Làng Sông được trang trí bằng những khung ô đối xứng, các bông gió trang trí và những hoa văn hoạ tiết, cổng vòm nhọn quen thuộc trong lối xây dựng kiến trúc thánh đường. Đã qua nhiều thế kỷ, trải qua sự tàn phá của thời gian và khí hậu nhưng nơi này vẫn giữ được gần như nguyên vẹn những nét kiến trúc cổ xưa với từng bậc cầu thang gỗ, từng khung cửa chạm khắc tỉ mỉ tạo ấn tượng mạnh với du khách.
Nằm đối xứng với thánh đường là hai tòa nhà xưa kia dành cho các tu sinh. Nó được xây dựng mang đặc trưng kiến trúc kiểu Pháp, tường vôi vàng, hành lang với những hàng cột và cửa vòm ở ban công. Chính diện thánh đường kết hợp cùng những tòa nhà hai tầng đối xứng nhau tạo nên sự hòa hợp trong một không gian rợp bóng cổ thụ, xanh tươi.
Tại Tiểu chủng viện Làng Sông này, năm 1868, Nhà in Làng Sông của địa phận Đông Đàng Trong (từ tỉnh Quảng Nam đến tỉnh Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên) được xây dựng. Nhà in này bị phá hỏng năm 1885. Năm 1904, nhà in được tái thiết và hoạt động cho đến khoảng năm 1936 thì dời về Quy Nhơn. Ấn phẩm cuối cùng của Nhà in Làng Sông in tháng 12/1953.
Riêng trong năm 1922, Nhà in Làng Sông đã in 18.000 tờ báo định kỳ, 1.000 bản sách các loại, 32.000 ấn phẩm khác. Cũng trong năm này, riêng bán nguyệt san Lời Thăm ra mỗi tháng 2 số, nhà in đã in mỗi số 1.500 bản và phát hành cả Đông Dương.
Sau non một thế kỷ hoạt động lúc thăng lúc trầm, Nhà in Làng Sông đã có những đóng góp quan trọng trong việc truyền bá chữ Quốc ngữ và văn học Quốc ngữ vào nửa sau thế kỷ XIX và nửa đầu thế kỷ XX. Phải nói rằng, vùng đất Bình Định là nơi tụ hội của "những ông hoàng chữ nghĩa" thời Quốc ngữ, những thi nhân hàng đầu trong phong trào Thơ mới, với những phong cách đa dạng và đầy mãnh lực như Xuân Diệu, Quách Tấn, Yến Lan, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên.
Du khách có dịp đến Bình Định nên một lần ghé thăm Tiểu chủng viện Làng Sông để chiêm ngưỡng một công trình kiến trúc cổ. Du khách sẽ khám phá những nét văn hóa kiến trúc cổ xưa huyền bí, chiêm nghiệm cảnh đẹp thiên nhiên vô tận, tìm giây phút thư thái cho lòng lắng đọng và lưu giữ cho riêng mình những khoảnh khắc đẹp. Chắc chắc đó sẽ là một chuyến đi nhiều kỷ niệm và đầy ý nghĩa.
Chi phí cho chuyến đi: Vé máy bay khứ hồi Hà Nội - TP.Quy Nhơn khoảng 2,5 triệu đồng; TP.HCM - TP.Quy Nhơn khoảng 2 triệu đồng. Vé xe khách khứ hồi Hà Nội - TP.Quy Nhơn khoảng 1,2 triệu đồng; TP.HCM - TP.Quy Nhơn khoảng 500.000 đồng. Khám phá Tiểu chủng viện Làng Sông, du khách có thể chọn thuê xe máy ở TP.Quy Nhơn rồi di chuyển về phía tây bắc khoảng 10km; giá thuê xe máy chỉ từ 100.000 đồng/ngày, với chi phí xăng xe tự túc. Ở Quy Nhơn có hàng trăm khách sạn với mức giá phù hợp chỉ từ 250.000 đồng/đêm/phòng.
Từ Tiểu chủng viện Làng Sông, du khách cũng có thể dễ dàng đến một số thắng cảnh, địa điểm tham quan nổi tiếng của tỉnh Bình Định như: chùa Long Phước, chùa Ông Núi, tháp Bánh Ít, tháp Dương Long, thành Hoàng Đế…
Ẩm thực nơi đây với phong vị đặc trưng, đa dạng cũng sẽ lưu lại trong lòng khách du lịch nhiều ấn tượng khó quên. Bún chả cá, bánh xèo tôm nhảy, bánh hỏi cháo lòng, bánh ít lá gai, nem nướng, các loại hải sản… là những món ăn hấp dẫn với giá bình dân mà du khách nên thưởng thức.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn