Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, tỉ lệ tái nghiện lên đến trên 90%. Trong bối cảnh đó, học tập kinh nghiệm của quốc tế và nhất là trong bối cảnh lây truyền HIV chủ yếu qua đường tiêm chích ma túy, Việt Nam bắt đầu triển khai thí điểm điều trị Methadone tại Tp.Hải Phòng và Tp.HCM từ tháng 4/2008.
Sau hơn 10 năm triển khai, chương trình đã đạt được những kết quả sau:
- Hoàn thiện được hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật, tạo hành lang pháp lý và kỹ thuật cho công tác điều trị nghiện các CDTP bằng thuốc Methadone, với 02 Nghị định của Chính phủ, 01 Chỉ thị và 02 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 09 Thông tư và Thông tư liên tịch, 13 hướng dẫn chuyên môn, tài liệu đào tạo và tổ chức đào tạo/đào tạo liên tục, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học và công nghệ đã được ban hành.
- Mở rộng nhanh chóng diện bao phủ của chương trình: Đến nay, 63 tỉnh trên toàn quốc đã triển khai điều trị cho hơn 52.000 bệnh nhân, với hình thức cơ sở điều trị toàn diện và cấp phát thuốc tuyến xã. Triển khai tại các cơ sở do ngành Y tế, ngành Lao động – Thương binh và Xã hội và trại giam của Bộ Công an.
- Là chương trình mang lại hiệu quả về y tế, kinh tế, xã hội: Điều trị Methadone tại nước ta thời gian qua có hiệu quả, tác động tương đồng với kết quả triển khai của thế giới và củng cố thêm đánh giá Methadone là “tiêu chuẩn vàng” trong điều trị nghiện các CDTP. Cụ thể:
- Giảm hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV và tỷ lệ nhiễm HIV: Bệnh nhân giảm hành vi tiêm chích ma túy từ đó dẫn đến giảm lây nhiễm HIV. Ngoại trừ 05 tỉnh/Tp ghi nhận 01 trường hợp nhiễm HIV mới, các tỉnh/Tp báo cáo không phát hiện trường hợp nhiễm HIV mới trong tổng số bệnh nhân điều trị. Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm người NCMT (nghiện chích ma túy) giảm từ khoảng 30% năm 2001-2002 xuống còn 9,5% năm 2016 và tổng số trường hợp nhiễm mới HIV hằng năm giảm từ khoảng 30.000 ca từ những năm 2006-2007 xuống còn khoảng 10.000 ca năm 2015.
- Giảm sử dụng ma túy bất hợp pháp: Kết quả từ các nghiên cứu do Bộ Y tế và các tỉnh/Tp thực hiện thời gian qua đều ghi nhận hiệu quả của điều trị Methadone trong việc làm giảm đáng kể hành vi sử dụng ma túy trong nhóm bệnh nhân tham gia điều trị.
Kết quả cho thấy, trước khi tham gia điều trị 100% bệnh nhân sử dụng Heroin, sau 24 tháng tỷ lệ này chỉ còn 15,8%; trước điều trị hầu hết bệnh nhân có tần suất sử dụng rất cao với 93,6% bệnh nhân sử dụng trên 3-5 lần/ngày, sau 24 tháng điều trị không có bệnh nhân nào sử dụng từ 2 lần/ngày trở lên và tần suất sử dụng ma túy trong nhóm bệnh nhân còn tiếp tục sử dụng chỉ còn từ 2-3 lần/tháng.
- Giảm hành vi vi phạm pháp luật: Tỷ lệ bệnh nhân có hành vi vi phạm pháp luật giảm mạnh, từ 40,8% xuống còn 1,34% sau 02 năm tham gia điều trị Methadone.
- Hiệu quả về kinh tế: Chương trình mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt cho cá nhân, gia đình bệnh nhân và xã hội, khi giúp làm giảm đáng kể chi phí cho bệnh nhân và gia đình (do không phải mất tiền mua ma túy, không phải mất tiền đi cai nghiện ma túy, không tốn tiền điều trị các bệnh tật liên quan đến sử dụng ma túy). Chương trình cũng góp phần làm giảm chi phí cho xã hội nói chung, giúp khắc phục những hậu quả khác của ma túy đối với xã hội, giảm vi phạm pháp luật (VPPL) sẽ giúp giảm chi phí về pháp luật liên quan đến ma túy, tiết kiệm các chi phí khác về y tế, cộng đồng...).
Theo ước tính, nếu không tham gia điều trị Methadone, trung bình một người nghiện tiêu tốn 230.000 đồng/ngày mua heroin (84 triệu đồng/năm). Như thế, với hơn 52.000 bệnh nhân đang điều trị Methadone, chương trình đã tiết kiệm được cho xã hội 4.372 tỷ đồng/năm (nếu tính từ thời điểm thí điểm năm 2008 cho đến nay, chương trình đã tiết kiệm cho xã hội khoảng 22.870 tỷ đồng (hơn 1 tỷ đô la Mỹ).
Bên cạnh các tác động về giảm sử dụng ma túy bất hợp pháp, giảm vi phạm pháp luật, giảm gánh nặng về kinh tế cho bản thân và gia đình người nghiện và các tác động về xã hội, chương trình đã góp phần quan trọng vào thành công của chương trình Phòng chống HIV/AIDS trong thời gian vừa qua, nhất là giúp làm giảm mạnh lây truyền HIV qua đường máu nhất và các trường hợp nhiễm HIV mới, khi đã đưa tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm người NCMT giảm từ khoảng 30% năm 2001-2002 xuống còn 9,5% năm 2016 và tổng số trường hợp nhiễm mới HIV hàng năm giảm từ khoảng 30.000 ca từ những năm 2006-2007 xuống còn khoảng 10.000 ca năm 2015.