Vấn đề điều trị bệnh quai bị bao lâu thì khỏi và mỗi thể bệnh khác nhau thì thời gian và phương pháp điều trị có gì khác nhau là thắc mắc của nhiều người.
Dù tỷ lệ mắc bệnh quai bị trên thực tế đã giảm đi đáng kể nhờ hiệu quả của các chương trình tiêm chủng vắc xin quai bị, tuy nhiên bệnh vẫn còn khá phổ biến.
Bệnh quai bị lây trực tiếp từ người sang người thông qua các dịch tiết từ đường hô hấp của bệnh nhân. Khi virus quai bị xâm nhập vào cơ thể thì sẽ trải qua một giai đoạn ủ bệnh không triệu chứng kéo dài khoảng 14 - 25 ngày. Sau đó các triệu chứng của bệnh (sưng tuyến mang tai, đau khớp hàm, nôn ói,...) sẽ xuất hiện và thường kéo dài 1 tuần trước khi bệnh bắt đầu thuyên giảm. Nếu trong các trường hợp quai bị điển hình thì các triệu chứng này có thể hết hẳn sau khi chúng bắt đầu triệu chứng khoảng 1 tuần.
Tuy nhiên, trong quá trình bệnh quai bị diễn ra có thể xuất hiện nhiều biến chứng khác nhau như viêm tinh hoàn, viêm não - màng não, viêm tụy,... Những biến chứng nguy hiểm này có thể khiến tiên lượng bệnh nặng hơn, thời gian mắc bệnh kéo dài hơn và điều trị khó khăn hơn.
Chính vì thế khó có thể khẳng định chính xác thời gian khỏi hẳn của một bệnh nhân mắc bệnh quai bị. Tuy nhiên đối với một trường hợp bệnh nhân mắc bệnh quai bị điển hình thì thông thường bệnh sẽ khỏi sau khi có các biểu hiện triệu chứng của bệnh trong vòng từ 1 đến 2 tuần. Nhưng thời gian này có thể kéo dài hơn nếu có các biến chứng của bệnh xảy ra.
Do bệnh quai bị gây nên bởi virus, vì thế cho đến nay vẫn chưa có bất kỳ phương pháp điều trị đặc hiệu nào cho bệnh. Tất cả các điều trị cho bệnh nhân quai bị đều chỉ nhằm giảm nhẹ triệu chứng và biến chứng cho bệnh nhân, đồng thời nâng cao thể trạng giúp bệnh nhân hồi phục nhanh hơn.
Trên thực tế, để quá trình điều trị phù hợp hơn cho các đối tượng bệnh nhân quai bị, người ta thường điều trị theo thể bệnh mà bệnh nhân mắc phải.
- Thể viêm mang tai: Là thể nhẹ nhất và điển hình nhất cho bệnh quai bị, bệnh nhân được điều trị giảm nhẹ triệu chứng bằng các loại thuốc giảm đau, hạ sốt (paracetamol, ibuprofen, aspirin) hoặc bằng chườm nóng, chườm lạnh,... Bên cạnh đó, bệnh nhân cần sử dụng các loại thức ăn mềm, tránh thức ăn chua, cay và nên hạn chế vận động mạnh cho đến khi khỏi bệnh.
- Thể viêm tinh hoàn: Bệnh nhân mắc bệnh quai bị thể viêm tinh hoàn ngoài vấn đề sử dụng các phương pháp giảm đau hạ sốt thông thường bằng thuốc (paracetamol, ibuprofen, aspirin) hoặc không dùng thuốc (chườm nóng, chườm lạnh),... Thì cần được dùng corticoid để kiểm soát tình trạng viêm. Sau khi bệnh đã thuyên giảm thì có thể sử dụng vitamin E để kích thích sản xuất tinh trùng.
- Thể viêm não - màng não: Sử dụng các loại dịch truyền ưu trương để chống phù não, tăng áp lực nội sọ cho người bệnh. Đồng thời dùng corticoid để giảm viêm cho bệnh nhân. Bên cạnh đó, cần duy trì các điều trị hỗ trợ khác như giảm đau, hạ sốt, bù nước và điện giải,...
- Thể viêm tụy: Nếu bệnh nhân mắc bệnh quai bị thể viêm tụy, cần loại trừ được các nguyên nhân ngoại khoa trước khi xác định chẩn đoán. Sau đó chủ yếu điều trị bằng bảo tồn bệnh nhân với giảm đau, bù nước và điện giải,...
Qua đây có thể thấy rằng, tùy thuộc vào nhiều yếu tố mà thời gian điều trị bệnh quai bị có thể không giống nhau giữa các bệnh nhân. Điều quan trọng là bệnh nhân bị bệnh quai bị luôn phải thực hiện tốt các y lệnh của bác sĩ để quá trình điều trị bệnh quai bị diễn ra hiệu quả và giảm thiểu tối đa các nguy cơ do bệnh gây nên.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn