Bệnh viêm kết mạc là bệnh lý nhãn khoa rất phổ biến và có thể xảy ra ở tất cả mọi đối tượng. Bệnh có thể gây nên bởi nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó viêm kết mạc do vi khuẩn là một trong các nguyên nhân gây bệnh phổ biến nhất. Những loại vi khuẩn hay gây viêm kết mạc bao gồm tụ cầu, liên cầu, Moraxella lacunata,... Hoặc hiếm hơn nó cũng có thể bị gây nên bởi lậu cầu có trong đường sinh dục của mẹ khi sinh em bé qua ngả âm đạo.
Khi mắc bệnh, viêm kết mạc do vi khuẩn thường biểu hiện bằng các triệu chứng khá đặc trưng bao gồm cương tụ mắt (cương tụ ngoại vi) và xuất tiết các tiết tố viêm (lúc đầu có thể là dạng dịch trong nhưng sau đó nhanh chóng chuyển thành tiết tố mủ bẩn, hay có màu xanh hoặc vàng). Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể biểu hiện bằng một số triệu chứng khác như cộm mắt, ngứa mắt, cảm giác như có sạn ở mắt,...
Do đặc điểm là bệnh gây nên bởi nguyên nhân vi khuẩn, do đó điều trị viêm kết mạc do vi khuẩn cũng có những điểm rất khác biệt so với điều trị viêm kết mạc do virus hay viêm kết mạc dị ứng.
Trong viêm kết mạc do vi khuẩn các tiết tố viêm có thể bị xuất tiết rất nhiều. Do đó vấn đề làm sạch mắt hằng ngày khi điều trị viêm kết mạc do vi khuẩn là điều rất quan trọng nhằm giữ trạng thái sạch sẽ nhất cho mắt, rửa trôi bớt các vi khuẩn gây bệnh, tạo điều kiện cho việc sử dụng thuốc bôi, nhỏ mắt khác dễ dàng hơn.
Người bệnh có thể sử dụng dung dịch nước muối sinh lý hoặc dung dịch nước mắt nhân tạo để rửa mắt. Khi vệ sinh mắt, nên nhỏ một ít dung dịch dùng để rửa mắt lên mắt, đợi khoản ít giây cho các tiết tố viêm mềm ra rồi lau sạch. Không nên cố gắng lây đi các tiết tố viêm, ghèn mắt đang bám trên mắt khi chúng đang khô cứng, điều này rất dễ làm mắt bị tổn thương thêm và gây đau.
Bởi nguyên nhân gây bệnh viêm kết mạc là vi khuẩn, vì thế việc sử dụng kháng sinh cho bệnh nhân là một trong các nội dung chính nhất của điều trị viêm kết mạc do vi khuẩn.
Tuy nhiên, do hầu hết các trường hợp viêm kết mạc chỉ là một nhiễm trùng tại chỗ, do đó bệnh nhân cũng thường được sử dụng kháng sinh bằng dạng thuốc tra mắt hoặc dạng bôi. Điều này sẽ giúp nồng độ kháng sinh tại khu vực kết mạc đạt mức cao hơn, đồng thời cũng hạn chế tối đa các ảnh hưởng toàn thân do thuốc kháng sinh gây ra.
Các loại thuốc kháng sinh thường được sử dụng trong điều trị viêm kết mạc thông thường bao gồm tobramycin, ofloxacin, ciprofloxacin, levofloxacin, moxifloxacin,... Và đôi khi bác sĩ có thể cần sử dụng đến kết quả kháng sinh đồ để lựa chọn kháng sinh phù hợp nếu điều trị theo kinh nghiệm đáp ứng kém.
Nhưng đối với các tình trạng đặc biệt như viêm kết mạc do lậu cầu hay do bạch hầu, thì ngoài sử dụng thuốc kháng sinh tại chỗ bằng tra mắt hoặc bôi thì bệnh nhân còn được cho sử dụng thêm thuốc kháng sinh đường toàn thân. Thuốc hay được sử dụng là các thuốc thuộc nhóm Cephalosporin thế hệ thứ ba hoặc các thuốc Fluoroquinolon.
Các thuốc corticoid cũng có thể được sử dụng trong điều trị viêm kết mạc do vi khuẩn. Dưới tác dụng của corticoid, tình trạng viêm sẽ được cải thiện nhanh chóng do bị ức chế, từ đó làm giảm nhẹ các triệu chứng biểu hiện của bệnh trên bệnh nhân.
Cũng như thuốc kháng sinh, các thuốc corticoid trong điều trị viêm kết mạc do vi khuẩn cũng hay được sử dụng bằng đường tại chỗ dưới dạng thuốc nhỏ hoặc mỡ bôi mà không cần sử dụng thuốc bằng đường toàn thân.
Tuy nhiên, các thuốc corticoid nếu sử dụng kéo dài, quá liều thì rất dễ đưa đến các tác dụng phụ như làm nặng hơn tình trạng nhiễm khuẩn, gây tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể,... Do đó, việc sử dụng corticoid trong điều trị viêm kết mạc là một con dao hai lưỡi, nó cần được chỉ định bởi một bác sĩ nhãn khoa sau khi đã đánh giá đầy đủ giữa lợi ích và các nguy cơ đối mặt khi sử dụng thuốc. một cách thận trọng.
Các thuốc thuộc nhóm Corticoid hay được dùng trong điều trị viêm kết mạc gồm Prednisolon acetat, Fluorometholon, Dexamethasone,...
Ngày nay, để hạn chế việc sử dụng thuốc quá nhiều lần cho bệnh nhân khi điều trị viêm kết mạc do vi khuẩn, người ta đã tạo nên các chế phẩm vừa chứa thuốc kháng sinh vừa chứa các thuốc corticoid, hay gặp trên lâm sàng chính là tobradex.
Trong điều trị viêm kết mạc do vi khuẩn, ngoài vấn đề sử dụng thuốc thì bệnh nhân còn cần được tăng cường trong chế độ dinh dưỡng hằng ngày để nâng cao thể trạng, bổ sung thêm các loại vitamin như vitamin A, vitamin E,...
Thông thường, hầu hết các trường hợp viêm kết mạc do vi khuẩn sẽ được điều trị khỏi hẳn sau 7-10 ngày nếu được điều trị đúng cách.
Nói là khỏi hẳn bởi trên thực tế thì các triệu chứng của bệnh có thể giảm nhẹ vào ngày thứ 2-3 sau khi sử dụng thuốc. Do đó, có nhiều người đã tự ý ngưng sử dụng thuốc từ rất sớm. Tuy nhiên, điều này thực sự lại gây nên hậu quả rất nghiêm trọng đó chính là các vi khuẩn gây bệnh chưa thực sự bị tiêu diệt hết do thời gian sử dụng thuốc không đủ. Điều này làm cho bệnh dễ bùng phát trở lại và khó đáp ứng với điều trị hơn ở những lần mắc bệnh sau do vi khuẩn đã kháng thuốc.
Vì thế, khi điều trị viêm kết mạc do vi khuẩn người bệnh cần sử dụng thuốc đủ liều theo chỉ định của bác sĩ, kể cả khi các triệu chứng của bệnh đã hết từ rất sớm.
Kể cả khi bệnh nhân đã được điều trị viêm kết mạc do vi khuẩn thành công thì sau đó người bệnh vẫn có thể tái mắc bệnh. Do đó, vấn đề phòng bệnh tái phát sau khi điều trị viêm kết mạc do vi khuẩn là vấn đề rất cần thiết và quan trọng.
Một số biện pháp dự phòng viêm kết mạc:
- Hạn chế tối đa dụi mắt, đưa tay vào mắt.
- Không sử dụng chung vật dụng cá nhân với người khác như khăn mặt, mắt kinh,... đặc biệt là với những người bị viêm kết mạc.
- Sử dụng mắt kính bảo hộ khi đi ngoài đường, hoặc khi làm việc trong các môi trường nhiều khói bụi,...
- Vệ sinh mắt sạch sẽ hằng ngày.
- Tăng cường sử dụng các thực phẩm bổ dưỡng cho mắt, chẳng hạn các thực phẩm giàu vitamin A, E,...
Qua đây có thể thấy rằng, viêm kết mạc do vi khuẩn là tình trạng rất phổ biến có thể được điều trị không quá khó khăn. Nhưng để điều trị viêm kết mạc do vi khuẩn đạt hiệu quả cao thì người bệnh cần tuân thủ tuyệt đối các chỉ định mà bác sĩ đề ra.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn