Ghi nhận vào sáng hôm nay (28/11), giá vàng trong nước tiếp tục tăng mạnh so với hôm qua, đặc biệt là mức tăng của vàng SJC đạt tới 0,6-1 triệu đồng/lượng.
Cụ thể, Bảo tín Minh Châu niêm yết giá ở mức 72,65 – 73,35 triệu đồng/lượng. Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) giữ mức giá là 72,5 – 73,5 triệu đồng/lượng, tăng khoảng 1 triệu đồng so với phiên hôm qua. DOJI niêm yết khoảng 72,4 – 73,5 triệu đồng/lượng ở cả hai thị trường Hà Nội và TPHCM.
Mức giá trung bình toàn thị trường vàng duy trì tại 72,5 – 73,5 triệu đồng/lượng. Con số này gần tiệm cận với mức đỉnh lịch sử vào hồi tháng 3/2022, hơn 74 triệu đồng/lượng.
Diễn biến giá vàng SJC trong 1 tháng
Bên cạnh đó, giá vàng nhẫn 9999 cũng duy trì mức cao kỷ lực, niêm yết từ khoảng 60,65 – 61,75 triệu đồng/lượng.
Trong vòng 1 tuần, giá vàng nhẫn trong nước tăng gần 2 triệu đồng/lượng, tính trong 2 tháng qua, đà tăng mạnh này giúp người giữ vàng có thể lãi tới 4 triệu đồng/lượng, Thậm chí, tính từ đầu năm đến nay, vàng nhẫn tăng giá khoảng 8 triệu đồng/lượng, quy đổi phần trăm lãi tới 13%, cao hơn so với gửi tiết kiệm ngân hàng.
Không chỉ vậy, giá vàng thế giới cũng bật mạnh lên hơn 2.014 USD/ounce (tại Kitco).
Trước hiện tượng này, nhiều yếu tố đang có tác động mạnh vào biến động của giá vàng.
Ở khía cạnh trong nước, dựa trên giá vàng thế giới niêm yết tại Kitco sau khi quy đổi, cán mốc gần 59,3 triệu đồng/lượng (theo tỷ giá Vietcombank, chưa thuế, phí), chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới vẫn khá cao, khoảng trên 13 triệu đồng/lượng.
Diễn biến giá vàng thế giới
Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần nhận kiến nghị từ Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam và một số công ty vàng lớn để cho nhập khẩu vàng nguyên liệu khoảng 1,5 tấn, để đủ tăng nguồn cung cho vàng trong nước, từ đó, thu hẹp mức chênh lệch, song, kiến nghị chưa được chấp nhận. Đây là một trong những yếu tố tác động tới khoảng cách lớn giữa giá vàng trong nước và thế giới, dẫn tới giá vàng SJC liên tục tăng khi nguồn cung không cân bằng với nhu cầu.
Trong bối cảnh khó khăn, nhà sản xuất vàng không có nguồn nguyên liệu nhập khẩu để gia công vàng SJC, khiến nguồn cung vàng SJC khá ít trên thị trường, do vậy, chỉ cần có sự tác động nhẹ từ nhu cầu cũng sẽ đẩy giá vàng tăng cao.
Đặc biệt, theo ý kiến ghi nhận của đa phần các cơ sở kinh doanh vàng, thời điểm cuối năm, mùa cưới, sức mua và nhu cầu của khách hàng với mặt hàng vàng có phần tăng đáng kể.
Ở khía cạnh thế giới, giá vàng tăng mạnh trong vài tuần qua giữa bối cảnh xung đột chính trị vẫn diễn ra căng thẳng. Khi tình hình chính trị căng thẳng sẽ ảnh hưởng tới kinh tế thế giới, giá dầu, ngân hàng, quỹ đầu tư,... Vàng trở thành mặt hàng kim loại quỹ trú ẩn an toàn khi chính trị bấp bênh.
Nhà Phân tích Rhona O'Connell của StoneX (một trong những công ty hàng đầu thế giới về đo lường và khảo sát), căng thẳng địa chính trị, đặc biệt tại Trung Đông, kèm theo khả năng xảy ra khủng hoảng ngân hàng hơn nữa ở Mỹ và các nơi khác, đây là các yếu tố tạo động lực giúp thúc đẩy và duy trì giá trị của mặt hàng kim loại quý này ở mức trên 2.000 USD/ounce từ giờ đến hết năm nay.
Ngoài ra, nhu cầu mua vào của ngân hàng trung ương các nước đang có xu hướng tăng, tính đến hết quý 3/2023, ngân hàng trung ương các nước đã mua vào khoảng 800 tấn và có thể vượt qua 1.000 tấn trong năm nay. Riêng Trung Quốc đã mua đều đặn hàng tháng, ước tính khoảng 170 tấn vàng trong 3 quý đầu năm.
Nhìn chung, với nguồn cung vàng ổn định hoặc không tăng, trong khi nhu cầu tăng thúc đẩy giá vàng lên vùng kỷ lục. Nhiều chuyên gia dự báo giá vàng còn sẽ tiếp tục đà tăng trong 1-2 tháng tới, giá vàng thế giới sẽ hướng đến vùng 2.050 USD/ounce hoặc phá vùng đỉnh lịch sử ở 2.080 USD/ounce.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn