Điện Biên mùa hoa ban khoe sắc

11:22 | 02/09/2015;
Điện Biên những ngày cuối tháng 3, hoa ban rợp trời khoe sắc trong nắng...
Sự tích hoa ban
Người Thái gọi đất Điện Biên là Mường Trời. Mỗi tấc đất ở lòng chảo Mường Thanh đã đi vào huyền thoại. Không ít người mong muốn một lần đặt chân lên xứ sở của hoa ban, của những điệu múa xòe, múa sạp làm say lòng người.  
Hành trình lên Điện Biên giờ đã được rút ngắn, chạy xe nửa ngày là đến nơi. Muốn hiểu hơn về vùng đất lịch sử này, ta nên bắt đầu hành trình khám phá từ chân đèo Pha Đin. Đi gần hết đất Sơn La là ta chạm chân đèo Pha Đin. Con đèo gắn với bao chiến công hiển hách của dân công hỏa tuyến và bộ đội từng gùi lương thực thực phẩm, kéo pháo vào trận địa năm nào. Trái với vẻ ẩm ướt nơi đồng bằng Bắc bộ những ngày này, trời Điện Biên cao và sâu thăm thẳm.
Đến đèo Pha Đin vào mùa nào cũng đẹp nhưng đẹp và lãng mạn nhất là mùa xuân. Rừng ban trắng ngần đang khai hoa, nở nhụy như nhuộm trắng cả núi rừng. Giữa không gian mênh mông của miền sơn cước, khí xuân trong lành, tựa bên gốc cây ban, hít căng lồng ngực mà cảm nhận hương thơm của trời đất, thấy lòng thật nhẹ nhàng, ấm áp. Đứng trên đỉnh đèo Pha Đin mà mường tượng cảnh những đoàn dân quân hỏa tuyến nô nức gùi thực phẩm, đạn dược lên phục vụ chiến trường năm xưa, lòng ta càng thêm cảm kích trước công lao to lớn của thế hệ đi trước.

 Những bông hoa ban khoe sắc ở đất Mường Trời. Ảnh: Linh Trí, ST

Tôi từng vượt đèo Pha Đin nhiều lần nhưng thích nhất là dừng chân ở nơi đây ngắm cảnh chiều buông. Lớp lớp dãy núi nối nhau chạy dài về phía chân trời bị nhuộm tím bởi ráng chiều. Cái nhịp sống quen thuộc của miền biên viễn mới bước vào hồi sôi động. Tiếng mõ trâu lốc cốc bên sườn non về bản, xua tan cái vẻ tĩnh mịch của rừng chiều. Trẻ con í ới gọi nhau về nhà. Những phụ nữ người Mông bền bỉ đỡ một cái gùi nặng sau lưng, bóng người đổ dài theo bóng núi khiến lòng ta thêm bâng khuâng, cảm phục. Bên sườn núi, những ngôi nhà sàn bắt đầu nổi lửa, tất cả như hối hả, tất bật hơn, ai cũng cố hoàn thành công việc của mình trước khi mặt trời lặn.
Đi hết đèo Pha Đin là tới nơi cư trú của đồng bào Thái. Người con gái Thái ở Điện Biên vẫn được ví như những bông hoa ban khoe sắc. Vẻ đẹp nền nã ấy đã khiến bao thi nhân và những kẻ ưa xê dịch lạc lối về. Đến giờ, người Thái còn lưu giữ một truyền thuyết đẹp kể về mối tình son sắt của nàng Ban. Thuở ấy có một chàng trai tên là Khum đem lòng yêu cô gái tên Ban. Khum vừa giỏi làm nương, lại có tài săn bắn. Ban thì khéo tay dệt vải và sở hữu giọng hát làm say đắm nhiều chàng trai. Thế nhưng, cha Ban vì ham giàu nên đã đem gả nàng cho con trai nhà giàu, vốn là một thanh niên lười nhác, lại có tật gù lưng.

Người con gái Thái ở Điện Biên vẫn được ví như những bông hoa ban khoe sắc. Ảnh: Linh Trí, ST 

Mặc cho Ban hết lời van xin, người cha vẫn không từ bỏ ý định. Trong bước đường cùng, nàng Ban đã chạy sang bản của Khum gặp chàng để cầu cứu. Nhưng khi đến nhà Khum thì được tin chàng đã theo cha đi mua trâu ở bản xa. Nàng bèn lấy chiếc khăn piêu của mình, buộc vào nơi cầu thang nhà người rồi bươn bả đi tìm chàng. Nàng đi hết núi này, rừng khác, gọi tên người yêu đến khản cả giọng, nhưng chàng ở xa nào có nghe thấy. Cuối cùng nàng kiệt sức, ngã gục sau khi vượt qua một dãy núi cao. Nơi nàng nằm xuống sau đó mọc lên một cây hoa mang búp trắng như búp tay người con gái. Chẳng bao lâu, loài hoa ấy lan ra khắp núi rừng Tây Bắc. Hằng năm cứ mỗi độ xuân về, hoa nở trắng như bông. Người ta đặt tên loài hoa đó là hoa ban.
Tên đất đi vào huyền thoại
Đến những bản người Thái nằm ven quốc lộ 6 vào đúng dịp lễ hội đầu xuân thì vui quên trời, quên đất. Nhịp trống vang rộn như báo hiệu vất vả của ngày mùa đã qua. Tiếng đàn tính tẩu lại ngân vang, các cô gái Thái khoác lên bộ áo cóm đặc trưng của dân tộc mình. Những sơn nữ tóc búi cao để lộ cái gáy trắng ngần cùng nắm tay nhau nhún nhảy theo điệu sạp. Hết lượt mình lại ra bên chum rượu cần đã để sẵn ở giữa nhà, cùng nhau vít cần rượu mới cảm nhận hết được cái vui, cái thú ở đời khi đến đất Mường Trời. Cái thứ rượu hảo hạng làm từ men lá trứ danh được các bà người Thái chưng cất từ hàng trăm loại lá rừng, uống vào cứ ngọt lịm từ đầu lưỡi. Bình rượu vơi lại đầy, đêm hội kéo dài tựa như không có hồi kết. Đến đất Mường Trời là thế, bạn có thể vào bất cứ nhà dân nào xin ngủ lại, gia chủ luôn hào phóng mở rộng vòng tay chào đón khách. Những bản làng như níu chân người, chẳng ai muốn rời nửa bước.
Càng tiến sâu vào đất Điện Biên, ta càng cảm nhận rõ hơn về tấm thịnh tình của người dân nơi đây. Trước khi đến cánh đồng Mường Thanh, một địa danh khiến bất kỳ du khách nào cũng muốn tới thăm là khu di tích Mường Phăng - nơi đặt bộ chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ. Từng căn phòng, từng hiện vật, từng con người lịch sử năm nào như vẫn còn đây thông qua cách sắp xếp, trưng bày của ban quản lý di tích. Nơi ở của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nơi họp của ban chỉ huy chiến dịch được mô phỏng lại rất chi tiết, sống động...

Nghĩa trang đồi A1. Ảnh: Linh Trí, ST

Ngược ra TP Điện Biên Phủ, ta càng cảm nhận sâu sắc hơn về chiến công hiển hách năm nào của cha ông. Từng cụm di tích, tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ, đồi A1, rồi hầm Đờ-cát... vẫn hiện diện trên vùng đất lịch sử này. Thật là một thiếu sót nếu không đến nghĩa trang Đồi A1, nghĩa trang đồi Độc Lập - nơi yên nghỉ của bao liệt sĩ đã hy sinh xương máu làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".

Để đến Điện Biên, bạn có thể theo tuyến đường bộ hoặc đường hàng không. Đường bộ xuất phát từ Hà Nội theo QL6 qua Hòa Bình, Sơn La tới Điện Biên hoặc xuất phát từ Lào Cai theo QL4D qua Lai Châu về Điện Biên.

Vé máy bay Điện Biên - Hà Nội của Hãng Việt Nam Airlines giá từ 1.150.000đ/vé, khởi hành hàng ngày.
                                                                 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn