Những năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên đã và đang triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục cho học sinh dân tộc thiểu số trên địa bàn, nâng cao các tiêu chí phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, trẻ em được đến trường đầy đủ.
Nhắc lại chuyện xưa
Từ xưa, trong gia đình người Mông, người chồng luôn giữ vai trò quan trọng và quyết định mọi việc nên phụ nữ Mông chịu rất nhiều thiệt thòi. Nhiều bé gái người Mông không được đi học bởi quan niệm hà khắc: Con gái không cần học, lớn lên đi lấy chồng là thành người nhà khác, học cũng chỉ để phục vụ nhà chồng. Rồi các em lớn lên, lấy chồng theo tục bắt vợ khi đang ở tuổi vị thành niên, cơ thể chưa phát triển hoàn thiện để sẵn sàng làm vợ, làm mẹ. Nếu những đứa trẻ cùng trang lứa ở vùng xuôi đang tuổi cắp sách đến trường thì trên khắp các bản làng heo hút núi, những bé gái không biết đến tình yêu ấy đã "Một nách hai, ba con", cuộc sống lại quẩn quanh với nương rẫy và đói, nghèo.
Sinh ra trong gia đình nghèo nên khi mới học đến lớp 7, cô gái Mùa Thị Mỷ (năm nay 34 tuổi, dân tộc Mông, huyện Mường Nhé, Điện Biên) đã phải nghỉ học ở nhà làm nương rẫy. Chị khóc lóc để được đi học "bây giờ con học hành như thế này rồi thì nhất quyết con phải đi học tiếp", nhưng ý chí của cô gái ấy cũng không thay đổi được quyết định của bố mẹ.
Năm ấy, chồng của chị Mỷ (hiện tại) đi công tác qua nhà, thấy cảm mến cô gái nhỏ bé này, biết nguyện vọng cô bé Mỷ thích đi học, anh tỏ bày "Lấy anh đi anh cho em đi học". "Hồi đấy mình đã biết yêu là gì đâu, chỉ biết là được đi học tiếp là vui lắm, sẵn sàng theo anh về nhà", chị Mỷ chia sẻ.
Trong suy nghĩ của cô bé tầm 14 - 15 tuổi không thể biết trước cuộc sống hôn nhân có nhiều thứ phải lo lắng và nó sẽ cản trở công việc học như thế nào. Nhưng chỉ cần biết được đi học là người con gái ấy chấp nhận tất cả.
Đúng như lời hứa của chồng, chị Mỷ được tiếp tục ước mơ đi học. Cuối năm lớp 8 thì chị Mỷ có bầu, chị mang bụng bầu đi học. Đầu năm lớp 9 chị sinh bé đầu lòng nhưng chị chỉ xin thầy nghỉ 2 tuần rồi sau đó địu con đi học. Là người dân tộc thiểu số duy nhất trong lớp nên chị Mỷ được giáo viên ưu ái, tạo điều kiện để chị học tập. Mỗi khi con khóc chị lại xin thầy ra ngoài chăm con.
Hoàn thành cấp trung học cơ sở, lên phổ thông, chị phải chuyển trường xa nhưng vì con nhỏ nên chị lại không thể đi học được. Sau 1 năm nghỉ học, chị quyết đi học xa từ Mường Nhé lên Mường Chà. Sau nửa năm học vì nhớ con nên chị nghỉ học..
Dù hoàn cảnh nào xảy ra chị cũng đều khắc phục để được đi học cho bằng được. Năm sau, chị lại đi học lại lớp 10. Sang lớp 11, chị Mỷ mang bầu lần 2, năm lớp 12, chị lại sinh em bé. Một tay ôm con, một tay cầm sách cầm vở học bài cho kỳ thi tốt nghiệp. Biết điểm mạnh, điểm yếu của mình ở đâu nên chị tập trung vào các môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý để cố gắng giành điểm cao.
Đam mê văn hóa nghệ thuật nhưng vướng con nhỏ, chưa ôn luyện kỹ nên chị chưa thực hiện được đam mê. Khóc cả năm.
1 năm sau, chị theo học ngành Y, lại cảnh mẹ cõng con đi học. Dù khó khăn nhưng chị vẫn nuôi hi vọng một ngày sẽ thoát khỏi nghèo khó đi lên. Chị Mỷ tâm sự: "Tuy rằng mình học không giỏi nhưng cuộc sống quá đói nghèo, nhiều thứ áp lực; mình nhận ra chỉ có học tập mới mang lại cho mình tương lai tươi sáng".
Nhờ ý chí kiên định, nắm bắt thực tế, chị nhận thấy nghề may mặc ở địa phương có xu hướng phát triển. Chị lên Hà Nội học nghề may, đến nay chị là chủ mô hình may thêu trang phục thời trang dân tộc Mông.
Tuy rằng hành trình đến trường của chị Mỷ gặp vô vàn những khó khăn nhưng nhờ sự quyết tâm theo đuổi con chữ đến cùng, suy nghĩ tiến bộ để thoát khỏi nghèo đói mà chị Mỷ đã có cuộc sống ổn định.
Nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo học sinh dân tộc thiểu số và miền núi
Là một tỉnh có học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm đến 84,4%, nên trong những năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên đã và đang triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục cho học sinh DTTS trên địa bàn.
Từ năm 2019 - 2022, tỉnh Điện Biên đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trong việc thực hiện chính sách giáo dục và đào tạo đối với học sinh DTTS và miền núi. Trước hết, tỉnh tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ giáo viên và phát huy vai trò của hệ thống các trường Phổ thông Dân tộc nội trú, Phổ thông dân tộc bán trú và trường có học sinh bán trú. Theo đó, đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý thường xuyên được bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
Thực hiện Đề án "Đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh Điện Biên, giai đoạn 2019-2025"; Kế hoạch thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS tỉnh Điện Biên giai đoạn 1 (2020-2025), toàn ngành tiếp tục mở lớp, cử cán bộ quản lý, giáo viên các cấp học tham gia các khoá đào tạo, bồi dưỡng.
Để tăng cường chất lượng giáo dục tiếng Việt cho học sinh DTTS và miền núi, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên cũng tham mưu cho tỉnh ban hành Kế hoạch số 831/KH-UBND ngày 29/3/2021 về việc thực hiện Đề án tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng DTTS tỉnh Điện Biên giai đoạn 2021-2025.
Hằng năm, Sở đều ban hành văn bản triển khai Kế hoạch thực hiện Đề án tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng DTTS tỉnh Điện Biên. Năm học 2022-2023, tỉnh còn tổ chức dạy tiếng DTTS cho học sinh cấp tiểu học. Cụ thể, dạy tiếng Thái tại 17 trường, 56 lớp; dạy tiếng Mông tại 10 trường với 47 lớp.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn