Điểm đầu vào ĐH cao khiến học sinh lớp 12 chịu áp lực nặng nề

07:12 | 02/08/2017;
Với điểm chuẩn vào các trường ĐH năm nay cao kỷ lục, có thí sinh 27, 28 điểm còn trượt ĐH, thí sinh 29,25 điểm không đỗ vào trường yêu thích khiến nhiều học sinh chuẩn bị vào lớp 12 lo lắng và thấy vô cùng áp lực.
Áp lực thi luôn đè nặng lên vai những học sinh lớp 12. Ảnh: T.H

Một nam sinh ở trường THPT chuyên của tỉnh Nam Định đang cảm thấy rất bế tắc khi tâm sự: Em vừa bắt đầu năm học mới được 1 tuần. Trong khi các bạn còn đang vui vẻ, chuẩn bị cho năm học lớp 12 và thi ĐH thì ngay từ hè em đã kín lịch học thêm, từ 7g30 sáng đến 9g tối và bây giờ là 10g30 đêm với đủ các thầy cô giáo “có tiếng”.
Dù em mệt, ốm đến cỡ nào thì bố mẹ vẫn chở em đi học thêm, không được phép nghỉ buổi nào. Bố mẹ đều muốn em thi ĐH Y Hà Nội nhưng thực sự trường này quá sức với em, khi mà năm nay điểm trúng tuyển của trường này là 29,25 cộng thêm vài tiêu chí phụ.
"Khả năng của em chỉ vào nổi ĐH Y Thái Bình nhưng bố mẹ muốn em phải cố, ép em phải học để đỗ ĐH Y Hà Nội", nam sinh này tâm sự.

Theo học sinh này, em không xuất sắc như các bạn mà học lực chỉ ở mức khá. Vì thế việc đi học thêm về rồi còn rất nhiều bài tập khiến em rất căng thẳng. Từ lâu rồi em thèm một giấc ngủ, chỉ 5 tiếng thôi mà không được.

"Em cũng nghe về vài loại chất kích thích. Hôm trước, người quen của em bán thuốc có giới thiệu với em thuốc kích thích hệ thần kinh trung ương nhưng em chưa dám thử. Nếu không có thuốc hỗ trợ, em không biết phải làm gì bây giờ. Em sợ những ánh mắt miệt thị từ bố mẹ, họ hàng. Em sợ bài tập, sợ cô giáo, sợ mọi thứ liên quan tới học thêm.

Em phải làm gì bây giờ? Em muốn khóc nhưng mẹ sẽ vào phòng em thường xuyên để giám sát, kiểm tra xem em học thế nào. Đã có lúc em nghĩ chết quách đi cho rồi nhưng em cũng sợ chết. Em bế tắc quá”, học sinh này nói giọng đầy bế tắc.

Cuộc đua của những teen sinh năm 2000 căng thẳng ngay từ lúc này. Ảnh minh họa

Điểm trúng tuyển vào ĐH cao nhất từ trước đến nay đã ảnh hưởng không nhỏ đến các teen 10X- những trẻ sinh năm 2000. Không ít học sinh chịu áp lực nặng nề như nam sinh nói trên.

“Em nghe nói kiến thức lớp 12 khó lắm, nặng gấp 2, 3 lần so với lớp 11. Đó là còn chưa kể đến độ phủ kiến thức thì siêu rộng, bao gồm cả kiến thức lớp 12 và lớp 11. Học thế nào để “nhồi nhét” được hết? Rồi cả năm vất vả học tập, đến khi điểm cao chót vót lại… trượt thẳng cẳng. Chỉ nghĩ thôi đã thấy run rồi”, em Hoàng Thùy Giang (Kinh Môn, Hải Dương) lo lắng.

 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn