Từ giữa thế kỷ 20, toàn cầu hóa nổi lên như một xu thế lớn có ảnh hưởng mạnh mẽ đến mọi mặt đời sống xã hội. Toàn cầu hóa một mặt thúc đẩy thương mại, phát triển khoa học công nghệ và tăng cường giao lưu giữa các nền văn hóa. Mặt khác, đi cùng với toàn cầu hóa là cạnh tranh khiến nhiều doanh nghiệp nhỏ gặp khó khăn, nguy cơ xói mòn bản sắc dân tộc và văn hóa truyền thống, khủng bố, buôn lậu, tội phạm xuyên quốc gia, dịch bệnh, nhập cư bất hợp pháp…Vấn đề đặt ra là làm thế nào để tận dụng được yếu tố tích cực và hạn chế được những bất lợi nói trên.
Với Việt Nam, tiến trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và đã góp phần quan trọng vào thành tựu hơn 30 năm đổi mới đất nước và ngày càng được mở rộng, từ kinh tế tới hội nhập toàn diện trên nhiều lĩnh vực: kinh tế quốc tế; chính trị - quốc phòng - an ninh; văn hóa - xã hội, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ…
Trong quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam, quan hệ với Mỹ là một bộ phận quan trọng. Hai nước Việt Nam và Mỹ đã vượt qua quá khứ, hỗ trợ cho nhau ở một số khía cạnh trong quá trình phát triển. Năm 2020 đánh dấu 25 năm bình thường hoá quan hệ Việt – Mỹ. Có thể nói, trong suốt quá trình hình thành và phát triển quan hệ Việt-Mỹ, giao lưu nhân dân có một vai trò quan trọng, trong đó không thể không nói đến sự đóng góp quan trọng của phụ nữ hai nước.
Một số phụ nữ Mỹ đã trở nên thân thuộc, gắn bó với Việt Nam từ những năm chiến tranh như nhà văn Lady Borton, nhà hoạt động xã hội Merle Ratner, bà Susan Schnall người đã rải truyền đơn chống chiến tranh trên vùng Vịnh San Francisco năm 1968. Hoặc những người phụ nữ Mỹ đã gắn bó với Việt Nam từ sau chiến tranh như bà Jerilyn Brusseau người sáng lập tổ chức Cây Hòa bình tại Quảng Trị, chuyên gia y tế cộng đồng Nina McCoy, nữ nhiếp ảnh gia người Mỹ Catherine Karnow, bà Virginia Foote - Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Hà Nội. Còn nhiều phụ nữ Mỹ khác đã đồng hành với nhân dân Việt Nam trong các dự án về văn hóa, giáo dục, môi trường, y tế giúp nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Nhân dân Mỹ cũng biết đến Việt Nam một cách chân thực hơn qua nỗ lực của những phụ nữ Việt Nam, điển hình như nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình người thúc đẩy giao lưu nhân dân giữa Mỹ và Việt Nam khi còn chiến tranh. Bà chính là người dẫn đầu phái đoàn phụ nữ hai miền Nam Bắc của Việt Nam gặp gỡ phái đoàn phụ nữ Mỹ ở Jakarta, Indonesia năm 1968 – cuộc gặp ngoại giao nhân dân đầu tiên giữa hai nước. Và còn phải kể đến nữ chính trị gia Tôn Nữ Thị Ninh, giáo sư bác sỹ Nguyễn Thị Ngọc Phượng – nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, Chủ tịch Trường Đại học Fulbright Việt Nam bà Đàm Bích Thủy…
Đối với Hội LHPN Việt Nam, với vai trò là tổ chức đại diện cho phụ nữ Việt Nam, Hội đã luôn chủ động kết nối với các tổ chức, cá nhân phụ nữ và đón tiếp các đoàn phụ nữ Mỹ sang thăm và hoạt động tại Việt Nam, góp phần xây đắp giao lưu nhân dân, tạo nền tảng thực chất cho quan hệ đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Mỹ.
Ngày nay, sau 25 năm, hai nước Việt Nam và Mỹ đã trở thành thành đối tác toàn diện, mở ra nhiều cơ hội giao lưu hợp tác trên các mặt cho nhân dân và phụ nữ hai nước. Là một tổ chức đoàn thể có vai trò quan trọng trong nước cũng như trong quan hệ hợp tác quốc tế, Hội LHPN Việt Nam tổ chức Diễn đàn Việt – Mỹ "Thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong hội nhập quốc tế" với mong muốn thúc đẩy giao lưu nhân dân đóng góp nâng tầm quan hệ Việt – Mỹ, đồng thời hỗ trợ phụ nữ hội nhập quốc tế tích cực hiệu quả.
Tại Diễn đàn, đại biểu hai nước trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp hỗ trợ phụ nữ tăng cường tham gia hội nhập kinh tế quốc tế và giao lưu nhân dân để tiếng nói phụ nữ được lắng nghe đầy đủ, đồng thời phụ nữ có thể vượt qua thách thức, tận dụng cơ hội từ hội nhập quốc tế. Diễn đàn cũng tạo điều kiện cho các cơ quan, tổ chức và cá nhân của Việt Nam và Mỹ kết nối, giao lưu tăng cường hợp tác, góp phần thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện Việt – Mỹ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn