Sáng 30/3, sau buổi làm việc tại trường THCS Phù Ủng (Ân Thi, Hưng Yên) liên quan đến vụ nữ sinh H.Y bị đánh hội đồng dã man trong lớp, ông Nguyễn Văn Phê – Giám đốc Sở GD&ĐT Hưng Yên - cho biết bước đầu đưa ra các hình thức xử lý cấp bách.
Ông Nguyễn Văn Phê thông tin, trước mắt sẽ tạm đình chỉ ông Nhữ Mạnh Phong - Hiệu trưởng Trường THCS Phù Ủng. Giáo viên chủ nhiệm lớp em H.Y cũng bị điều chuyển, không chủ nhiệm lớp này nữa vì không nắm bắt và ngăn ngừa kịp thời.
Đối với học sinh vi phạm, nhà trường đã ra quyết định tạm đình chỉ học đối với 5 học sinh, để các em có thời gian suy nghĩ, kiểm điểm. Hiện những học sinh này đang làm việc với cơ quan công an để phục vụ công tác điều tra, làm rõ sự việc.
Sở GDĐT Hưng Yên cũng có cuộc làm việc Phòng GDĐT Ân Thi, lãnh đạo huyện Ân Thi để phối hợp điều tra và xử lý vụ việc. Đồng thời đến thăm hỏi nữ sinh là nạn nhân và động viên gia đình em.
Quan điểm của lãnh đạo Sở GDĐT Hưng Yên là làm rõ sự việc, xử lý nghiêm sai phạm, giải quyết dứt điểm, đúng người, rõ trách nhiệm.
Sự việc đáng tiếc này xảy ra từ ngày 22/3. Sau khi tan học, cán bộ, giáo viên và học sinh trong trường hầu như đã về hết, thì nhóm học sinh có chủ ý ở lại và đóng cửa lớp để đánh bạn. Bảo vệ nhà trường cũng không biết sự việc xảy ra.
Học sinh H.Y. bị 5 học sinh cùng lớp lột quần áo, đánh đập dã man ngay tại lớp học. Theo dõi những hình ảnh đầy bạo lực, nghe tiếng khóc, gào thét của H.Y, tiếng chửi bới của nhóm nữ sinh, nhiều người không khỏi "rùng mình" vì quá bức xúc, phẫn nộ.
Cùng ngày,Bộ GD&ĐT đã liên hệ với Sở GD&ĐT Hưng Yên, yêu cầu kiểm tra, làm rõ vụ việc nhóm 5 nữ sinh lớp 9 đánh một bạn khiến nạn nhân phải nhập viện.
Thông tin với báo chí sáng 30/3, Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên, Bộ GD&ĐT - cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin, bộ đã yêu cầu Sở GD&ĐT Hưng Yên kiểm tra, xác minh và báo cáo cụ thể về Bộ GD&ĐT trước ngày 2/4; chỉ đạo làm rõ trách nhiệm liên quan; tổ chức thăm hỏi, động viên ổn định tinh thần của học sinh.
Chính quyền địa phương cần phối hợp các cơ quan hỗ trợ nạn nhân; cùng cơ quan công an điều tra làm rõ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, các nhà trường cần tăng cường triển khai công tác tư vấn tâm lý học đường, công tác xã hội, nâng cao hiệu quả hoạt động Đoàn, Đội, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu nhà trường trong việc xây dựng văn hóa học đường, trường học an toàn.
Bộ GD&ĐT chỉ đạo địa phương thực hiện nghiêm túc Nghị định số 80/2017/NĐ-CP ngày 17/7/2017 của Chính phủ Quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường; quyết định số 5886/QĐ-BGDĐT ngày 28/12/2017 về ban hành Chương trình hành động Phòng, chống bạo lực học đường trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên giai đoạn 2017-2021, Công văn số 5812/BGDĐT-GDCTHSSV ngày 21/12/2019 về việc hướng dẫn xây dựng Kế hoạch phòng ngừa bạo lực học đường...
Mục đích là không để các vụ việc đáng tiếc tương tự xảy ra trong thời gian tới.