Bệnh viêm VA là bệnh lý mũi họng rất thường gặp ở trẻ nhỏ. Tuy vậy, dường như căn bệnh này thường ít được quan tâm một cách đúng mức. Điều này đôi lúc khiến bệnh viêm VA không được điều trị đúng cách, kịp thời và để lại các biến chứng cho sức khỏe của trẻ. Vậy những biến chứng viêm VA gây ra là gì?
Viêm VA là bệnh lý xảy ra khi VA - một tổ chức lympho nằm ở vòm họng của trẻ bị viêm, phần lớn là những trẻ dưới 5-6 tuổi. Bởi trong hầu hết các trường hợp thì tổ chức VA sẽ tự tiêu biến khi trẻ 5-6 tuổi.
Bệnh có thể gây ra nhiều biểu hiện ở các mức độ khác nhau, tùy thuộc vào thể bệnh mà bệnh nhân mắc phải.
Nếu bệnh nhân mắc viêm VA cấp tính sẽ xuất hiện các triệu chứng như sốt cao, ngạt mũi, sổ mũi,... Viêm VA cấp tính thường chỉ cần điều trị bằng các loại thuốc như thuốc kháng viêm, long đờm, kháng sinh khi có nhiễm khuẩn. Tuy nhiên khi điều trị đúng cách thì các trường hợp viêm VA có thể được chữa khỏi một cách dứt điểm.
Ở các bệnh nhân mắc viêm VA mãn tính, các triệu chứng của bệnh không rầm rộ như loại cấp tính, chẳng hạn như ngạt mũi kéo dài, sốt nhẹ, ù tai, ngủ ngáy,... Nhưng nếu chỉ sử dụng thuốc thì khả năng bệnh khỏi hẳn là rất thấp, mà thường sẽ cần phải thực hiện nạo viêm VA để loại bỏ tổ chức VA đã bị viêm mãn tính.
Như đã nói, bệnh viêm VA là căn bệnh rất thường gặp trên thực tế. Chính điều này khiến cho bệnh không được quan tâm một cách đúng mực, các bậc cha mẹ chỉ nghĩ rằng đây là một bệnh nhẹ ở con trẻ. Nhưng chính điều này lại là nguyên nhân dẫn đến viêm VA không được điều trị đúng cách, kịp thời, dễ phát triển thành nhiều biến chứng khác nhau, bao gồm cả các biến chứng lâu dài cho sức khỏe của trẻ.
Sốt cao lên đến 39-40 độ C là biểu hiện thường gặp ở các bệnh nhân mắc bệnh viêm VA cấp tính. Khi nhiệt độ cơ thể tăng cao quá mức gây tác động xấu lên hệ thần kinh của trẻ. Do đó có thể khiến trẻ bị viêm VA gặp phải tình trạng co giật do sốt cao.
Co giật do sốt cao khi mắc viêm VA không được kiểm soát, thường xuyên lặp lại sẽ dễ dần đến các tổn thương lâu dài cho hệ thần kinh của trẻ.
Bệnh viêm VA gây ra tình trạng tăng tiết dịch nhầy ở vùng vòm họng của trẻ. Dịch nhầy này ứ đọng và chảy ra ngoài qua hốc mũi, thành họng,... khi số lượng quá nhiều. Nếu không được vệ sinh tốt, đây là điều kiện lý tưởng để vi khuẩn, tác nhân gây bệnh phát triển.
Sự tiếp xúc của các cơ quan như họng, phế quản, khí quản,... của người bệnh với dịch nhầy tiết ra do bệnh viêm VA có thể khiến các cơ quan này cũng bị tấn công và bị viêm. Do đó, viêm hô hấp được xem là biến chứng thường gặp của bệnh viêm VA.
Dịch nhầy chứa vi khuẩn, virus ở bệnh nhân viêm VA có thể di chuyển qua vòi nhĩ và lên đến tai giữa của bệnh nhân, có thể gây ra tình trạng viêm tai giữa cấp tính.
Các trẻ gặp biến chứng viêm tai giữa cấp tính do biến chứng viêm VA có thể biểu hiện bằng các triệu chứng như đau tai, ù tai, chảy mủ tai do màng nhĩ bị thủng gây thoát mủ ra ngoài,...
Dịch nhầy tiết ra từ tổ chức VA viêm có thể bị trẻ nuốt xuống dạ dày. Các chất nhầy này rất khó bị tiêu hóa nên ứ đọng trong dạ dày của trẻ và khiến cho trẻ bị khó chịu, nôn ói.
Trong một số trường hợp, vi khuẩn và virus nằm trong dịch nhầy có thể tấn công vào hệ tiêu hóa, làm rối loạn hệ vi sinh vật đường ruột. Từ đó gây ra hiện tượng rối loạn tiêu hóa ở trẻ.
Viêm VA không chỉ gây biến chứng lên các cơ quan lân cận, mà còn có thể gây nên biến chứng ở các tổ chức xa hơn của cơ thể như khớp hay thận.
Điều này có thể là do vi khuẩn từ tổ chức VA viêm xâm nhập vào máu rồi đi đến các cơ quan xa và gây bệnh, hoặc cũng có thể là do hiện tượng tạo phức hợp miễn dịch với nguyên nhân gây viêm VA rồi các phức hợp này lại tự tấn công vào chính các cơ quan của cơ thể.
Biến chứng viêm VA này là biến chứng thường gặp ở các bệnh nhân mắc viêm VA mãn tính. Tình trạng viêm mãn tính khiến tổ chức VA bị quá phát, chèn ép đường thở nên trẻ thường phải há miệng để thở, chứ không thể hô hấp như một cách thông thường.
Việc há miệng để thở lâu ngày làm cho xương hàm trên không phát triển, trong khi đó xương hàm dưới lại phát triển ra trước quá mức. Lâu dần khiến xương mặt của trẻ bị biến dạng.
Chậm phát triển trí tuệ do viêm VA ít khi được quan tâm đúng mức. Các bậc cha mẹ thường chỉ thấy con trẻ tiếp thu chậm, hay quên, ít hoạt bát hơn các trẻ khác mà không hề biết rằng đây chính là một biến chứng viêm VA gây nên.
Biến chứng viêm VA này hay gặp ở những trẻ mắc viêm VA mãn tính, tổ chức VA gây chèn ép đường thở và khiến cơ thể trẻ bị thiếu oxy kéo dài. Trong khi đó, não là cơ quan đặc biệt nhạy cảm đối với tình trạng thiếu oxy, dù chỉ chiếm 2% khối lượng cơ thể nhưng lại tiêu thụ đến 20% oxy có trong máu. Vì vậy, thiếu oxy trường diễn gây ra tình trạng chậm phát triển tổ chức thần kinh ở não, làm cho trẻ bị chậm phát triển trí tuệ, học kém, ít hoạt bát,...
Có thể thấy rằng, viêm VA có thể gây ra khá nhiều biến chứng nghiêm trọng khác nhau. Vì vậy, điều trị đúng cách, kịp thời và thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng bệnh là cách tốt nhất để dự phòng biến chứng viêm VA.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn