Điểm nghẽn trong những chính sách hỗ trợ phục hồi ngành du lịch

08:05 | 30/07/2021;
Từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, trong năm 2020-2021, nhiều gói hỗ trợ đã được Chính phủ công bố như gói hỗ trợ 62.000 tỷ, gói hỗ trợ 26.000 tỷ, hay các gói vay ưu đãi, chương trình giảm thuế, giãn thuế... nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Bài 2: Băn khoăn về quy định "có hợp đồng lao động"

"Khi biết Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, trong đó, hướng dẫn viên du lịch bị ảnh hưởng bởi Covid-19 cũng nằm trong diện được nhận hỗ trợ, tôi và các bạn trong cộng đồng hướng dẫn viên mừng lắm", chị Trần Kim Tuyền, một hướng dẫn viên du lịch tự do tại TP. Hồ Chí Minh, chia sẻ.

Với mức hỗ trợ dành cho hướng dẫn viên du lịch đủ điều kiện là 3.710.000 đồng/người. Số tiền không quá lớn nhưng là nguồn động viên, giúp chị Tuyến vơi bớt khó khăn do tác động của dịch Covid-19. Nhưng khi tìm hiểu kỹ hơn về các điều kiện, thủ tục để được hỗ trợ, sự háo hức của chị Tuyến dường như giảm hẳn. Theo quy định, để được nhận hỗ trợ, hướng dẫn viên cần có thẻ hướng dẫn viên du lịch theo quy định của Luật Du lịch; có hợp đồng lao động với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành hoặc doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch hoặc là hội viên của tổ chức xã hội - nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch đối với hướng dẫn viên du lịch quốc tế và hướng dẫn viên du lịch nội địa; có phân công của tổ chức, cá nhân quản lý khu du lịch, điểm du lịch đối với hướng dẫn viên du lịch tại điểm.

Nếu xét theo các điều kiện này thì chị Tuyến không có cơ hội được nhận hỗ trợ. "Do đặc thù công việc, chúng tôi thường là hướng dẫn viên tự do, làm việc cùng lúc với nhiều công ty, nên chỉ có hợp đồng thời vụ theo tour. Đó là chưa kể từ năm 2020 trở lại đây, gần 90% doanh nghiệp du lịch lâm vào tình trạng ngừng hoạt động thì rất ít hướng dẫn viên có hợp đồng lao động dài hạn. Tôi không rõ quy định "có hợp đồng lao động" cụ thể thế nào, chỉ có hợp đồng dài hạn mới được hỗ trợ hay hợp đồng ngắn hạn, theo tour như của tôi cũng được".

Băn khoăn của chị Tuyến cũng là thắc mắc của rất nhiều hướng dẫn viên du lịch tự do đang vướng ở điều kiện để được nhận hỗ trợ này. Trên các diễn đàn, nhóm hướng dẫn viên du lịch, nhiều người cho rằng, cần quy định rõ ràng về "có hợp đồng lao động", đó là hợp đồng lao động dài hạn hay hợp đồng theo tour, là hợp đồng lao động có thời hạn/không xác định thời hạn và phải đóng BHXH?

Doanh nghiệp cũng gặp khó

Từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, trong năm 2020-2021, nhiều gói hỗ trợ đã được Chính phủ công bố như gói hỗ trợ 62.000 tỷ, gói hỗ trợ 26.000 tỷ, hay các gói vay ưu đãi, chương trình giảm thuế, giãn thuế... nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Nhưng thực tế, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch gặp khó khi tiếp cận chính sách hỗ trợ.

Anh Phạm Hà, Chủ tịch Lux Group, cho biết, doanh nghiệp của anh chưa được nhận hỗ trợ. Với đặc thù của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải du lịch, dịch vụ lữ hành và du thuyền cao cấp, không có nguồn thu nhưng doanh nghiệp của anh Phạm Hà vẫn phải trả các khoản phí bến bãi, duy tu và chi phí nhân sự, bảo vệ tài sản... Những người điều hành công ty đã phải vay mượn khắp nơi để trả ngân hàng, kêu gọi nhân viên, quản lý, lãnh đạo chung tay chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp, giảm chi tiêu về mức tối thiểu. "Dù doanh nghiệp khó khăn như vậy nhưng ngay cả hỗ trợ sát sườn nhất là cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo Thông tư 03 của Ngân hàng Nhà nước cũng chưa được các ngân hàng áp dụng", anh Phạm Hà cho biết thêm.

Theo khảo sát của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), 43% chuyên gia cho rằng, ngành du lịch sẽ phục hồi, trở lại mức trước đại dịch vào năm 2023, còn 41% cho rằng điều đó chỉ xảy ra vào năm 2024 hoặc thậm chí muộn hơn.

Bài sau: Giải pháp phục hồi và phát triển sau đại dịch

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn