Muối, khi tiêu thụ quá mức, có thể gây ra nhiều tác động tiêu cực đến sức khỏe tim mạch. Natri có trong muối là một trong những nguyên nhân chính khiến huyết áp tăng cao, từ đó làm tăng nguy cơ xảy ra đột quỵ và bệnh tim mạch. Hơn nữa, một lượng lớn natri tích tụ trong cơ thể có thể dẫn đến tình trạng giữ nước, gây sưng phù và làm tăng gánh nặng cho tim. Điều này cũng có thể dẫn đến suy tim hoặc các vấn đề tim mạch khác.
Bao nhiêu muối mỗi ngày là đủ?
Với người trưởng thành khỏe mạnh, theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), lượng muối dùng hàng ngày không nên vượt quá 5 gam (tương đương với khoảng 1 muỗng cà phê), để giảm nguy cơ phát triển các vấn đề liên quan đến tim mạch.
Việc hạn chế tiêu thụ muối đến mức khuyến nghị là rất quan trọng để duy trì một trái tim khỏe mạnh, giúp giảm các nguy cơ tiêu cực về sức khỏe liên quan đến việc tiêu thụ quá nhiều muối. Tuy nhiên, có một tin tốt lành là chúng ta hoàn toàn có thể tìm thấy sự thay thế đáng kể cho muối từ chính những loại gia vị, thảo mộc tự nhiên xung quanh ta.
Dưới đây là những loại gia vị và thảo mộc không chỉ giúp thay thế muối nhờ hương vị mạnh mẽ, giảm lượng muối tiêu thụ mà còn tăng cường sức khỏe tim mạch, mở ra hướng đi mới cho những ai đang tìm kiếm một lối sống lành mạnh hơn, theo Healthline:
Hạt tiêu đen có vị cay nồng đặc trưng và là thành phần phổ biến cho các món súp, món nướng, mì ống và các món mặn khác.
Bên cạnh hương vị mạnh mẽ có thể thay thế muối ăn thì hạt tiêu đen còn chứa piperine, hợp chất có tác dụng chống viêm, từ đó hỗ trợ tăng cường sức khỏe tim mạch nhờ giảm cholesterol trong máu, tăng cường lưu thông máu và giảm nguy cơ hình thành cục máu đông.
Cũng có hương vị cay nồng, tỏi cũng là lựa chọn thay thế muối hoàn hảo cho các món sốt, súp hay các món xào, ngay cả khi bạn muốn tăng gấp đôi lượng tỏi hơn bình thường.
Tỏi chứa các thành phần có lợi cho sức khỏe, bao gồm allicin, có khả năng tăng cường khả năng miễn dịch, cải thiện sức khỏe tim mạch và giảm huyết áp.
Cam quýt, đặc biệt là nước cốt canh và vỏ chanh, là một nguồn axit nên nước chanh hoạt động tương tự như muối bằng cách tạo ra vị cho món ăn. Nên đây là một sự thay thế tuyệt vời cho muối trong một số công thức nấu ăn như sốt salad, nước sốt các món thịt hay cá.
Ngoài ra, chanh chứa lượng lớn vitamin C cùng các chất chống oxy hóa có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch bằng cách cải thiện sức khỏe mạch máu, giảm viêm nhiễm và giúp giảm cholesterol trong máu. Các chất chống oxy hóa trong chanh cũng giúp bảo vệ cơ thể chống lại tổn thương do các gốc tự do gây ra. Hơn nữa, flavonoid trong chanh cũng có tác dụng hỗ trợ sức khỏe tim mạch.
Thì là với vị cay và đắng nhẹ cùng mùi thơm đậm cũng được xếp vào danh sách các loại thảo mộc có thể thay thế cho muối trong các món ăn có cá, khoai tây,...
Thì là chứa nhiều flavonoid, được chứng minh là giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ hiệu quả. Nhưng đó không phải là lý do duy nhất, thì là được cho là có tác dụng cải thiện sức khỏe tim mạch. Nghiên cứu trên động vật cho thấy thì là cũng có thể làm giảm mức cholesterol LDL.
Giống như tỏi, hành tây cũng giúp tăng hương vị cho hầu hết mọi công thức nấu món ăn mặn, từ dịu nhẹ và hơi ngọt tới cay nồng. Đặc biệt hành tây khô hoặc bột hành tây có tác dụng mạnh hơn hành tươi và có thể thay thế muối với các món xào, súp, món hầm, nước chấm…
Hành tây chứa các chất chống oxy hóa và các hợp chất giúp giảm rủi ro mắc bệnh tim mạch bằng cách chống viêm và giảm mức chất béo trung tính và cholesterol nhờ lượng lớn quercetin.
Men dinh dưỡng (Nutritional yeast) là một chủng nấm có tên là Saccharomyces cerevisiae. Men dinh dưỡng có thành phần từ protein, vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa. Đây là loại men vi sinh họ nấm, chứa nhiều vitamin nhóm B như vitamin B6, vitamin B1... đặc biệt là vitamin B12.
Men dinh dưỡng có vị thơm ngon, béo ngậy thích hợp cho các món mì ống hay món ăn có ngũ cốc. Chất xơ beta glucan trong men dinh dưỡng có tác dụng giúp giảm cholesterol, từ đó giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Giấm balsamic đặc trưng với vị chua cay và hơi ngọt giúp bật lên hương vị tự nhiên của thực phẩm khi được thêm vào món ăn, từ đó giảm nhu cầu tiêu thụ muối với các món sốt salad, món hầm, sốt cho các món thịt hoặc cá. Bạn có thể đun giấm ở lửa nhỏ để tạo ra hỗn hợp sệt và đậm đà hơn.
Các polyphenol có trong giấm balsamic có đặc tính chống oxy hóa mà nhiều nghiên cứu cho thấy có thể giúp cải thiện sức khỏe tim mạch, tăng cường lưu thông máu và giảm mức cholesterol xấu cũng như tăng mức cholesterol có lợi chống lại nguy cơ tắc động mạch.
Paprika là loại ớt bột được làm từ hỗn hợp các loại ớt. Sau khi thu hoạch, các loại ớt này sẽ được đem phơi khô và nghiền nhuyễn. Khi hoàn thành, ớt bột sẽ có màu đỏ đậm bắt mắt và vị cay của Paprika dao động từ ngọt dịu đến trung bình và cay nóng.
Bột ớt paprika có thể được thêm vào các món hầm thay thế cho muối có hàm lượng natri cao. Đáng chú ý là bột ớt paprika có thể có một số lợi ích sức khỏe nhờ hợp chất capsaicin trong ớt bột bao gồm kích thích lưu thông máu, cải thiện huyết áp và giảm cholesterol.
Dầu nấm truffle có hương vị cực mạnh ngay cả khi chỉ sử dụng với một lượng rất nhỏ, giúp cho món ăn thêm đậm đà, thơm hơn và thay thế cho muối trong các món ăn như mì ống, pizza, khoai tây nghiền, rau, trứng...
Dầu truffle rất giàu polyphenol, là những hợp chất tự nhiên có đặc tính chống oxy hóa có thể ngăn ngừa stress oxy hóa và gây tổn hại cho tế bào của bạn. Polyphenol cũng có thể giúp giảm viêm, giảm mức cholesterol và chất béo trung tính được cho là có liên quan đến một danh sách dài các bệnh mãn tính, bao gồm cả bệnh tim mạch vành; cũng như hạ huyết áp một cách hiệu quả.
Hương thảo là một loại thảo mộc khác có thể được sử dụng để thay thế muối ăn trong các món súp, món hầm, món nướng, rau, nước sốt... Hương thảo có thể được sử dụng linh hoạt ở dạng tươi hoặc dạng khô.
Theo Medical News Today, hương thảo chứa nhiều hợp chất chống oxy hóa như axit carnosic và axit rosmarinic, có lợi cho sức khỏe tim mạch. Các hợp chất này có thể giúp giảm nguy cơ viêm nhiễm trong cơ thể, cải thiện tuần hoàn máu và hạ huyết áp. Ngoài ra, hương thảo cũng có thể hỗ trợ giảm cholesterol và triglyceride trong máu, từ đó giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Với vị cay nồng, ngọt dịu thì gừng có thể thay thế muối trong nhiều món ăn như các món xào, nước sốt, đồ uống hay súp.
Trong nhiều thế kỷ,gừng chứa các thành phần như gingerol và shogaol có ảnh hưởng tích cực đến sức khỏe tim mạch. Gingerol giúp giảm viêm, cải thiện lưu thông máu, và có thể giúp giảm cholesterol xấu trong máu cũng như ngăn ngừa hình thành cục máu đông. Shogaol cũng có đặc tính chống viêm và chống oxy hóa mạnh mẽ. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng gừng có thể giúp hạ huyết áp và làm giảm nguy cơ các bệnh về tim mạch.
Quế là nguyên liệu tương đối phổ biến trong các món nướng và hầm. Quế có thể thay thế muối ăn nhờ vị hơi ngọt và cay nhẹ trong các món súp, sốt, cà ri, thịt quay, hầm, nướng thịt khác...
Quế chứa các thành phần như cinnamaldehyde, polyphenol và chất chống ôxy hóa, có thể có lợi cho sức khỏe tim mạch. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng quế có thể giúp giảm mức cholesterol xấu trong máu, đồng thời tăng cường cholesterol tốt. Quế còn có thể giúp cải thiện độ nhạy insulin và giảm lượng đường trong máu, từ đó giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch liên quan đến tiểu đường.
Ngoài các loại gia vị và thảo mộc có thể thay thế muối kể trên thì các loại khác như cây xô thơm (tươi và khô), cây ngải thơm, rau kinh giới khô, ớt cayenne, húng quế, nghệ, giấm táo, rau mùi, mùi tây,... cũng là những lựa chọn với hương vị mạnh mẽ có thể tham khảo thay thế lượng natri lớn của muối ăn để bảo vệ và tăng cường sức khỏe tim mạch cũng như lợi ích sức khỏe tổng thể. Tuy nhiên cần nhớ rằng mỗi một loại gia vị hay thảo mộc đều có những chống chỉ định riêng, đặc biệt nếu bạn từng có tiền sử dị ứng, hãy tham khảo thêm ý kiến bác sĩ nếu bạn còn băn khoăn về phản ứng dị ứng.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn