Tối 2/4, bác sĩ Quàng Xuân Ngọc, Khoa ngoại Tổng hợp và chấn thương chỉnh hình (BV Đa khoa Điện Biên), cho biết, BV đang cấp cứu cho bệnh nhi Sùng A Tuấn (12 tuổi, xã Hừa Ngài, huyện Mường Chà, Điện Biên) bị chấn thương nặng do điện thoại nổ khi đang sạc.
Trước đó, lúc 1h ngày 2/4, bệnh nhân được đưa đến BV cấp cứu trong tình trạng 2 bàn tay, bụng, ngực trái và mặt trái đều bị bỏng. Đặc biệt, ngực trái của bệnh nhân có một vết rách xuyên thấu cơ hoành xuống bụng.
Gia đình cho biết, tối 1/4, sau khi ăn cơm, Tuấn cầm điện thoại chơi. Điện thoại báo hết pin, Tuấn cắm sạc và chơi tiếp. Bất ngờ, điện thoại phát nổ khiến Tuấn chấn thương nặng.
Nghe tiếng nổ, người nhà chạy vào thấy Tuấn chấn thương khắp người nên chuyển đến bệnh nhi cơ sở y tế địa phương sơ cứu rồi chuyển đến BV Đa khoa Điện Biên.
Theo bác sĩ Ngọc, sau khi tiếp nhận bệnh nhi, các bác sĩ nhanh chóng thực hiện các biện pháp cấp cứu. Qua chẩn đoán, xác định bệnh nhân bị tràn khí trung thất, tràn dịch màng phổi trái; vết thủng xuyên thấu ngực, khoang bụng, cơ hoành. Sau khi hội chẩn, BV chỉ định phẫu thuật dẫn lưu dịch và khí màng phổi; mổ ổ bụng khâu lỗ thủng cơ hoành.
Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ thấy tổn thương bên trong của bệnh nhân nặng hơn, vết thủng kéo từ ngoài qua cơ liên sườn vào màng phổi, qua cơ hoành đến gan và thanh mạc dạ dày.
Sau hơn 2 tiếng phẫu thuật, ca phẫu thuật đã thành công. Hiện tại, bệnh nhi tiếp tục được theo dõi tại BV.
Trước đó, vào ngày 13/1/2019, Vũ Minh G. (17 tuổi, ở huyện Vụ Bản, Nam Định) cũng bị nát bàn tay do vừa sạc vừa sử dụng điện thoại. Gia dình cho biết, trưa 13/1, G. ngồi trên giường vừa dùng điện thoại vừa cắm sạc. Sau đó có tiếng nổ lớn bất ngờ vang lên. Mọi người trong nhà vội vàng chạy vào, thấy toàn bộ bàn tay phải của bệnh nhân bị dập nát, rơi lìa các ngón tay. Do tổn thương quá nghiêm trọng, không còn khả năng nối lại các ngón tay. Bệnh nhân sẽ bị mất các ngón tay vĩnh viễn, mất chức năng bàn tay.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân các vụ nổ điện thoại khi đang sạc là do cục pin quá cũ, các linh kiện sạc không đảm bảo, điểm tiếp xúc chỗ sạc không tốt, môi trường sạc bị ẩm gây hiện tượng đánh lửa, phát nổ. Ngoài ra, việc vừa sạc vừa dùng điện thoại sẽ khiến nhiệt độ cục pin tăng cao do phải vừa nạp vừa xả, làm gia tăng nguy cơ cháy nổ.
Với những trường hợp điện thoại phát nổ khi đang sạc, cần nhanh chóng ngắt nguồn thiết bị, băng bó vết thương rồi nhanh chóng chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế.