Diêm dân xót xa vì "giá xuống thấp, bán 1kg muối không mua được cốc trà đá"

18:58 | 02/07/2024;
Dù giá muối năm nay thấp "thảm hại" nhưng trên cánh đồng muối xóm 6, xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu (Nghệ An), những diêm dân vẫn "trằn mình" dưới nắng như đổ lửa để mưu sinh.
"Chạy đua" với nắng hè

Dưới cái nắng hè như đổ lửa, con đường đất nhỏ dẫn vào cánh đồng muối lại thêm oi nồng, hơi nóng táp vào mặt làm chúng tôi như ngộp thở. Hai bên đường, những ruộng muối nối dài, cách đoạn lại có những ô muối đang đóng váng, tạo thành một lớp trắng tình lấp lánh dưới nắng hè. Tiếng cười nói, tiếng gọi nhau í ới hòa vào như một như một dàn đồng ca làm dịu đi phần nào cái không khí oi nồng...

Dừng chân tại một ruộng muối bên đường, chúng tôi bắt gặp 3 mẹ con bà Nguyễn Thị Hoa (62 tuổi) đang hối hả làm đất để kịp cho mẻ muối tới. Tay thoăn thoắt những xẻng đất vào bồn, bà Hoa tâm sự: "Công việc làm muối của người nông dân như tôi vất vả, cực nhọc lắm. Trời nắng mọi người được nghỉ ngơi, ngồi ở nhà mát mẻ nhưng với người làm muối, dường như phải chạy đua với thời tiết, đặc biệt chạy đua với cái nắng.

Mồ hôi mặn đắng đời diêm dân- Ảnh 1.

Một góc cánh đồng muối dưới cái nắng gần 40 độ C

"Trời nắng nhất là mình phải "trằn" ra đồng để làm, nắng mới có muối, hạt muối trắng hơn, tinh khiết hơn nhưng đồng nghĩa với bao giọt mồ hôi ướt đầm vai áo. Công việc lao động tay chân mà, "mồ hôi chưa ráo đã hết tiền", bà Hoa chua chát khi nói về cái nghiệp của diêm dân.

Cũng theo bà Hoa, gia đình bà bao đời làm muối. Lớn lên bà lấy chồng cùng làng nên vợ chồng bà lại bám với hạt muối làm kế sinh nhai để nuôi con. Vài năm gần đây, giá muối rẻ nên nhiều người trong làng cũng bỏ làm muối để xoay sang công việc khác, người đi làm công nhân khu công nghiệp, người đi làm thợ xây, phụ hồ ở vùng khác... 

"Hiện tại, thương lái họ mua với 1kg muối với giá 1.500 - 2.000 đồng, không đáng công làm nên hạt muối. Chẳng biết rồi đây chúng tôi có trụ nổi với nghề cha ông để lại nữa hay không!", bà Hoa tâm sự.

Mồ hôi mặn đắng đời diêm dân- Ảnh 2.

Bà Nguyễn Thị Hoa vất vả với công việc tải đất

Đang ngồi nghỉ mệt dưới bóng căn lều tạm để cất trữ muối, vì trời nắng nên những giọt mồ hồi cứ thi nhau túa ra trên khuôn mặt khắc khổ đem sạm, ông Ngô Sĩ Quế (61 tuổi) tâm sự, với kinh nghiệm hơn 40 năm bám nghề cha ông, đặc thù của nghề làm muối là vậy, phải xoay vần với cái nắng, cái gió của mùa hè khắc nghiệt nơi đây.

"Hai vợ chồng tôi làm 3 sào muối, cả ngày quần quật trên đồng muối và thành phẩm làm ra là 1 tạ muối, với giá bán cho thương lái 2.000 đồng/kg, tính ra ngày công được 200.000 đồng", ông Quế tâm sự.

Cũng theo ông Quế, với lượng công việc nhiều, nặng nhọc là thế nhưng thu nhập của người làm muối lại quá thấp. "Nếu thời tiết thuận lợi, nắng cả tháng, vợ chồng ông chỉ thu được 2 tấn muối, tính ra giá thị trường thì công lao động của hai vợ chồng được 4 triệu đồng/tháng", ông Quế cho biết.

Ông Ngô Sĩ Quế tâm sự những vất vả của nghề làm muối


Cả gia đình 3 thế hệ đều bám vào 3 sào muối làm kế mưu sinh

Bà Ngô Thị Nhật (75 tuổi) và người cháu đang cần mẫn vun từng ô muối nhỏ, múc nước từ giếng vào các ô còn trống một cách thuần thục, chuẩn xác.

Dừng việc trong chốc lát, lấy khăn lau vội đám mồ hôi túa ra trên khuôn mặt đen sạm, khắc khổ, bà Nhật nói: "Phải tranh thủ lúc trời nắng để làm. Biết là vất vả nhưng đây là cái nghiệp của mình. Cả gia đình 3 thế hệ chúng tôi đều bám vào 3 sào muối làm kế mưu sinh". 

"Mấy năm trước, giá muối cao hơn thì chúng tôi còn có chút đồng ra đồng vào để đong gạo ăn hằng ngày. Năm nay giá muối rẻ quá, 1kg muối không mua được cốc trà đá", bà Nhật chua chát khi nói đến giá trị hạt muối mà diêm dân vất vả "một nắng hai sương" mới làm ra.

Cũng theo bà Nhật, bà là người xã bên, ở đó người dân chủ yếu làm nghề đánh cá, đi lộng ở biển, cuộc sống còn vất vả nhưng dễ thở hơn so với làm muối. 

Bà Ngô Thị Nhật


Vợ chồng lấy nhau nhưng hai bên gia đình đều nghèo nên cũng không giúp đỡ được gì. Hai vợ chồng bám riết lấy nghề làm muối lần hồi nuôi các con khôn lớn. Dù cuộc sống khó khăn nhưng gia đình đầy ắp tiếng cười, vậy là cũng một phần an ủi. 18 tuổi bà lấy chồng và từ đó đến nay, hơn 50 năm gắn với hạt muối, vui buồn sướng khổ có cả nhưng niềm an ủi tuổi già là thấy các con hòa thuận, có hiếu với cha mẹ.

"Tuổi của tôi đáng ra được nghỉ ngơi nhưng cuộc sống còn nhiều khó khăn, với lại mình còn sức, giúp được con cháu việc gì mình cũng thấy vui hơn", bà Nhật tâm sự.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn