Năm 2017, cô gái trẻ Nguyễn Thu Uyên (SN 1994) tốt nghiệp ngành Sư phạm (Trường Đại học Đồng Tháp). Thời điểm này, tỉnh Đắk Nông thành lập Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh. Ra trường, Thu Uyên xin vào dạy học tại Trung tâm.
Các em học sinh tại Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh Đắk Nông chủ yếu mắc các chứng bệnh bẩm sinh như down, tự kỷ, câm điếc, chậm phát triển trí tuệ, khuyết tật thể chất...
Gắn bó với trẻ khuyết tật, ngoài tình yêu nghề, đòi hỏi cô giáo Thu Uyên phải có sự kiên trì, đặc biệt là tình yêu với các em. Với đặc thù của lớp học nên phương pháp dạy cũng đặc biệt. Cô giáo Nguyễn Thu Uyên cho biết, vì các em học sinh đều là trẻ khuyết tật, chậm hiểu nên cô phải giảng từ từ, kiên nhẫn chỉ cho các em từng chữ cho đến việc học cách tự phục vụ, kỹ năng sống hòa nhập cộng đồng.
Anh Hồ Nhất Thiên (ở phường Nghĩa Đức, thành phố Gia Nghĩa) có con trai bị chèn não hiện theo học tại Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh Đắk Nông. Anh Thiên cho biết, cháu được các cô giáo và nhân viên ở Trung tâm chăm sóc tận tình, chu đáo, đặc biệt là cô giáo Thu Uyên.
"Cô Uyên không chỉ dạy cho cháu nhận biết mặt chữ, cách ăn uống, chào hỏi mà còn quan tâm cháu như con của mình, chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ", anh Thiên chia sẻ.
Để có phương pháp truyền tải kiến thức hiệu quả dành cho học sinh khuyết tật, hằng ngày, ngoài giờ lên lớp, cô Uyên còn dành thời gian nghiên cứu thêm tài liệu từ sách và internet.
Cô tìm và tham khảo kinh nghiệm của các thầy cô đã có thâm niên trong nghề dạy trẻ khuyết tật để trang bị thêm cho mình kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ.
Nhằm tạo không khí vui tươi, giúp học sinh gắn bó, thích đến trường, ngoài giờ dạy học, cô Thu Uyên còn tổ chức nhiều trò chơi, giải trí cho các em.
Với sự nhiệt tình, sáng tạo, tình yêu với các em nhỏ khuyết tật, cô giáo Thu Uyên luôn được học sinh yêu mến, phụ huynh tin tưởng, tập thể nhà trường đánh giá cao.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn