1. Trong vở kịch Tôi đẹp… Tôi có quyền vừa ra rạp Nhà hát Tuổi trẻ, nghệ sĩ Anh Thơ vào vai giám đốc nhân sự của ban quản lý một tòa cao ốc. Là người có năng lực, nhưng chị giám đốc nhân sự này cùng với anh bảo vệ và cô lễ tân lại bị tẩy chay, thậm chí mất việc, bởi quá xấu. Tất cả những người xung quanh họ đã trở nên đẹp hoàn hảo nhờ vào cỗ máy thần kỳ, có khả năng biến đổi từ "cú thành công" chỉ sau 30 phút đứng vào. Không chịu nổi sự dè bỉu, chị giám đốc nhân sự cùng 2 nhân viên của mình cũng tìm đến cỗ máy, nhưng oái oăm thay nó bị hỏng, không còn khả năng giúp khách hàng đổi hình biến dạng được nữa. Và họ trở thành 3 “sinh vật xấu xí” lạc giữa rừng người đẹp.
Thế nhưng, khi tất cả mọi người trên thế giới mang khuôn mặt đẹp giống nhau thì mọi thứ lại bị đảo lộn. Những vẻ đẹp từa tựa, khuôn mẫu không tạo ra được những giá trị đích thực về nhân cách và đạo đức. Chính vì thế, 3 con người xấu xí nhưng chân thành kia lại là của hiếm. Họ trở thành tâm điểm chú ý và là đối tượng bị săn đuổi của những con người có vẻ ngoài đẹp đẽ…
Nghệ sĩ Anh Thơ nói, nhân vật chị giám đốc nhân sự có nhiều yếu tố cường điệu, nhưng không phải là hiếm gặp ở ngoài đời. Có một thực tế không thể phủ nhận, không ít trường hợp, dù “tốt gỗ” nhưng hạn chế “nước sơn” nên không có cơ hội để tiến xa hơn…
Mọi sự so sánh đều là khập khiễng. Nhưng có thể nói, với diễn viên Anh Thơ, yếu tố hình thức mà câu chuyện kịch Tôi đẹp… Tôi có quyền đề cập đến phần nào có nét tương đồng với cuộc đời nghệ sĩ của chị…
2. Nghệ sĩ Anh Thơ mê kịch từ khi còn là một đứa trẻ học lớp 2, khi bố chị cho con gái đi học violon nhưng con gái lại thường xuyên ghé lớp dạy diễn xuất để… hóng. Lớn lên một chút, chị “lê la” xem ké các rạp hát gần nhà như rạp Tuổi trẻ, rạp Công nhân… Học trò không có tiền mua vé, chị nghĩ cách làm quen với bảo vệ rạp và xin họ vào xem. Có những vở, như Tôi và chúng ta, chị xem đi xem lại đến hơn 2 chục lần, thuộc từng lời thoại, từng điệu bộ, cử chỉ của diễn viên.
Nhưng bố chị thì không đồng ý để con gái theo sân khấu, chỉ muốn con biết một chút nghệ thuật cho tâm hồn phong phú thôi. Ông hướng con gái theo ngành Y, nối nghiệp mẹ. Nhưng Anh Thơ âm thầm lên kế hoạch riêng…
Ngày nhận giấy báo trúng tuyển Đại học Y, Anh Thơ giấu biệt. Mùa hè năm ấy, Nhà hát Tuổi trẻ tuyển lớp diễn viên khóa 2 và chị đang hồi hộp chờ kết quả. Anh Thơ nói, chị không thể nào quên ngày 4/9/1990, khi Nhà hát Tuổi trẻ công bố danh sách trúng tuyển chính thức sau 4 vòng thi. Chị như bay trên mây, đạp chiếc xe Thống Nhất chạy mấy chục vòng quanh chợ Hôm mà vẫn không tin giấc mơ của mình đã trở thành hiện thực.
Còn bố mẹ chị, cực chẳng đã phải cho con gái theo học diễn viên, bởi nghĩ đằng nào nó cũng thi trượt mấy trường kia rồi. Trong khi thực tế ngoài Đại học Y, Anh Thơ còn đỗ cả ĐH Sân khấu Điện ảnh và Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Mãi 3 năm sau, khi gia đình chị chuyển nhà, bố chị phát hiện ra tờ giấy báo nhập học ở dưới ngăn tủ, mọi chuyện mới vỡ lở. “Nhưng lúc đó thì ông cũng chỉ biết quát cho một trận thôi, chứ còn thay đổi được gì nữa”, Anh Thơ nhớ lại.
Lớp đào tạo diễn viên khóa 2 của Nhà hát Tuổi trẻ kéo dài hơn 3 năm. Trong thời gian ấy, cứ 6 tháng Nhà hát lại có một lần thi để loại những học viên không đáp ứng được. Sau 3 năm, từ hơn 30 học sinh trúng tuyển, lớp chỉ còn hơn chục người. Và Anh Thơ đã trụ vững qua nhiều cuộc sàng lọc ấy, với kết quả học luôn cao nhất lớp.
NSND Lê Hùng, người phụ trách lớp học, đánh giá cao khả năng diễn xuất của Anh Thơ. Ông luôn giao cho cô học trò có vóc dáng nhỏ bé, gương mặt không có gì nổi bật này đảm nhiệm những vai quan trọng trong các vở chính kịch. Suốt 3 năm học, Anh Thơ quen với việc gánh vác những vai nặng ký, đòi hỏi nội tâm và chiều sâu diễn xuất. Đó là một khoảng thời gian vô cùng đẹp đẽ trong cuộc đời chị, khi chị được sống hết mình, được thể hiện khả năng, được thăng hoa với vai diễn - dẫu chỉ là trong các bài tập thực hành trên lớp học.
Song khi tốt nghiệp, trở thành diễn viên thực sự của Nhà hát Tuổi trẻ, Anh Thơ như bị rơi bịch từ trên cao xuống đất. Suốt 2 năm liền, chị không có vai diễn nào đúng nghĩa, đến cả vai quần chúng cũng khó mà chen chân. Từ một học sinh xuất sắc, nay vào cảnh đứng bên lề sân khấu, Anh Thơ rơi vào khủng hoảng. Phải mất một thời gian sau, chị mới bình tĩnh lại để tìm câu trả lời cho mình…
Anh Thơ nhận thấy mình đã không gặp được “thiên thời”. Đầu những năm 1990, lớp diễn viên anh chị của Anh Thơ ở Nhà hát Tuổi trẻ đang vào độ rực rỡ nhất của tài năng và nhan sắc. Những cái tên sáng giá như Lê Khanh, Lan Hương, Chí Trung… mới hơn 30 tuổi, đều quá giỏi và quá đẹp. Những diễn viên trẻ mới vào nghề như Anh Thơ khó có cơ hội để nhận được vai lớn trong các vở chính kịch.
Nhưng không chỉ là chuyện khả năng diễn xuất. Anh Thơ nhận ra, một diễn viên để thành danh thì chỉ năng lực chuyên môn chưa đủ, cần có hình thức nữa. Chị biết mình không có được nhan sắc như nhiều diễn viên khác, gương mặt bình thường, chiều cao hạn chế… “Thậm chí lúc ấy tôi còn thầm trách thầy: Sao thầy không cho em trượt từ vòng ngoài mà lại chọn em đi tiếp nghề này, để giờ rơi vào cảnh dở khó dở cười”, Anh Thơ nhớ lại.
Trong thời gian khủng hoảng ấy, Anh Thơ đã nghĩ đến việc tìm một con đường khác. Chị học tiếng Anh, học vi tính, tính chuyện chuyển nghề. Nhưng chỉ được một thời gian, ánh đèn sân khấu lại níu giữ chị, khiến chị không xa nổi. Chị lại kiên nhẫn với sàn tập. Ý thức được rằng những vai chính khó mà đến lượt mình, chị xoay sang dạng vai khác, đó là các vai tính cách. Để rồi sau đó, tại sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ, nghệ sĩ Anh Thơ ghi dấu ấn với khán giả bằng những vai diễn cá tính, hài hước và rất có duyên.
3. Trở lại với vai chị giám đốc nhân sự trong vở kịch Tôi đẹp… Tôi có quyền - một trong không nhiều tác phẩm mà Anh Thơ được đảm nhận vai chính, Anh Thơ nói, nhân vật này nhiều màu sắc hơn chính con người chị ngoài đời. Với chị, đơn giản là một cô diễn viên chăm chỉ học hành nhưng sau đó không phát huy được những gì thầy dạy, còn nhân vật của chị thì mạnh mẽ hơn nhiều. Khi bị người thân, người yêu, đồng nghiệp của mình coi thường, không công nhận mình vì hình thức, chị ta đã quyết tâm thay đổi. Chị ta lên kế hoạch, bứt phá mọi quan niệm thông thường để thay đổi thế giới. Để rồi, cả thế giới phải công nhận con người khiếm khuyết về dung mạo nhưng đẹp đẽ trong tâm hồn như chị ta mới là vẻ đẹp thực sự.
Anh Thơ cũng nói vui, nếu bây giờ được trẻ lại khoảng 30 tuổi như hồi chị mới bước vào nghề, chị cũng sẽ phẫu thuật thẩm mỹ. Nhưng thời điểm chị mới chập chững bén nghiệp diễn không có nhiều điều kiện để nghệ sĩ bứt phá khỏi bản thân, thay đổi những khiếm khuyết để có cơ hội thăng hoa hơn trong nghề nghiệp.
Còn một điều nữa, nghệ sĩ Anh Thơ chia sẻ, nếu có cơ hội làm lại, chị cũng sẽ tham gia đóng phim truyền hình nhiều hơn. Là người của sân khấu kịch, suốt những năm tháng tuổi trẻ chị chỉ chăm chăm làm tốt việc của mình ở Nhà hát mà từ chối rất nhiều vai diễn ở truyền hình. Ngoài vai cô giúp việc tên Văn trong series phim Bà nội không ăn pizza 7 năm trước, chị gần như không xuất hiện ở màn ảnh nhỏ.
Chị chia sẻ, một phần do bận bịu con nhỏ, nhưng phần nữa là chị sợ ảnh hưởng tới việc diễn kịch. Chị không nghĩ tới một thực tế là: Truyền hình có độ phủ rộng hơn sân khấu kịch và khán giả cũng sẽ đến rạp nhiều hơn khi vở kịch có sự tham gia của diễn viên họ đã quen mặt, quen tên. “Giờ thì tôi rút kinh nghiệm rồi, ai gọi là đi luôn”, nữ diễn viên sinh năm 1973 nói.