Ông Lê Đức Hiền, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), cho biết: Những năm qua, tình hình mua bán người đang diễn biến rất phức tạp. Từ cuối 2015 đến tháng 5/2018, toàn quốc đã phát hiện 885 vụ mua bán người với 1.158 đối tượng, 2.319 nạn nhân.
Các đơn vị, cơ quan chức năng đã xác minh 1.117 trường hợp bị mua bán và đã tiếp nhận gần 1.000 nạn nhân. Điển hình như tỉnh Quảng Ninh, đã tiếp nhận 228 nạn nhân (203 phụ nữ, 25 trẻ em); tỉnh Điện Biên tiếp nhận 131 nạn nhân; Lai Châu là 54 nạn nhân…
Theo ông Hiền, hầu hết nạn nhân bị mua bán trở về đều bị tổn thương nặng nề cả thể chất và tinh thần. Họ bị ép buộc lao động quá sức, bị đánh đập, tra tấn, bị giam giữ; thậm chí bị bóc lột tình dục, bị mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục và các bệnh xã hội khác. Khi về nước, phần lớn trong số họ vẫn trong tình trạng tinh thần hoảng loạn, không ổn định do sợ hãi, bị đe dọa. Có những nạn nhân bị đưa đi bán lại nhiều lần, thậm chí có một vài trường hợp bị xâm hại cả tính mạng...
Trong những năm qua, hoạt động hỗ trợ nạn nhân bị buôn bán trở nên cấp bách. Một số tỉnh, thành phố đã thành lập được các mô hình hỗ trợ nạn nhân, nhằm kịp thời trợ giúp cho các đối tượng có nguy cơ bị mua bán và bị mua bán trở về. Qua đó, tạo điều kiện để họ tiếp cận các dịch vụ nhu cầu thiết yếu; cụ thể như tỉnh Lào Cai với mô hình “Nhà nhân ái”; tỉnh An Giang với mô hình “Ngôi nhà tình thương”. Các tỉnh Thanh Hóa, Bắc Giang, Tây Ninh, Thừa Thiên-Huế, Quảng Bình với mô hình “Nhóm Tự lực”; tỉnh Nghệ An với chương trình “Phòng, chống mua bán người qua biên giới” tại một số huyện giáp ranh với đường biên giới...
Theo ông Lê Đức Hiền, các mô hình hỗ trợ nạn nhân tại cộng đồng đã được các địa phương đánh giá cao về tính hiệu quả và thực tiễn. Sự thành công của các mô hình bước đầu đã giúp đỡ được những nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn, được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng bền vững, tạo nguồn vốn sinh kế hiệu quả đem lại thu nhập, ổn định cuộc sống.
Phó trưởng Ban chỉ đạo chương trình phòng, chống mua bán người, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, cho biết: Các đối tượng lợi dụng tình cảnh nạn nhân khó khăn kinh tế, sự nhẹ dạ cả tin, mất cảnh giác hoặc tục lệ cưới hỏi của đồng bào dân tộc ít người để lừa bán phụ nữ sang Trung Quốc. Thủ đoạn này tập trung ở các tỉnh miền núi phía Bắc.
Đặc biệt, nạn nhân ở vùng miền xuôi, có trình độ nhận thức nhất định vẫn bị lừa bán. Các đối tượng lợi dụng sự phát triển của công nghệ thông tin, qua các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook, Viber… để làm quen, giả vờ yêu đương, kết bạn nhằm môi giới hôn nhân nước ngoài trái phép.
Theo báo cáo Sơ kết thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 1 (2016 - 2018), 100% nạn nhân tiếp nhận được hỗ trợ ban đầu, được tư vấn tâm lý, khám sức khỏe, trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật. Căn cứ nhu cầu, nguyện vọng của nạn nhân, trên 50% số nạn nhân bị mua bán, sau khi tiếp nhận được hỗ trợ các dịch vụ liên quan như: Trợ cấp khó khăn, học nghề, tạo việc làm, khám chữa bệnh, tạo điều kiện cho vay vốn lãi suất thấp để ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng…