Dương Thị Hòa, 8X, quê Nghệ An, bị khiếm thính từ nhỏ nên cảm nhận cuộc sống chủ yếu qua đôi mắt. Học hết cấp 2, ở nhà phụ gia đình, Hòa đã phải đối mặt cú sốc đầu đời khi trở thành một bà mẹ đơn thân. Người yêu đầu đời đã bỏ cô cùng cái thai trong bụng. Nhưng, nhờ có động viên của mẹ, cô đã sống tiếp và đi làm nuôi con. Khi con được 3 tuổi, Hòa quyết định rời nhà để lập nghiệp. Cô xin vào làm việc tại một nhà máy giấy cách nhà hơn 30 km. Cứ vài ba tháng, Hòa mới có thể về nhà thăm con một lần. Hòa tâm sự, dù nhớ con đến mấy thì cô vẫn sẽ chịu đựng, vì cô tin, sau khó khăn, cô và con sẽ được đoàn tụ và có cuộc sống hạnh phúc.
Tuy nhiên, lần thứ hai, Hòa lại phải đối mặt với khó khăn khi cô có nguy cơ bị lạm dụng tình dục bởi những người đàn ông thiếu đứng đắn. Hòa từng phải chạy trốn rất nhiều lần, nhưng cuộc sống vẫn bấp bênh, nhiều rủi ro. Cuối cùng, cô quyết định nghỉ việc, rời quê lên Hà Nội lại bắt tay lập nghiệp. Nghe tin con đi xa quê, mẹ Hòa không khỏi lo lắng. Nhưng, Hòa nói, dù thế nào, cô cũng không thể dừng bước tiếp. Thật mừng vì lần này, Hòa đã tìm được một chỗ làm thật bình yên là xưởng “Sen handmade by deaf” (Xưởng thủ công của những người điếc).
Thanh Loan, 1 trong 3 đồng sáng lập của Sen handmade by deaf (SEN), cho biết: Những thành viên sáng lập đều đã gắn bó nhất định với nhóm người yếu thế trong xã hội, trong đó có những người điếc, người khiếm thính. Chẳng hạn như Loan, từng khởi nghiệp cùng em trai cũng là người điếc, để gây dựng thành công mô hình salon chăm sóc sắc đẹp của người điếc tại Hà Nội. Thành viên khác trong nhóm thì có hàng chục năm làm việc với các bạn khiếm thính và điếc, là người quan trọng luôn được các bạn điếc coi như chỗ dựa tin cậy. Người còn lại đã tạo được một sân chơi nghệ thuật chất lượng cho cộng đồng trẻ tự kỷ.
Vì thế, các thành viên sáng lập đều rất hiểu khó khăn mà người khuyết tật gặp phải và mong muốn làm điều gì đó để giúp đỡ họ, trong đó, quan trọng nhất là giúp tạo công ăn việc làm để họ có nguồn sống ổn định. Họ đã đến với nhau và rất tự nhiên, đều cùng thống nhất lấy tên “Sen” để đặt cho dự án đầu tiên của mình. Loan cho biết SEN có thể hiểu như bông sen, quốc hoa của Việt Nam, một loài hoa tượng trưng cho sự thanh khiết, sự vươn lên, cũng giống như những người khiếm thính rất trong sáng, lạc quan, đầy nghị lực. SEN- nói vui- còn là “người phục vụ”, khi cả nhóm xác định dự án mà mình theo đuổi, Sen handmade by deaf ra đời nhằm phục vụ khách hàng, cộng đồng thông qua sản phẩm, dịch vụ.
Khi mới thành lập, SEN hỗ trợ nơi ăn, ở, cung cấp nguyên vật liệu và trả một phần chi phí đào tạo nghề làm thú nhồi bông, vải hoa… cho họ. Điều tuyệt vời là những người khiếm thính và người điếc nơi đây, tuy khuyết tật nghe nói nhưng lại có đôi mắt sáng và đôi bàn tay rất khéo léo. Vì thế, các bạn học việc rất nhanh và sản phẩm làm ra cũng rất đẹp.
Đến nay, nhiều bạn khiếm thính đã biết tới SEN và chủ động đăng ký được đào tạo nghề, sau đó tiếp tục ở lại làm việc, góp sức cho sự phát triển của SEN. “Chúng tôi nhận thấy, vẫn còn nhiều người điếc và người khiếm thính chưa có việc làm ổn định. Vì thế, chúng tôi rất muốn đẩy mạnh hơn nữa quy mô hoạt động của SEN để tạo thành một cộng đồng mạnh của những người điếc, người khiếm thính”, Loan tâm sự.
SEN hiện có 5 nhân viên, đều là người khiếm thính. Mỗi bạn, lại mang theo một câu chuyện đời, một mảnh ký ức, nỗi niềm riêng. Như là câu chuyện của cô gái 8X Dương Thị Hòa. Đó là cô gái từng mải miết đi tìm sự đồng cảm, để rồi cuối cùng chọn Sen với mong muốn có cộng đồng của riêng mình, hiểu mình và vì mình… Đó còn là cặp vợ chồng khiếm thính, đang rất cần công việc để có tiền nuôi mình, nuôi con… Họ cuối cùng đã gặp nhau và tìm thấy một chỗ dựa vững chắc.
Tuy nhiên như Loan chia sẻ, vì mới ra đời, SEN còn gặp nhiều khó khăn. Trong đó, khó nhất là việc tìm đầu ra cho sản phẩm vì sản phẩm có được thị trường đón nhận thì người khiếm thính mới có thu nhập. Rất mừng là bước đầu, SEN đã nhận được sự ủng hộ từ cộng đồng. Nhiều người ủng hộ vải, cung cấp mẫu mã, mua sản phẩm và còn kết nối nhóm với các nguồn tiêu thụ. Trong đó, có nhiều doanh nghiệp lớn, biết tới tính nhân văn của SEN nên đã đặt hàng thú nhồi bông để làm quà tặng khách hàng. Nhờ đó mà các bạn cảm thấy rất vui vì thấy mình không cô đơn trên hành trình đồng hành cùng những người yếu thế. Bản thân các bạn khiếm thính cũng ấm lòng vì sản phẩm mình làm ra được cộng đồng trân trọng, đón nhận.
Loan cũng tin rằng, hướng đi của mình là đúng bởi những giá trị tạo ra vì cộng đồng sẽ luôn được cộng đồng đón nhận và chung tay.