Vươn lên thoát nghèo
Tại ấp Tân Thạnh, xã Tân Bình (huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh), hầu hết mọi người đều biết đến chị Lê Thị Cẩm Nhung - chi hội trưởng phụ nữ ấp Tân Thạnh. Không chỉ nhiệt tình trong công tác Hội, chị Nhung còn là hạt nhân nòng cốt trong phong trào phụ nữ thi đua sản xuất kinh doanh giỏi trên địa bàn xã.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông, đông anh em. Trước đây, gia đình chị Nhung thuộc diện hộ đặc biệt nghèo, cuộc sống chỉ trông chờ vào buôn bán nhỏ lẻ.
Nhận thấy thu nhập từ việc buôn bán nhỏ không đủ để trang trải cuộc sống, chị luôn trăn trở tìm cách thoát nghèo. Năm 2014, chị được Hội LHPN xã giới thiệu tư vấn nguồn vốn vay từ Ngân hàng chính sách xã hội huyện và làm hồ sơ vay số tiền 30 triệu đồng để đầu tư trồng cao su. Ngoài ra, những khi rảnh rỗi chị và chồng còn đi làm thêm nhiều công việc khác nhằm trang trải cuộc sống.
Nhờ bản tính siêng năng, cần cù, chịu thương chịu khó, chị dần tích lũy số tiền để hoàn tất nợ vay cho ngân hàng, tiếp tục phát triển kinh tế. Hiện nay, kinh tế của gia đình chị đã không còn khó khăn như trước, vươn lên thoát nghèo.
Theo Hội LHPN xã Tân Bình, từ nguồn vốn chính sách, nhiều chị em hội viên phụ nữ trên địa bàn đã mạnh dạn thay đổi tư duy trong sản xuất chăn nuôi, triển khai những mô hình kinh tế sáng tạo hướng tới những sản phẩm hàng hóa sạch, an toàn và bảo vệ môi trường. Việc sử dụng và quản lý tốt nguồn vốn vay của Ngân hàng chính sách xã hội góp phần không nhỏ vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; cũng như công tác giảm nghèo, tạo việc làm cho chị em phụ nữ và bảo đảm an sinh xã hội.
Cuộc sống ngày một khấm khá hơn
Chị Quân Thị Na (27 tuổi, ngụ ấp Hòa Đông A, xã Hòa Hiệp, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh) cũng là gương sáng trong phát triển kinh tế. Sinh ra và lớn lên trong gia đình là hộ nghèo người dân tộc Khmer, từ nhỏ chị Na đã có cuộc sống khó khăn.
Năm 2013, khi lập gia đình, vợ chồng chị ra ở riêng trong căn nhà tạm cất trong phần đất gần nhà cha mẹ ruột. Hằng ngày, hai vợ chồng đi cạo mủ cao su cho những trang trại gần nhà, hết mùa cạo, ai thuê gì thì làm nấy. Cuộc sống ngày càng khó khăn hơn khi hai con lần lượt chào đời.
Vào khoảng năm 2019, chị tham gia vào tổ tiết kiệm và sau đó được vay số vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội với số tiền 20 triệu đồng. Với số tiền này, chị đã mua một con bò cái sinh sản. Đến nay, số lượng bò đã tăng lên, cùng với đó thì đời sống gia đình cũng khấm khá hơn, vươn lên thoát nghèo. Căn nhà cất tạm ngày nào giờ đây đã được thay thế bằng một ngôi nhà khang trang hơn, các con cũng có điều kiện để học tập.
Chị Na chia sẻ, trước đây, bản thân chị rất ngại tiếp xúc với mọi người, một phần vì tự ti, một phần vì bận rộn với cuộc sống gia đình. Thế nhưng, sau tham gia sinh hoạt vào Hội Phụ nữ thì chị trở nên năng động, tự tin hơn; đồng thời còn có nhiều điều kiện để phát triển kinh tế gia đình.
Hiện nay, chị Na đang là tổ trưởng Tổ phụ nữ số 10, Chi hội ấp Hòa Đông A. Ngoài phát triển kinh tế gia đình, chị còn tuyên truyền, chia sẻ, vận động chị em phụ nữ, nhất là phụ nữ dân tộc Khmer mạnh dạn đầu tư vào sản xuất, chăn nuôi hiệu quả. Cũng nhờ vậy, đến nay tại ấp đã có nhiều gia đình phụ nữ người dân tộc Khmer ổn định kinh tế, nhiều hộ vươn lên thoát nghèo bền vững.
Theo Hội LHPN xã Hòa Hiệp, là một xã biên giới nên người dân trên địa bàn xã chủ yếu sống bằng nghề nông, cuộc sống của đa phần các chị em hội viên rất khó khăn. Thời gian qua, nhờ sử dụng, phát huy đúng mục đích nguồn vốn vay của Ngân hàng chính sách xã hội mà nhiều hội viên phụ nữ đã ổn định kinh tế. Đây thực sự là điểm tựa để hội viên, phụ vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn