Điều nhỏ nhặt như những cái gai

23:30 | 03/08/2015;
Tôi từng nghĩ sẽ vượt qua những chuyện tủn mủn, vụn vặt đời thường, không để nó trở thành vật cản đường tới hạnh phúc của gia đình mình. Thế mà khi phải đối mặt với nó từng ngày, những điều nhỏ nhặt ấy lại như những cái gai trong mắt.

Cảm xúc của tôi bỗng tụt về con số 0 tròn trĩnh, dù từ lúc nhận được món quà của anh. Ảnh minh họa

Vừa dắt xe máy ra khỏi cổng cơ quan, tôi nhận được tin nhắn của anh “Tối nay con ở bên bà ngoại, em nấu cơm vừa đủ hai vợ chồng mình ăn thôi”. Tôi thoát khỏi giao diện tin nhắn, hậm hực vô cùng. Ngày nào tôi cũng nhận được ít nhất 1-2 tin từ chồng nhưng không phải vì… nhớ. Dòng tin nào anh cũng dặn dò tỉ mẩn việc này việc nọ. Như hôm nay đấy, cu Bin thì ăn hết mấy hạt gạo, thêm con chỉ thêm đũa thêm bát, nhiều nhặn gì mà anh phải nhắc tôi?

Anh đi làm về đến nhà, việc đầu tiên không phải là lau mặt mà phải… lau nhà. Vừa lau, anh vừa lẩm bẩm: “Nhà bẩn thế này thì ăn cơm sao ngon nổi”. Hàng xóm ngó sang, thấy anh hì hụi lau nhà, liền đảo mắt nhìn tôi với hình dấu hỏi. Cái áo tôi vắt không kiệt nước là anh làu bàu một thôi một hồi, rồi rút xuống vắt lại. Cái chăn gấp không vuông vắn, anh lập tức kêu chướng mắt. Bát đũa để quá 2 tiếng là anh xắn tay vào rửa.

Anh là... cái thẻ ATM của gia đình tôi. Lương tôi anh giữ, mọi chi tiêu trong gia đình anh quyết. Mỗi lần muốn mua cái áo, cái váy, tôi hỏi anh lấy tiền. Bao giờ anh cũng nhắc khéo: Nào là hàng chợ vừa rẻ vừa đẹp; ăn mặc không cần cầu kì quá, sạch sẽ là được; nào là giá hàng hóa mỗi ngày một leo thang, chớ vung tay quá trán… Tôi nghe mà thấy oải quá!

Mỗi lần đi chợ cùng anh, tôi ái ngại khi anh mặc cả từng bó rau, con cá, miếng thịt. Có góp ý, anh lại cằn nhằn: “Một đồng cũng phải tiết kiệm, đến khi khốn khó mới biết trân quý một đồng thì đã muộn rồi. Đi chợ là phải mặc cả, chứ không đó là giá trên trời”. Tôi hết đường tranh cãi vì anh nói quá đúng rồi còn gì.

Hôm nay là sinh nhật mình, tôi chủ động về nhà sớm để sửa soạn một bữa ăn. Tôi nghĩ anh đã quên, nên bữa cơm này như để nhắc khéo. Nhưng bước vào phòng, tôi xúc động vì một lọ nước hoa của Pháp, đúng hãng tôi thích, đã được đặt ngay ngắn trên bàn phấn với lời chúc ngọt ngào anh nắn nót viết. Tôi rơm rớm nước mắt. Anh vừa về, tôi tủm tỉm cười, ngượng ngùng nói lời cảm ơn anh. Chưa kịp ôm tôi vào lòng, anh đã giải thích: “Anh không gói quà, thắt nơ gì cả vì thấy nó rườm rà quá. Kiểu gì mà chả bóc quà, mất công vứt giấy, vứt nơ, thành ra lại thêm rác trong nhà!”. Cảm xúc của tôi bỗng tụt về con số 0 tròn trĩnh, dù từ lúc nhận được món quà của anh tới giờ, tôi chưa mảy may nghĩ đến việc lọ nước hoa kia không được gói ghém cẩn thận, những dòng chữ yêu thương anh viết trên một tờ giấy A4 cắt làm tư.

***

Trong mắt người thân, bạn bè tôi, anh là người chồng mẫu mực. Anh cũng không tiếc những việc cần làm. Với mẹ con tôi, anh thực sự cẩn thận, chu đáo. Tuy vậy, đối mặt với những điều nhỏ nhặt đấy hàng ngày, tôi chưa biết làm thế nào để sự giản dị, chân thành không bị hiểu thành tủn mụn, vụn vặt!

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn