Điều gì khiến con tôi thi trượt tốt nghiệp THPT?

11:56 | 21/09/2021;
Sau cú sốc "điểm thấp" trong đợt thi tốt nghiệp THPT vừa rồi, con trai tôi có nhiều biểu hiện rất lạ. Tôi không biết nên nói chuyện với cháu theo cách nào, để cháu biết được rằng bố mẹ đang rất lo lắng.
Thanh Tâm thân mến!

Sau cú sốc "điểm thấp" trong đợt thi tốt nghiệp THPT vừa rồi, con trai tôi có nhiều biểu hiện rất lạ. Tôi không biết nên nói chuyện với cháu theo cách nào, để cháu biết được rằng bố mẹ đang rất lo lắng. Thấy mặt mũi con lúc nào cũng buồn, hốc hác, cảm giác như muốn né tránh mọi người, ăn uống xong là vào phòng đóng cửa cả ngày. Thời gian này lại đúng lúc dịch bệnh căng thẳng, tôi không khuyến khích cháu ra ngoài chơi hay về quê với ông bà được. Tôi không trách thằng bé, giá như nó hiểu điều đó.

Con trai tôi là một đứa trẻ khá ngoan, thường xuyên giúp đỡ bố mẹ nấu cơm, rửa bát và trông em. Không ganh với em nhiều như anh tôi ghen tị với tôi ngày xưa. Như vậy đã đủ hiểu, nó là một đứa sống tình cảm và khá tâm lý. Mấy năm học cấp 3, trên lớp con cũng không bị giáo viên nhắc nhở nhiều, thường xuyên được khen là chăm chỉ, cố gắng. Bởi vậy khi nhận được kết quả thi trượt, không chỉ bố mẹ mà ngay cả giáo viên cũng rất ngạc nhiên.

Nói vợ chồng tôi không kì vọng vào con là sai, vì thú thật, từ nhỏ con đã là 1 đứa trẻ nhanh nhẹn, tình cảm và khá giỏi tính toán. Hồi cấp 1, con thường xuyên đạt giải cao trong các cuộc thi cấp quận, cấp thành phố khiến bố mẹ rất tự hào. Đi đến đâu, chồng tôi cũng khoe về con và tin rằng con sẽ đạt được nhiều thành tích khác ở các cấp học trên. Nhưng có lẽ, chính niềm tin và kì vọng ấy đã khiến con bị nhiều áp lực.

Đợt thi chuyển cấp 3, con tự tin đăng ký và thi vào trường chuyên nhưng thiếu 0,5 điểm, con rất thất vọng. Vậy mà lúc ấy, chồng tôi còn phạt nó 1 tháng không được đi chơi hay ra khỏi nhà. Mỗi lần thấy mặt con đều tức tối nói mấy câu khó nghe. Tôi không đồng ý với cách làm của ông xã. Biết rằng bố rất buồn và mong muốn con được vào trường chuyên, lớp chọn, nhưng người buồn nhất khi đi thi, chắc chắn không phải là anh ấy. Sau đó, chúng tôi đăng ký cho cháu học trường cấp 3 đúng tuyến.

Bước vào học cấp 3, học lực của con luôn giữ ở mức độ khá của lớp, không còn nổi trội như hồi cấp 1, 2 nữa. Chồng tôi có vẻ buồn, vì luôn tin rằng con học giỏi hơn người, đáng lẽ phải luôn đứng top đầu của lớp. Anh ấy nhiều lần ép con đăng ký vào lớp luyện thi để học, trong khi càng lớn con lại càng thích vẽ. Dù giải thích và nói chuyện với chồng nhiều lần, nhưng anh vẫn giữ quan điểm: "Vẽ vời có kiếm được ra tiền không? Không lo học hành thì sau lại thành thằng lấc cấc!". Những lời này không biết con có nghe thấy, vì chúng tôi chỉ nói trong phòng, nhưng chồng tôi nói to, nếu con biết được, chắc hẳn con sẽ rất buồn.

Nhưng dù là như thế nào, điểm thi lần này thật sự rất tệ. Tôi không hiểu tại sao một học sinh khá lại không hoàn thành được bài thi đủ điểm để tốt nghiệp. Tôi muốn nói chuyện với cháu để tìm hiểu vấn đề nhưng chỉ nhận được sự im lặng. Bây giờ chỉ còn con đường học ôn và năm sau thi lại. Chậm 1 năm không nói lên được điều gì, bởi cuộc đời này còn rất dài với con. Tuy nhiên, tôi không thể khuyến khích con nếu con chỉ muốn ở 1 mình và tiếp tục im lặng. Chồng tôi cũng đã rất hối hận, anh muốn được mở lòng và nói chuyện với con nhiều hơn. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, tôi lo lắng cháu sẽ mắc bệnh tâm lý, thậm chí có những hành động dại dột.

                                                                                                                Thùy Chi (Hà Nội)

Chị Thuỳ Chi thân mến!

Trong trường hợp của cháu, Thanh Tâm nghĩ bố mẹ nên can thiệp sớm. Bố mẹ có thể viết 1 bức thư nói về nỗi lòng của mình và lặng lẽ để vào trong phòng con, cạnh giường, dưới gối... hay bất kì chỗ nào chắc chắn con dễ nhận thấy. Bố mẹ đừng vội ép con nói hay làm điều gì, chỉ nhẹ nhàng tiếp cận, tâm sự để hiểu được điều mà con bạn đang cảm thấy. Bây giờ điều gì khiến con trượt không phải là điều cần tìm hiểu nữa rồi.

Con ngủ có ngon không? Có thường mơ ác mộng? Có cảm thấy sợ hãi điều gì? Bố mẹ cảm thấy những điều gì có thể đã làm tốt hơn cho con? Sau đó chia sẻ với con về tương lai, chậm 1 năm học không nói lên được điều gì và không ảnh hưởng đến thành công nếu con luôn muốn cố gắng và vươn lên. Nếu con yêu thích hội họa, con có thể học hội họa và thi vào các trường Mỹ Thuật. Nếu con muốn học nghề gì, bố mẹ sẽ ủng hộ và luôn bên cạnh con.

Thanh Tâm hi vọng cháu sẽ cảm nhận được sự yêu thương vô điều kiện của bố mẹ, tinh thần của con sẽ tốt dần lên và nhận ra mình nên làm gì.


Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn