Bão số 4 với gió mạnh gây gãy đổ một số cột điện, cây ngã vào đường dây và thiệt hại do sản lượng điện không cung cấp được khoảng 400.000 kWh, ước thiệt hại ban đầu khoảng 1 tỷ đồng.
Hiện trường cột điện bị gãy tại vị trí 2.2 đường dây hạ áp TBA Hòa Phong 2, thôn Túy Loan, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng. |
Do ảnh hưởng của cơn bão số 4, lưới điện do EVNCPC quản lý vận hành bị gián đoạn cung cấp điện với công suất 6,3% (138/2.200 MW) tập trung ở các khu vực trung du và miền núi. Tình hình cung cấp điện cho các khu vực trung tâm thành phố, thị xã, thị trấn: Đồng Hới, Đông Hà, TP Huế, Đà Nẵng, Tam Kỳ,… đảm bảo tương đối ổn định phục tốt cho công tác PCTT&TKCN tại các tỉnh và văn phòng điều hành EVNCPC tại Đà Nẵng.
Riêng khu vực quận Ngũ Hành Sơn và Sơn Trà - TP Đà Nẵng, lúc 20h21 ngày 12/9/2016 có gió mạnh đã làm đứt dây chống sét của đường dây 110kV Điện Nam – Điện Ngọc. Đến 07h14 ngày 13/9/2016, các đơn vị đã xử lý xong sự cố, EVNCPC cung cấp điện trở lại ổn định cho khách hàng khu vực bị ảnh hưởng.
EVNCPC đã chỉ đạo các đơn vị tập trung nhân lực và nguồn lực để khắc phục sự cố, cung cấp điện trở lại cho nhân dân trong thời gian sớm nhất, đặc biệt là các trạm bơm khu vực Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi,… để chống ngập úng.
Tại Quảng Nam, nhiều tuyến đường miền núi bị sạt lở và chia cắt. Cụ thể tại xã Ch’ơm, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam, ông Hồ Đắc Vinh chủ tịch xã cho biết, mưa lớn kéo dài trên địa bàn xã đã làm nhiều tuyến đường qua xã Ch’ơm bị sạt lở, chia cắt giao thông, người dân phải đi bộ. Ông Hồ Văn Dư, Bí thư Đảng ủy xã Trà Mai, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam cũng cho biết, hai tuyến đường liên thôn trên địa bàn xã cũng rơi và tình cảnh bị sạt lở. Các phương tiện lưu thông qua lại nơi này rất khó khăn.
Điểm sạt lở ở đường qua xã Ch’ơm, huyện Tây Giang, Quảng Nam |
Cơn bão số 4 cũng gây thiệt hại nhiều về người và tài sản đối với các tỉnh miền Trung, trong đó có 1 người mất tích, nhiều tàu thuyền bị nhấn chìm, nhiều ngư dân bị chìm tàu cũng đã được cứu.
Một tàu du lịch bị sóng đánh ngã tại Đà Nẵng |
Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, khoảng 19h30 ngày 11.9, tàu QNg 0279, trên tàu có 3 người thuộc Công ty Mạnh Cường đang nạo vét cửa biển Tư Hiền, trên đường di chuyển từ cảng Chân Mây vào Đà Nẵng đã bị sóng đánh chìm, vị trí bị chìm cách mũi Chân Mây Đông khoảng 500m. Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng đã phối hợp với Công ty TNHHNNMTV cảng Chân Mây điều 1 tàu phối hợp với đồn Biên phòng cửa khẩu Chân Mây cứu được 03 người trên tàu, hiện nay sức khỏe 3 thuyền viên ổn định.
Tỉnh Quảng Ngãi đã có 2 tàu cá bị mắc cạn. Cụ thể, tàu QNg 44627 TS/03 LĐ, do ông Phạm Văn Hùng (SN 1967 làm thuyền trưởng kiêm chủ phương tiện) và tàu QNg 92936 TS/03 LĐ, do ông Nguyễn Ca (SN 1984 làm chủ phương tiện. Lúc 12h30 ngày 12.9, hai tàu cá trên đường hành nghề về bến thì bị sóng đánh, mắc cạn tại Cửa Đại, 06 ngư dân trên tàu được đưa vào bờ an toàn. Hiện Đồn KSBP Cảng Sa Kỳ đang phối hợp cùng chính quyền địa phương tổ chức cứu kéo tàu.
Tại tỉnh Khánh Hòa, lúc 6h ngày 12/9/2016, tàu KH 99997 TS/06 LĐ, do ông Võ Văn Vẻ (SN 1980, trú Tổ 2, Trí Nguyên, Vĩnh Nguyên, Nha Trang) làm chủ bị thủng đáy chưa rõ nguyên nhân và chìm cách Đông Bắc đảo Trường Sa Lớn, QĐ Trường Sa khoảng 25 hải lý. Các thuyền viên đã chèo thuyền thúng sang tàu Trung Huy 588 đang neo đậu ở Đông Bắc đảo Trường Sa Lớn, hiện sức khỏe 6 thuyền viên bình thường.
Sáng 13/9, tin từ Chi cục Phòng chống thiên tai khu vực miền Trung - Tây Nguyên cho biết, đến 8 giờ ngày 13/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,5 độ Vĩ Bắc; 108,0 độ Kinh Đông, trên khu vực Thừa Thiên Huế -Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 9-11.
Do ảnh hưởng của bão, vùng biển ngoài khơi các tỉnh Quảng Trị đến Bình Định có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua (Đà Nẵng-Quảng Ngãi, bao gồm cả Cù Lao Chàm và huyện đảo Lý Sơn) cấp 7-8, giật cấp 9-11; sóng biển cao 3-4 mét, biển động mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Nhiều hạng mục công trình Đại hội thể thao Châu Á bị quật ngã do gió bão Tại TP Đà Nẵng, mưa to và gió lớn do bão số 4 đã khiến các hạng mục công trình của Đại hội Thể thao châu Á (ABG5) bị quật ngã. Trước đó, trong ngày 12/9, Ban tổ chức Đại hội thể thao bãi biển Châu Á lần 5 (ABG5) tại TP Đà Nẵng đã lên các phương án ứng phó với bão số 4, chủ động tháo dỡ nhiều hạng mục của công trình ngoài trời. Tuy nhiên, mưa to cộng gió lớn trong đêm qua và rạng sáng 13/9 vẫn gây thiệt hại đến các hạng mục công trình của Đại hội ABG5. Sáng 13/9, tại Công viên biển Đông - địa điểm tổ chức khai mạc và bế mạc của Đại hội khá tan hoang. Nhiều lều bạt, nhà tạm, nhà vệ sinh công cộng, bàn ghế dùng phục vụ đại hội bị gió bão quật ngã, lăn lóc khắp nơi. Ông Huỳnh Văn Hùng - GĐ Sở VHTT Đà Nẵng cho biết, các hạng mục công trình phục vụ ABG5 có bị ảnh hưởng do bão nhưng không lớn. Ngay sau khi bão tan, đại diện Sở đã cử đội chuyên môn đến khu vực sẽ tổ chức Đại hội ABG5 để ghi nhận, thống kê thiệt hại. Cũng theo ông Hùng, từ nay cho đến ngày ABG 5 khai mạc (24/9) vẫn còn 11 ngày nữa nên chắc chắn sẽ không ảnh hưởng đến lễ khai mạc và công tác tổ chức các môn thi đấu của đại hội. Bên cạnh đó, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng và phát triển đô thị TP Đà Nẵng (đơn vị thi công công trình) cũng đang sửa chữa và khắc phục hậu quả để phục vụ đại hội đúng thời gian quy định. |