Điều trị dứt điểm cơn ho cho trẻ khi trời trở lạnh

15:45 | 19/12/2024;
Nhiệt độ giảm xuống gia tăng tình trạng trẻ bị ho, sổ mũi, đau họng có liên quan tới các nhiễm trùng đường hô hấp như cúm, cảm lạnh hoặc do dị ứng, kích ứng. Trời lạnh trẻ bị ho cần làm gì để giúp trẻ dễ chịu hơn?

Trời lạnh trẻ bị ho nhiều về đêm và sáng sớm, kèm theo đó là ho có đờm hoặc cũng có thể chỉ là ho khan nhưng cơn ho kéo dài không dứt do họng, phế quản, thanh quản bị kích thích khiến trẻ mệt mỏi, khó chịu, thậm chí là tổn thương phổi, phế quản hay vùng hầu họng.

1. Vì sao trời lạnh trẻ bị ho nhiều hơn?

Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị ho nhiều khi trời lạnh. Cụ thể:

- Niêm mạc đường thở bị mất nước do không khí khô lạnh: Ho do lạnh phổ biến ở cả người lớn và trẻ nhỏ. Chủ yếu là do vào mùa lạnh, không khí ít độ ẩm dễ khiến đường thở bị khô hơn từ đó dẫn tới mất nước ở niêm mạc đường hô hấp của trẻ. Lúc này, khi hít thở khiến không khí lạnh đi vào đường thở, tiếp xúc với phổi, phế quản sẽ tạo ra phản xạ ho như một cách tự động phản ứng của cơ thể với nhiệt độ môi trường bên ngoài thay đổi đột ngột.

Điều trị dứt điểm cơn ho cho trẻ khi trời trở lạnh - Ảnh 1.

Vì sao trời lạnh trẻ bị ho nhiều hơn? Ảnh: ST

Đặc điểm của cơn ho này là trẻ bị ho nhưng không sốt, ho khan, ho đờm nếu có thường là đờm trong mỏng như bọt trắng. Tiếp xúc với không khí khô lạnh càng lâu thì cơn ho càng tăng lên.

- Hệ miễn dịch yếu, dễ bị virus hay vi khuẩn xâm nhập gây bệnh: Vào mùa lạnh khi hệ miễn dịch non nớt chưa hoàn thiện của trẻ dễ bị xâm nhập bởi các tác nhân như virus, vi khuẩn hơn từ đó gây ra các bệnh lý đường hô hấp như cảm, cúm. Bệnh có biểu hiện với nhiều triệu chứng tại đường hô hấp, bao gồm cả ho, sổ mũi, nghẹt mũi, đau viêm họng, mệt mỏi kèm sốt, ớn lạnh. Hơn nữa, khi ngủ trẻ bị chảy dịch mũi sau, dễ kích thích các cơn ho đêm và sáng sớm hơn.

Trẻ bị ho do cảm lạnh hay cúm có thể kéo dài nhiều ngày tới nhiều tuần ngay cả khi các triệu chứng khác đã biến mất.

- Dị ứng với các tác nhân trong không khí: Thêm vào đó, trẻ cũng có thể bị ho thể dị ứng do tiếp xúc với các dị nguyên phấn hoa, mạt bụi, nấm mốc, sợi vải len,... Cơn ho do dị ứng có thể kéo dài không dứt nếu tác nhân gây dị ứng chưa được kiểm soát.

Nói cách khác, việc kiểm soát cơn ho bằng thuốc chống dị ứng là chưa đủ. Bởi vì nếu cơ chế điều hòa chống dị ứng của hệ miễn dịch không được phối hợp, chức năng miễn dịch của người bệnh sẽ vẫn ở trạng thái rất nhạy cảm, đồng nghĩa với việc tình trạng dị ứng vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Điều trị dứt điểm cơn ho cho trẻ khi trời trở lạnh - Ảnh 2.

Vào mùa lạnh, hệ miễn dịch non nớt chưa hoàn thiện của trẻ dễ bị bị các tác nhân gây bệnh như virus, vi khuẩn thâm nhập hơn (Ảnh: ST)

Ngoài 3 nguyên nhân kể trên thì với trẻ có sẵn các bệnh lý như hen suyễn, trào ngược dạ dày - thực quản, tiền sử viêm nhiễm đường hô hấp cũng có nguy cơ cao gặp phải tình trạng trời lạnh trẻ bị ho tăng lên.

2. Cách giảm ho do lạnh ở trẻ

Điều đầu tiên cần nhấn mạnh rằng, để giảm ho ở trẻ, quan trọng nhất là tìm ra nguyên nhân gây ho ở trẻ là gì, kiểm soát tốt nguyên nhân thì cơn ho ở trẻ sẽ giảm và dứt điểm. Ngược lại, nếu các tác nhân gây ho không được giải quyết triệt để, trẻ bị ho dai dẳng kéo dài có thể gây tổn thương cả đường hô hấp trên và dưới, ảnh hưởng tới cả thể chất và tinh thần của trẻ.

Một số loại thuốc ho hay siro ho cần được sử dụng dưới chỉ dẫn của bác sĩ, tránh trường hợp trẻ uống thuốc ho không đúng cách khiến đờm tích tụ không tiêu hay đẩy ra ngoài được, ảnh hưởng tới sự phục hồi, kéo dài thời gian bị ho cũng như các tác dụng phụ nghiêm trọng khác với sức khỏe. Thảo dược trị ho như lá húng chanh, chanh đào, mật ong, gừng,... cũng nên thận trọng khi dùng thảo dược giảm ho cho trẻ, chú ý quan sát các triệu chứng khi cho trẻ dùng để phát hiện dị ứng nếu có và can thiệp sớm.

Vào mùa đông, trời lạnh trẻ bị ho thì cha mẹ cần chú ý tới các vấn đề dưới đây:

- Giữ ấm cho trẻ đúng cách: Để tránh cho việc trẻ hít phải không khí lạnh khiến niêm mạc đường thở bị khô gây ho thì cha mẹ cần giúp trẻ giữ ấm đường thở bằng cách đeo khẩu trang, quàng khăn, sử dụng các loại mũ có kính chắn phù hợp. Lúc này không khí hít vào sẽ được làm ấm trước khi đi vào phổi, từ đó giảm kích ứng niêm mạc họng, phổi.

Điều trị dứt điểm cơn ho cho trẻ khi trời trở lạnh - Ảnh 3.

Giúp trẻ giữ ấm đường thở bằng cách đeo khẩu trang, quàng khăn, sử dụng các loại mũ có kính chắn phù hợp (Ảnh: ST)

Ngoài giữ ấm mũi miệng thì vào mùa lạnh, cần chú ý giữ ấm các vị trí khác như ngực bụng, tay chân. Mặc nhiều lớp quần áo cho trẻ để dễ dàng điều chỉnh khi nhiệt độ cơ thể trẻ tăng cao, ra nhiều mồ hôi,... do chạy nhảy, vận động nhiều.

- Mùa lạnh có nên xịt mũi thường xuyên cho trẻ? Xịt nhỏ mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý cũng là một cách để duy trì đường thở luôn đủ ẩm, giảm nguy cơ kích ứng.Nhưng xịt/nhỏ mũi khác với rửa mũi. Cha mẹ không nên rửa mũi trẻ liên tục, dễ khiến niêm mạc mũi bị tổn thương hơn. Chỉ dùng nước muối sinh lý cho bé để rửa mũi khi có viêm nhiễm đường hô hấp, trẻ bị sổ mũi, ngạt mũi hay mũi trẻ nhiều chất nhầy. Khi đường mũi thông thoáng, chất nhầy giảm thì cơn ho do chảy dịch mũi của trẻ xuống họng cũng được giảm nhẹ.

- Súc miệng bằng nước muối giúp giảm ho, giảm ngứa họng, bù ẩm cho niêm mạc họng cũng như giúp dịu cơn đau họng đối với trẻ lớn.

- Chú ý vệ sinh sạch sẽ nhà cửa, phòng ngủ: Nếu trẻ bị ho do dị ứng thì kiểm soát các tác nhân có thể gây dị ứng kích thích cơn ho, chảy nước mắt, hắt hơi ở trẻ là rất quan trọng. Với gia đình sử dụng các thiết bị sưởi, bù ẩm không khí bằng các thiết bị sưởi sẽ giúp làm ẩm không khí trước khi trẻ hít vào, điều này cũng giúp giảm ho ở trẻ.

Điều trị dứt điểm cơn ho cho trẻ khi trời trở lạnh - Ảnh 4.

Trẻ bị ho nên ăn gì? Ảnh: ST

- Ăn uống hợp lý: Chú ý cho trẻ uống nhiều nước ấm để giữ ấm và ẩm cổ họng. Chế độ ăn cho trẻ nên đầy đủ dinh dưỡng, bổ sung các thực phẩm giàu vitamin C, thực phẩm giàu kẽm, nhiều trái cây và rau củ quả tươi, các món súp,... giúp tăng cường miễn dịch và hàng rào phòng vệ của cơ thể. Hạn chế cho trẻ ăn thức ăn cay nóng hay tránh thói quen nằm ngay sau khi ăn.

- Tinh dầu: Theo Đông Y, trẻ bị ho do lạnh là do cơ thể nhiễm hàn, có thể bôi dầu nóng như tinh dầu tràm gió, dầu khuynh diệp vào lòng bàn chân để làm ấm và giảm ho.

Nhìn chung, trời lạnh trẻ bị ho là tình trạng khá phổ biến. Cha mẹ cần sát sao theo dõi các bất thường khi trẻ ho như thở hổn hển, cảm giác như bị nghẹt thở, đau tức ngực, ngất xỉu, đờm đặc màu vàng xanh, thở rút lõm lồng ngực, ho dữ dội gây nôn mửa không ngừng, dưới 3 tháng tuổi và đã ho trong hơn một vài giờ, ho ra máu, bỏ ăn, bỏ bú, cáu kỉnh, môi hoặc móng tay chuyển màu xanh tím, mệt mỏi và lờ đờ quá mức thì cần nhanh chóng cho trẻ tới cơ sở y tế để được thăm khám sớm. Để phòng ho do lạnh ở trẻ, ngoài giữ ấm, vệ sinh cá nhân và vệ sinh nhà cửa đúng cách thì cha mẹ cần chú ý tiêm phòng đầy đủ cho trẻ, điều này giúp nguy cơ mắc bệnh giảm cũng như giảm tỷ lệ rủi ro bệnh tiến triển nghiêm trọng hơn.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn