Điều ít biết về 5 món ăn truyền thống trong tiệc Noel

13:34 | 24/12/2016;
Gà tây quay, bánh khúc cây hay bánh quy gừng… là những món ăn có lịch sử lâu đời và được ưa chuộng trong dịp lễ Giáng sinh ở nhiều nước trên thế giới.

Gà tây

ga-tay.jpg
 Bữa tiệc Giáng sinh sẽ không còn ý nghĩa nếu thiếu món gà tây quay hoặc nướng.

Gà tây được nhà thám hiểm Sebastian Cabot đem về Anh vào thế kỷ thứ XVI và trở thành món ăn phổ biến của người dân Anh mỗi dịp Giáng sinh. Gà tây thường được nhồi bằng các loại gia vị và rau củ như cà rốt, cần tây, hành tây, hạt dẻ… sau đó cho vào lò nướng chín. Món ăn nổi tiếng đến nỗi năm 1843, nhà văn Anh Charles Dickens đã đưa món này vào tác phẩm kinh điển ‘A Christmas Carol’ của mình.

Món ăn này lan truyền sang Úc từ năm 1788. Dần dần, nó trở thành một món không thể thiếu mỗi khi Giáng sinh đến.

Bánh khúc cây

bnh-khc-cy.jpg
 Bánh khúc cây có nguồn gốc từ nước Pháp với tên gọi Buche de Noel.

Đây là loại bánh chỉ dành riêng cho dịp Giáng sinh. Bánh có tên gọi Buche de Noel, có nghĩa là ‘khúc cây của Giáng sinh’.

Loại bánh này bắt nguồn từ tục lệ, trong đêm trước Giáng sinh, người ta thường chặt một khúc gỗ lớn và đốt lên trong suốt 12 đêm của những ngày Đông chí để đón chào sự trở lại của thần Mặt trời. Người ta tin rằng, họ sẽ gặp điềm gở nếu thân cây cháy trước lúc kết thúc lễ hội.

Vì thế ngày nay, mỗi khi đến Giáng sinh, người ta thường ăn ổ bánh kem chocolate nâu hình khúc gỗ như để tưởng nhớ nghi lễ này. Người ta còn rắc thêm chocolate trắng lên để tượng trưng cho tuyết. 

Thịt lợn muối

thit-lon-muoi.jpg
 Món thịt lợn muối rất được ưa chuộng trong tiết trời mùa Giáng sinh.

Món ăn này bắt nguồn từ Na Uy với nguyên liệu chính là thịt lợn rừng và trở thành món ăn Giáng sinh không thể thiếu.

Đây là món ăn truyền thống có nguồn gốc từ thời Roman cổ đại. Miếng thịt dai bùi, đậm đà với phần da cháy béo ngậy tạo nên sức hấp dẫn trong tiết trời Giáng sinh lạnh giá. Trong mùa Noel, người ta thường vừa ăn thịt lợn muối, vừa thưởng thức các bài ca dành riêng cho Giáng sinh.

Bánh quy gừng

bnh-quy-gng-hnh-ngi.jpg
 Đây là một loại bánh đặc trưng cho mùa Giáng sinh được trẻ em vô cùng yêu thích.

Từ lâu, người Châu Âu đã làm những chiếc bánh gừng nho nhỏ với biểu tượng mặt trời để mừng ngày Đông chí. Chiếc bánh lúc đầu chỉ đuợc làm bằng gừng, đường, vụn bánh mỳ, quả hạnh và trái cây... Đến thế kỉ XVI, người Anh thay vụn bánh mỳ bằng bột, thêm trứng, thêm vị ngọt... và trở thành chiếc bánh gừng được mọi người yêu thích cho đến tận bây giờ.

Những người thợ làm bánh trước đây thường làm nên những chiếc bánh hình dạng khác nhau. Chiếc bánh gừng hình người đầu tiên do Nữ hoàng Elizabeth I khởi xướng để tặng cho các khách mời của mình.

Ngày nay, Đức là quốc gia chuộng bánh gừng nhất thế giới. Chính các nghệ nhân người Đức đã phát triển thêm nhiều cách trang trí bánh gừng, trong đó đặc biệt là xây nhà bánh gừng. Ý tưởng này được lấy cảm hứng từ câu chuyện của anh em nhà Grimm về Hansel và Gretel. Câu chuyện ra đời vào năm 1812 nói về người chị Gretel và người em trai Hansel bằng trí tuệ của mình đã thoát khỏi vòng tay độc ác của mụ phù thủy sống trong rừng sâu với ngôi nhà được xây bởi bánh ngọt để dụ dỗ trẻ nhỏ. Từ đó cho đến nay, trên khắp thế giới, đã có rất nhiều cuộc thi làm nhà bánh gừng to và đẹp nhất được tổ chức.

Bánh pudding

1.jpg
 Bánh pudding xuất hiện từ rất sớm trong bữa tiệc Giáng sinh.

Bữa tiệc Giáng sinh sẽ không còn thú vị nếu thiếu chiếc bánh pudding. Loại bánh này có rất nhiều hương vị hấp dẫn khác nhau. Chiếc bánh pudding ngày nay đã có sự biến đổi nhiều so với trước.

Vào khoảng thế kỷ XV, pudding được làm từ mận, rượu vang, thịt bê thái nhỏ, vụn bánh mỳ, thảo dược, hành rau, trái cây khô và gia vị.

Đến thế kỷ XVI, các loại rau và thịt dần được thay thế. Sang thế kỷ thứ XIX thì thành phần và mùi vị của nó rất gần với bánh pudding ngày nay. Bánh có thể được làm từ tinh bột (gạo), trứng, sữa, bột ca cao... Người ta cũng thường cho vào bánh vài hạt đậu hoặc đồng xu và tin rằng người ăn phải phần bánh này sẽ gặp may mắn cả năm.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn