Điều gì khiến 25% trẻ dưới 1 tuổi ở TP.HCM chưa tiêm chủng?

21:55 | 05/06/2019;
Trong 3 tháng triển khai, số liều vaccine ComBE Five đã tiêm cho trẻ tại TP.HCM chỉ mới bao phủ khoảng 5% số trẻ cần được tiêm chủng.
Thông tin từ Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho biết, sau 3 tháng triển khai tiêm vaccine ComBE Five trong Tiêm chủng mở rộng tại thành phố, đã có hơn 23.300 liều vaccine được tiêm chủng cho các trẻ em dưới 1 tuổi.
 
Trong đó, đã ghi nhân hơn 1.300 trường hợp có phản ứng thông thường sau tiêm chủng, chủ yếu là sốt, sưng đau tại chỗ tiêm, chiếm tỷ lệ 5,7% trên tổng số mũi tiêm; tương đương với tỷ lệ phản ứng thông thường sau tiêm chủng. Đặc biệt, không có ca tai biến nặng sau tiêm chủng.
 
Tuy nhiên, số liều vaccine ComBE Five đã tiêm cho trẻ nêu trên chỉ mới bao phủ khoảng 5% số trẻ cần tiêm chủng, còn lại có khoảng 70% số trẻ được tiêm chủng vắc xin dịch vụ. Thống kê cho thấy, vẫn còn khoảng 16.300 trẻ em sinh từ tháng 6/2018 đến tháng 3/2019 (chiếm tỷ lệ 25%) chưa được tiêm chủng phòng các mũi cơ bản phòng 6 bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan B, HiB, bại liệt.
 
Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng cho biết, tỉ lệ 25% trẻ chưa được tiêm chủng phòng các mũi cơ bản là bình thường, không có lúc nào tỉ lệ tiêm chủng tròn 100% được.
 
 
chung-ngua.jpg
Phụ huynh cần quan tâm hơn nữa tiêm chủng đầy đủ cho con em mình.

 

 
Theo bác sĩ Dũng, có thể tại thời điểm tiêm thì trẻ mắc bệnh, cha mẹ bận công việc nên không đưa trẻ đi tiêm được, hoặc có lý do khác. Số trẻ chưa tiêm chủng này sẽ được đưa đi tiêm bù sau đó. Hiện tỉ lệ tiêm vaccine ComBE Five tại TP.HCM đang rất thấp.
 
Lý giải nguyên nhân tỉ lệ trẻ tiêm vaccine ComBE Five còn thấp, bác sĩ Lê Hồng Nga, Trưởng Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn - Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM cho rằng, rào cản lớn nhất là do tâm lý của người dân, nhiều phụ huynh từ chối tiêm vaccine ComBE Five cho trẻ do lo sợ phản ứng sau tiêm. Bên cạnh đó, nhiều nhân viên y tế cũng lo lắng về các phản ứng này nên khá dè dặt khi tư vấn cho phụ huynh.
 
Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố khuyến cáo các các bậc cha mẹ có con dưới 1 tuổi cần đưa con đi tiêm chủng theo đúng lịch tiêm chủng bắt buộc do Bộ Y tế quy định. Đối với trẻ em trên 1 tuổi, cha mẹ cần xem lại sổ tiêm chủng để biết có thể đưa trẻ đi tiêm chủng phòng bệnh đầy đủ. Cha mẹ có thể lựa chọn sử dụng vaccine dịch vụ hoặc vaccine tiêm chủng mở rộng  để hoàn thành lịch tiêm chủng này. 
 
Trước đó, tại Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM cũng đã yêu cầu các quận, huyện giám sát chặt chẽ công tác quản lý đối tượng tiêm chủng của các trạm y tế phường, xã. Đồng thời tổ chức tập huấn kỹ năng tư vấn cho nhân viên y tế phụ trách công tác tiêm chủng tại trạm y tế. Ngoài ra, các trạm y tế cũng cần tăng tần suất buổi tiêm chủng thêm từ 1 đến 2 buổi/tháng hoặc thực hiện tiêm chủng vào ngày thứ 7 để phụ huynh đưa trẻ đi tiêm chủng thuận lợi hơn.
 
Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng cho biết, phụ huynh cần quan tâm hơn nữa tiêm chủng đầy đủ cho con em mình trong những tháng đầu đời vì đó là những mũi tiêm cơ bản nhằm chống lại những bệnh mà có khả năng lây truyền, tử vong cao.  “Phụ huynh hãy yên tâm phối hợp tốt với y tế để được tư vấn tiêm, phối hợp với ngành y tế theo dõi phản ứng sau tiêm ít nhất 48 giờ sau tiêm dù là tiêm chủng mở rộng hay dịch vụ để xử lý kịp thời và đúng cách” bác sĩ Dũng nói. 
 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn