Điện Biên: Người Khơ Mú ở bản Xa Cuông mong có điện

17:15 | 29/11/2023;
Mặc dù cách trung tâm xã chỉ 3km nhưng từ khi được thành lập cho đến nay, đồng bào người dân tộc Khơ Mú ở bản Xa Cuông (xã Pa Thơm, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) vẫn “khát” điện lưới quốc gia.

Xa Cuông: Cuộc sống chìm trong bóng tối

Khi ánh nắng cuối chiều vừa tắt, căn nhà sàn của gia đình ông Lường Văn Chơ (64 tuổi) cũng như 44 hộ gia dân khác ở bản Xa Cuông dần bị bóng tối "nuốt chửng". Thứ ánh sáng leo lắt của những bóng đèn chạy bằng pin năng lượng mặt trời treo bên trong những ngôi nhà sàn càng làm cho không gian trở lên u tịch.

Mùa này, "ngày ngắn, đêm dài" nên hầu như mọi người dân ở Xa Cuông đều phải chạy đua với thời gian để làm cho xong công việc trước khi trời tối xuống. "Điện lưới quốc gia vẫn chưa về đến Xa Cuông", ông Lường Văn Chơ buồn rầu chia sẻ.

Điện Biên: Người Khơ Mú ở bản Xa Cuông mong có điện- Ảnh 1.

Chỉ cách trung tâm xã Pa Thơm 3km nhưng từ nhiều năm nay, người Khơ Mú ở bản Xa Cuông vẫn chưa được hưởng ánh sáng của điện lưới quốc gia.

Xa Cuông là một bản nhỏ thuộc xã biên giới Pa Thơm. Đây là nơi sinh sống, cư ngụ của 100% đồng bào dân tộc Khơ Mú. Từ Xa Cuông, người ta chỉ phải di chuyển thêm khoảng 15km nữa là sang nước bạn Lào. Điều đặc biệt là dù chỉ cách trung tâm xã Pa Thơm 3km nhưng nhiều năm qua, người dân ở Xa Cuông vẫn phải sống trong tăm tối vì không có điện.

Ông Lường Văn Chơ là người có uy tín, được dân bản Xa Cuông bầu làm Bí thư Chi bộ bản. Thấu hiểu được sự cần thiết của điện lưới với người dân nên ở xã, ở huyện có cuộc họp nào, ông cũng đều mang tâm nguyện của người dân ở Xa Cuông trình đến các cấp lãnh đạo. Thế nhưng, nhiều năm qua, điện vẫn chưa về đến bản biên giới này.

"Mùa này, người dân làm gì thì làm nhưng cứ 4 giờ chiều là phải ở nhà để chuẩn bị cơm nước để ăn cho xong trước khi trời tối. Ăn xong rồi lại ngủ vì không biết làm gì khi không có điện", ông Chơ chia sẻ.

Điện Biên: Người Khơ Mú ở bản Xa Cuông mong có điện- Ảnh 2.

Không có điện khiến đời sống của đồng bào Khơ Mú ở Xa Cuông gặp nhiều khó khăn.

Thiếu điện đồng nghĩa với thiếu thông tin, khó phát triển đời sống kinh tế, xã hội; đồng thời cũng là một rào cản lớn trong công tác xóa đói giảm nghèo tại địa phương. Bởi thế mà theo ông Chơ, ở Xa Cuông hiện tại có đến 31/45 hộ nghèo, số còn lại được xếp vào hộ cận nghèo, đời sống nhân dân rất khó khăn.

Không được sử dụng điện lưới quốc gia, muốn có điện sáng phục vụ cuộc sống, nhiều hộ dân ở Xa Cuông đã phải tự bỏ tiền ra để lắp tạm những tấm pin năng lượng mặt trời hoặc tự chế tạo máy phát điện từ nguồn nước suối. Thế nhưng, vì nguồn điện rất yếu và không ổn định, ngoài việc thắp sáng thì người dân không thể sử dụng điện vào việc khác được. Cũng chính vì vậy mà được sử dụng điện sinh hoạt đã trở thành ước mơ từ nhiều năm nay của bà con nhân dân.

"Mùa hè, trời nắng nhiều, điện thắp sáng có thể dùng thoải mái nhưng mỗi khi đến mùa đông hoặc trời mưa kéo dài nhiều ngày là cuộc sống của người dân chìm trong bóng tối, nhà nào cũng tối om om, công việc không làm được dẫn đến cái nghèo vẫn đeo bám mà đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước cũng không đến được với người dân", ông Chơ cho biết.

"Trắng" điện, "trắng" luôn cả sóng điện thoại

Trong những năm qua, đã có rất nhiều nguồn vốn từ trung ương, địa phương cũng như nguồn vốn vay nước ngoài được đầu tư để xây dựng lưới điện cho những thôn bản vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, thực tế cho đến nay, vẫn còn rất nhiều bản cùng sâu, vùng xa, vùng biên giới chưa được cấp điện lưới quốc gia.

Theo thống kê của Sở Công Thương tỉnh Điện Biên, hiện nay toàn tỉnh còn 10.481 hộ dân của 245 thôn, bản (chiếm hơn 7,5% số hộ dân toàn tỉnh) chưa có điện, trong đó có 129 bản "trắng" điện lưới. Thực tiễn cho thấy, nơi nào có điện lưới quốc gia thì cuộc sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao rõ rệt. Khi chưa có ánh sáng về bản làng thì đời sống của người dân vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn.

Ở bản Xa Cuông, do cuộc sống còn khó khăn nên nhiều trẻ phải bỏ học từ nhỏ, Lường Thị Hương (20 tuổi, dân tộc Khơ Mú) là một trong hai người ở bản vẫn kiên trì theo đuổi con đường học vấn. Hương bảo, từ nhỏ đến khi lớn lên, chứng kiến cảnh người dân lam lũ, làm việc quần quật nhưng đói nghèo vẫn theo đuổi nên Hương quyết tâm phải học để thoát nghèo.

Điện Biên: Người Khơ Mú ở bản Xa Cuông mong có điện- Ảnh 3.

Ông Lường Văn Chơ, Bí thư Chi bộ bản Xa Cuông cho biết dù đã nhiều lần đề đạt nhưng mong ước có điện của người dân Xa Cuông vẫn chưa thành hiện thực.

Tuy nhiên, theo Hương, để có thể trở thành sinh viên của Trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên như hiện tại, nữ sinh này phải trải qua vô số những khó khăn. Thậm chí, đã có lần Hương định từ bỏ việc học vì không có điện và sóng điện thoại.

"Em còn nhớ thời gian em học lớp 12, khi đó lại là năm dịch Covid-19 hoành hành, trường lớp đóng cửa và chuyển sang giảng dạy trực tuyến. Ở bản chúng em không có điện, sóng điện thoại cũng không hề có nên những buổi đầu em phải nghỉ học", Hương chia sẻ.

Rất muốn học tập nhưng lại không thể, Hương nói với bố mẹ sẽ nghỉ học. Tuy nhiên, nhờ sự động viên của gia đình nên Hương tiếp tục theo đuổi giấc mơ trở thành một cô giáo dạy trẻ mầm non của mình. Hương sau đó được một người dân tốt bụng ở bản Pa Xa Lào (xã Pa Thơm) cho ở nhờ để học và ôn thi. Thời gian đó, Hương mới biết được ánh sáng của đèn điện.

Điện Biên: Người Khơ Mú ở bản Xa Cuông mong có điện- Ảnh 4.

Ánh sáng leo lắt từ năng lượng mặt trời trong căn nhà của Trưởng bản Xa Cuông Lường Văn Nguyên.

Hiện tại, Hương đang là sinh viên năm 2 theo học ngành Giáo dục Mầm non của Trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên. Quãng đường từ trường về bản Xa Cuông chỉ có gần 25km, đường to đẹp và rất nhớ nhà nhưng gần 1 năm trở lại đây hiếm khi Hương về quê.

"Chúng em giờ phải học và làm bài, soạn giáo án nhiều trên máy tính nên phải có điện và mạng internet, mà ở quê em thì không có những thứ đó. Chính vì thế mà khi nào thật rảnh em mới về quê. Trước khi về, em cũng phải nhắn hết cho bạn bè, người thân để thông báo vì sợ họ gọi không được sẽ lo lắng", Hương chia sẻ.

Anh Lường Văn Nguyên, Trưởng bản Xa Cuông cũng là một trong những người dân "thấm" nhất nỗi vất vả khi cả bản "trắng" điện lưới và "trắng" sóng điện thoại. "Mỗi lần thông báo, tổ chức họp dân rất khó khăn và mất rất nhiều thời gian khi tôi phải triển khai công việc đến từng nhà, gặp từng người dân để truyền tin thay vì kết nối với nhau qua mạng internet. Không có điện để sử dụng loa đài nên cuộc họp nào cũng phải nói 'tay bo' khản cổ", anh Nguyên chia sẻ.

Điện Biên: Người Khơ Mú ở bản Xa Cuông mong có điện- Ảnh 5.

Mùa này, "ngày ngắn, đêm dài" nên hầu như mọi người dân ở Xa Cuông đều phải chạy đua với thời gian để làm cho xong công việc trước khi trời tối xuống.

Trưởng bản Xa Cuông cũng chia sẻ rằng anh cũng như rất nhiều người dân sinh sống tại bản đều không hiểu vì lý do gì mà dù quãng đường từ trung tâm xã về Xa Cuông chỉ dài 3km nhưng bao đời nay, người dân ở đây vẫn không có điện lưới quốc gia. "Rất nhiều ý kiến, đề nghị đã được đưa ra tại các cuộc họp, những lời hứa đã được nói ra nhưng năm này qua năm khác, bản Xa Cuông vẫn không có điện", anh Nguyên cho biết.

Từ lâu, "điện, đường, trường, trạm" là hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương mà Đảng, Nhà nước luôn chú trọng đầu tư, nâng cấp. Với Xa Cuông cũng như nhiều thôn, bản khó khăn trên toàn tỉnh Điện Biên, rất cần sự quan tâm đầu tư không chỉ các công trình điện mà còn là các cơ sở hạ tầng thiết yếu, giúp cho người dân ổn định cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn.

Quyết tâm đưa điện lưới về thôn, bản vùng cao, vùng sâu, vùng xa, tỉnh Điện Biên đặt rõ mục tiêu hoàn thành Kế hoạch năm 2023 đạt 93% và Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 phấn đấu đến hết năm 2025 trên 98% số hộ trong tỉnh được sử dụng điện lưới quốc gia. Tuy nhiên, trao đổi với báo chí, ông Vũ Hồng Sơn, Giám đốc Sở Công Thương thì đây là việc khó khăn, lâu dài.

Ông Sơn cho rằng, trong quá trình triển khai thực hiện dự án không chỉ về nguồn vốn mà còn gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng. Trong đó, một số tuyến đường dây trung áp có các điểm chân cột và hành lang tuyến đi qua khu vực rừng tự nhiên nên phải thực hiện các thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. Thủ tục này phức tạp, kéo dài do phải xin ý kiến chấp thuận của cấp có thẩm quyền và Thủ tướng Chính phủ đã làm ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thực hiện và quyết toán dự án.


Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn