Bệnh phần lớn xuất hiện ở nam giới. Người lớn tuổi, người mắc đái tháo đường, tăng cholesterol máu, tăng huyết áp, tăng homocystein máu hoặc người bị béo phì. Người hút thuốc lá nhiều cũng có nguy cơ cao mắc bệnh lý này.
TS.BS Trần Thanh Vỹ, Trưởng khoa Lồng ngực - Mạch máu, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, cho biết, hơn 75% trường hợp bị tắc hẹp động mạch chi không có triệu chứng ở giai đoạn bệnh khởi phát.
Nếu có, thường là những cơn đau nhẹ ở bắp chân và sẽ biến mất sau khi nghỉ ngơi. Vì vậy, những cơn đau này thường bị nhầm lẫn là do viêm khớp, bệnh lý cơ hay biểu hiện của tuổi già và dễ bị bỏ qua.
Ở giai đoạn nặng, cơn đau sẽ tiếp diễn ngay cả khi nghỉ ngơi, khả năng vận động của người bệnh bị giới hạn. Về lâu dài, các vết lở loét, hoại tử ở chân bắt đầu xuất hiện và lan rộng, da đầu chi đen, các cơn đau cũng nặng nề hơn.
Do vậy, nếu không được phát hiện và điều trị sớm, bệnh sẽ có tiên lượng rất xấu. Cụ thể, có khoảng 25% người bệnh tắc hẹp động mạch chi sẽ tử vong và 30% - 40% trường hợp phải cắt cụt chi.
Phần lớn các trường hợp tử vong ở người bệnh tắc hẹp động mạch chi là do các biến cố về tim mạch như nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não. Nếu người bệnh không được điều trị tốt, tỷ lệ tử vong trong 5 năm tiếp theo là rất cao.
Theo bác sĩ Vỹ, sự phát triển của khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực y tế đã mang đến cho người bệnh nhiều phương pháp chẩn đoán bệnh tắc hẹp động mạch chi. Trong đó, chẩn đoán thông qua chỉ số cánh tay - cổ chân với độ nhạy 79% - 95% và độ đặc hiệu 96% - 100% được đánh giá là phương pháp được nhiều người thực hiện.
Tuy nhiên, người bệnh cần lưu ý rằng, không có phương pháp chẩn đoán chung cho tất cả mọi người. Tuỳ thuộc vào từng đối tượng người bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp chẩn đoán phù hợp.
Bệnh tắc hẹp động mạch chi là bệnh mạn tính cần điều trị lâu dài, đa chuyên khoa. Ở mức độ nhẹ, người bệnh thường được chỉ định sử dụng thuốc kháng đông kết hợp thay đổi lối sống, vận động phù hợp. Đối với giai đoạn bệnh nặng và có nhiều yếu tố nguy cơ, người bệnh cần được tái thông mạch máu (đặt stent, phẫu thuật bắc cầu động mạch...).
Để đạt hiệu quả điều trị, người bệnh cần thăm khám đều đặn, sử dụng thuốc đúng liều lượng, kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ và duy trì thói quen vận động, sinh hoạt phù hợp.
Bệnh có thể diễn tiến cấp tính, vì vậy cần lưu ý những biến chứng thiếu máu cấp: đau, tê chân đột ngột…, nhanh chóng đến bệnh viện để được cấp cứu kịp thời.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn