Hạ viện Mỹ, một trong hai cơ quan giữ quyền lập pháp, đã thông qua một dự luật vào ngày 13/3 trong đó yêu cầu ByteDance, công ty mẹ đến từ Trung Quốc của TikTok, phải bán tài sản tại Mỹ. Theo đó, ứng dụng video ngắn TikTok phải thực hiện trong khoảng sáu tháng kể từ khi Luật có hiệu lực, nếu không sẽ bị cấm hoạt động.
Dự luật được thông qua tại Hạ viện với 352 phiếu thuận và 65 phiếu chống, nhận được sự ủng hộ từ thành viên của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hoà. Tuy nhiên con đường để được cơ quan giữ quyền lập pháp còn lại là Thượng viện, thông qua sẽ khó khăn hơn.
Tổng thống Joe Biden cho biết ông sẽ ký thành luật nếu dự luật được lưỡng viện thông qua. Tuyên bố trên khiến một số người ngạc nhiên vì chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Joe Biden đã sử dụng TikTok để tiếp cận các cử tri trẻ tuổi.
Về phần mình, TikTok cho rằng hành động của Hạ viện là vi hiến và khẳng định họ không chịu sự kiểm soát của chính phủ Trung Quốc.
Đây là biện pháp mới nhất trong một loạt các động thái của Washington để đáp lại các mối quan ngại về an ninh quốc gia đối với Trung Quốc, từ việc điều tra các xe nhập khẩu và cần cẩu tại các cảng của Mỹ có nguồn gốc từ Trung Quốc đến việc hạn chế xuất khẩu chip trí tuệ nhân tạo tiên tiến.
Steve Scalise, thành viên quyền lực thứ 2 của đảng Cộng hoà tại Hạ viện, viết trên mạng xã hội X (trước đây là Twitter) về TikTok: "Đây là một vấn đề an ninh quốc gia quan trọng. Thượng viện phải đảm nhận và thông qua nó".
Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cũng cho biết rằng chính quyền Biden muốn "Thượng viện hành động nhanh chóng".
Giám đốc điều hành TikTok, Shou Zi Chew, cho biết trong một video được đăng sau cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện, rằng dự luật này nếu được áp dụng "sẽ dẫn đến lệnh cấm TikTok ở Mỹ... và sẽ lấy đi hàng tỷ đô la từ túi của những nhà sáng tạo nội dung và các doanh nghiệp nhỏ".
Ông nói thêm rằng công ty sẽ sử dụng các quyền hợp pháp của mình để ngăn chặn lệnh cấm. Dự luật cho phép công ty có 165 ngày sau khi Tổng thống Joe Biden ký ban hành, khiếu nại về mặt pháp lý.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã chỉ trích luật này và cho rằng: "Mặc dù Mỹ chưa bao giờ tìm thấy bất kỳ bằng chứng nào cho thấy TikTok gây ra mối đe dọa cho an ninh quốc gia nhưng họ chưa bao giờ ngừng gây khó dễ cho TikTok".
Nhiều nhà lập pháp và Nhà Trắng tin rằng việc bán TikTok cho một "bên mua đủ điều kiện" – nhiều khả năng là một công ty phương Tây, sẽ cắt giảm ảnh hưởng của Trung Quốc.
Tuy nhiên, một số thành viên nổi bật của đảng Dân chủ tại Hạ viện đã bỏ phiếu chống lại dự luật, bao gồm Phó Lãnh đạo phe thiểu số Kathleen Clark, Hạ nghị sĩ Alexandria Ocasio-Cortez cũng như các thành viên của đảng Dân chủ thuộc các ủy ban Tư pháp, Tài chính, Giao thông và Tình báo.
Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa theo chủ nghĩa tự do Rand Paul phản đối dự luật này vì lý do quyền tự do ngôn luận, tương tự như Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Mike Lee, người lên án dự luật là sự can thiệp quá mức của chính quyền.
Tại Thượng viện, dự luật sẽ phải đối mặt với một vòng tranh luận nữa từ các nhà lập pháp ở cả hai đảng và có thể sẽ xuất hiện những dự luật cấm với những phiên bản khác.
Ngoài thách thức pháp lý từ phía TikTok, Liên minh Dân sự Tự do Mỹ (ACLU) và các nhóm vận động khác đang tranh luận rằng dự luật này là vi hiến về quyền tự do ngôn luận và các quyền khác. Vào tháng 11, một thẩm phán đã chặn lệnh cấm sử dụng TikTok của tiểu bang Montana sau khi công ty này đệ đơn lên toà.
Dự luật hiện nay được thông qua tại Hạ viện không trực tiếp cấm hoàn toàn TikTok mà thay vào đó cho công ty mẹ ByteDance trong vòng 6 tháng để thoái vốn sở hữu. Tuy nhiên, một số nhà quan sát cho rằng bản chất đây vẫn là một lệnh cấm vì chính phủ Trung Quốc sẽ không chấp thuận việc bán TikTok cho một công ty phương Tây hoặc thân thiện với Mỹ. Hiện Trung Quốc tuyên bố rằng họ sẽ "thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết" để bảo vệ lợi ích của các công ty Trung Quốc hoạt động ở nước ngoài.
Một câu hỏi khác là giả sử TikTok được bán thì sẽ bán cho ai? Microsoft đã tổ chức các cuộc đàm phán với TikTok để mua lại công ty vào năm 2020 nhưng thất bại. Sau đó, tập đoàn công nghệ Oracle và tập đoàn bán lẻ Walmart đạt được thỏa thuận mua lại hoạt động của TikTok tại Mỹ nhưng thỏa thuận này đã bị gác lại sau khi chính quyền của Tổng thống Biden quyết định xem xét lại giao dịch.
Chính phủ Trung Quốc đã tuyên bố rõ ràng rằng họ không muốn ByteDance thoái vốn TikTok và hầu hết những người thân cận với ByteDance đều khẳng định rằng công ty sẽ không bán ngay cả khi bị lưỡng viện Hoa Kỳ ban hành thành luật để ép buộc.
Tuần trước, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, hiện là ứng viên của Đảng Cộng hòa tranh cử Tổng thống, đã lên tiếng phản đối dự luật, một động thái bất ngờ khi ông đã từng ký sắc lệnh hành pháp cấm TikTok, trừ khi nó được một công ty Mỹ mua lại khi còn đương nhiệm. Steven Mnuchin, một nhà đầu tư từng là Bộ trưởng Ngân khố của Trump, cho rằng, ông Trump đang tập hợp một nhóm để mua TikTok.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn