Tối 12/12, trang QQ (Trung Quốc) đưa tin công ty đại diện của Châu Hải My xác nhận nữ diễn viên qua đời ở tuổi 57 vào ngày 11/12. Sự ra đi của nàng Chu Chỉ Nhược đã để lại sự thương tiếc vô cùng đối với giới nghệ sĩ và đông đảo khán giả.
Ngày 13/12, hồ sơ y tế của Châu Hải My được tiết lộ trên trang On. Theo đó, khi được trợ lý phát hiện, nữ diễn viên đã ở trong tình trạng bất tỉnh, tiểu không tự chủ. Lúc được đưa đến bệnh viện, cơ thể Châu Hải My đã cứng lạnh, đồng tử giãn và không còn phản xạ với ánh sáng, tim ngừng đập được một giờ, không còn hơi thở, trên người có nhiều vết bầm tím.
Theo hồ sơ bệnh án, bệnh tình của Châu Hải My chuyển nặng từ 2 tuần trước khi mất. Nữ diễn viên có bệnh sử bị cao huyết áp và Lupus ban đỏ làm suy yếu hệ miễn dịch. Vì vậy, cô được kết luận qua đời vì bạo bệnh.
Mặc dù vậy, những vết bầm tím trên người Châu Hải My cũng khiến không ít khán giả lo lắng. Thực tế, trước đó, qua truyền thông, nữ diễn viên cũng cho biết bản thân bị bệnh tiểu cầu thấp. Về tình trạng sức khỏe của Châu Hải My, người trong ngành giải trí đều biết cô có sức khỏe rất kém, chỉ một va chạm nhẹ cũng khiến cơ thể bị bầm tím.
Thông thường, những vết bầm tím dưới da xuất hiện do bị té ngã hoặc có tổn thương vật lý ở mức độ nhẹ, chẳng hạn như va chạm khi tập thể dục. Những va chạm sẽ tác động làm vỡ các mạch máu dưới da và gây bầm tím.
Tuy nhiên có không ít người thường xuất hiện nhiều vết bầm tím trên da mà không rõ nguyên nhân, nhất là ở những vùng da mỏng như đùi, bắp tay. Họ không va đập, không vận động mạnh, cũng không dùng thuốc, thậm chí sau khi ngủ dậy thì thấy sự xuất hiện của các vết tím.
Những vết bầm tím dưới da "bí ẩn" này cũng có thể là biểu hiện các căn bệnh trầm trọng, trong đó có bệnh tiểu cầu thấp.
Nếu tiểu cầu giảm dưới mức 20.000 tế bào/micro lít máu thì có thể dẫn tới hiện tượng bầm tím, xuất huyết, khó cầm máu khi bị thương.
Một số triệu chứng khác cảnh báo bệnh tiểu cầu thấp bao gồm: Mệt mỏi, đau khớp, nhức đầu dai dẳng, mờ mắt hoặc thay đổi ý thức.
Nhiều bệnh nhân Lupus (thuộc nhóm bệnh tự miễn) gặp tình trạng tiểu cầu thấp do bệnh tấn công vào tiểu cầu. Nếu lượng tiểu cầu xuống thấp trên da sẽ xuất hiện chấm đỏ bởi mạch máu bị rò rỉ. Tình trạng giảm tiểu cầu nhẹ gặp ở 20-50% số bệnh nhân Lupus. Tuy nhiên trường hợp này không cần can thiệp gì. Giảm tiểu cầu nặng (10.000 - 20.000/micro lít máu) gặp ở khoảng 10% bệnh nhân Lupus. Nếu giảm rất nặng thì nguy cơ xuất huyết là rất lớn, bệnh nhân nên vào viện để có biện pháp điều trị kịp thời.
Bầm tím dưới da có thể là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh nguy hiểm như sau.
- Bệnh Raynaud
Bệnh Raynaud, còn được gọi là hiện tượng Raynaud, là một tình trạng phổ biến có thể khiến cho các mạch máu ở bàn tay hoặc bàn chân để tạm thời co thắt lại. Điều này ngăn chặn dòng chảy của máu, có thể làm cho các khu vực bị ảnh hưởng chuyển sang màu xanh, tím, đỏ hoặc trắng. Người bị bệnh Raynaud thường dễ bị kích hoạt trong trường hợp lo lắng, căng thẳng hoặc là gặp nhiệt độ lạnh.
- Ung thư
Bệnh bạch cầu là một dạng ung thư máu và tủy xương, ảnh hưởng đến lưu lượng máu và tủy xương trong cơ thể. Ung thư loại này khiến cơ thể dễ bị chảy máu nướu răng và bầm tím dưới da.
- Tiểu đường
Các vết bầm tím cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh tiểu đường do bệnh tiểu đường tác động tiêu cực đến tuần hoàn máu. Ngoài các vết bầm tím, người bệnh cũng sẽ gặp một số triệu chứng khác như khát nước, mệt mỏi, thị lực giảm…
Ngoài ra, tình trạng thiếu chất dinh dưỡng, thiếu vitamin (như vitamin B12, vitamin K, C, P) cũng có thể làm xuất hiện các vết bẩm tím trên da. Các vitamin B12 tham gia vào quá trình sản xuất hồng cầu, vitamin K có tác dụng đông máu và vitamin C thúc đẩy hoạt động sản xuất tế bào. Bên cạnh đó, vitamin P tham gia vào quá trình sản xuất collagen, giúp mao mạch đủ dày để chịu được áp lực của dòng máu. Nếu thiếu các vitamin trên, mạch máu sẽ bị yếu và dễ vỡ, gây ra các vết bầm tím.
Dù nguyên nhân gây ra các vết bầm tím trên da là gì thì bạn cũng không nên chủ quan, tốt nhất nên đi khám sớm để được điều trị kịp thời.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn