Viêm VA thường xảy ra ở trẻ nhỏ. Bệnh không quá nguy hiểm và ít để lại biến chứng nếu như điều trị kịp thời và đúng cách. Vì vậy, khi trẻ có những dấu hiệu viêm VA, cha mẹ nên đưa con đến bệnh viện thăm khám và điều trị theo phác đồ từ bác sĩ.
VA là tên viết tắt của tổ chức lympho ở vòm họng - Vegetations Adenoides. Tổ chức này phát triển mạnh ở trẻ nhỏ và thường tự thoái biến khi trẻ 5-6 tuổi. Tuy nhiên, một số trường hợp đặc biệt thì VA có thể tồn tại đến khi trẻ lớn hoặc thậm chí là khi trưởng thành.
Viêm VA xảy ra khi các tác nhân gây bệnh (vi khuẩn, virus) tấn công và gây nên tình trạng viêm. Khi này, nếu tình trạng viêm là cấp tính thì người bệnh có thể có các biểu hiện như sốt cao, co thắt thanh quản, ngạt mũi, thở ngáy, ù tai, chảy mũi nhầy, dịch nhầy chảy xuống thành sau họng, ...
Nếu điều trị viêm VA không diễn ra dứt điểm, hoặc hay bị tái đi tái lại sẽ rất dễ dẫn đến viêm VA mãn tính. Các triệu chứng lúc này thường ít rầm rộ hơn nhưng lại kéo dài dai dẳng như trẻ thường sốt vặt, kém nhanh nhẹn, ăn uống kém, đãng trí, ngạt mũi ngày càng tăng nặng, thở bằng miệng, chảy nước mũi, nghe kém, ...
Nhìn chung, viêm VA ít khi gây nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh và thường có thể được điều trị không quá khó khăn. Tuy nhiên, nếu không được xử lý đúng cách thì viêm VA có thể lan rộng ra các cơ quan khác như tai, họng, khí quản và để lại nhiều hậu quả lâu dài cho sức khỏe người mắc.
Điều trị viêm VA như thế nào chủ yếu phụ thuộc vào thể bệnh mà người bệnh mắc là viêm VA cấp tính hay viêm VA mãn tính. Nếu là viêm VA cấp tính thì người bệnh chủ yếu sẽ được điều trị bằng các loại thuốc. Còn đối với viêm VA mãn tính, ngoài sử dụng các loại thuốc thì có thể còn phải xem xét thực hiện phẫu thuật khi cần thiết.
Do hầu hết viêm VA cấp tính là do nguyên nhân virus, nên vấn đề nâng cao thể trạng của người bệnh và giảm nhẹ triệu chứng là những nội dung chủ yếu trong việc điều trị viêm VA cho các trường hợp này.
- Nâng cao thể trạng: Người bệnh viêm VA cấp tính cần được bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, cung cấp năng lượng để cơ thể có thể chống chọi lại với bệnh tật. Đồng thời, bổ sung thêm vitamin và kẽm có thể giúp rút ngắn thời gian mắc bệnh.
- Hút mũi: Chảy nước mũi quá nhiều làm nặng thêm tình trạng ngạt mũi ở người bệnh viêm VA. Hút mũi, nhỏ mũi, trong các trường hợp mắc viêm VA cấp tính có thể giúp cải thiện thông thoáng đường thở, từ đó làm người bệnh dễ thở hơn.
- Khí dung mũi: Phun khí dung corticoid trong điều trị viêm VA có thể giúp giảm nhẹ nhanh chóng phản ứng viêm tại chỗ do thuốc được đưa trực tiếp đến vị trí tổn thương. Ngoài ra, phun khí dung thuốc kháng sinh cũng có thể làm giảm nguy cơ bội nhiễm vi khuẩn.
- Hạ sốt: Viêm VA cấp tính thường gây sốt cao, có thể lên đến 40-41 độ và gây co giật ở trẻ nhỏ. Trong các trường hợp này cần sử dụng thuốc hạ sốt cho bệnh nhân, hay sử dụng nhất là paracetamol. Nếu không đáp ứng, hoặc hạ sốt kém với paracetamol thì có thể cho sử dụng ibuprofen để hạ sốt.
- Thuốc kháng sinh: Do virus là nguyên nhân chủ yếu gây viêm VA nên thuốc kháng sinh không phải là một chỉ định sử dụng thường quy. Người bệnh chỉ được chỉ định sử dụng thuốc kháng sinh để điều trị viêm VA khi có biểu hiện của tình trạng bội nhiễm vi khuẩn hoặc nghi ngờ do nguyên nhân vi khuẩn.
Tình trạng viêm VA mãn tính lâu dài gây nên quá phát tổ chức VA. Các loại thuốc thông thường chỉ có thể giúp giảm nhẹ triệu chứng chứ không thể điều trị dứt điểm bệnh. Do đó, điều trị nạo VA được xem là cách để giải quyết cho các bệnh nhân viêm VA mãn tính.
- Thuốc điều trị viêm VA mãn tính: Tương tự như các bệnh nhân viêm VA cấp tính, bệnh nhân viêm VA mãn tính cũng có thể được cho sử dụng các loại thuốc như thuốc nhỏ mũi, phun khí dung, bổ sung kẽm, vitamin C để góp phần làm giảm triệu chứng bệnh và tăng cường thể trạng. Thuốc kháng sinh được chỉ định trong các đợt diễn biến cấp tính có nghi ngờ bội nhiễm vi khuẩn.
- Nạo VA: Nạo để lấy đi tổ chức VA giúp điều trị bệnh triệt để và ngăn chặn tình trạng tái phát về sau. Phương pháp này được chỉ định trong các trường hợp bệnh nhân bị đợt diễn biến cấp tính nhiều hơn 5 lần/năm, viêm VA gây biến chứng đến các cơ quan khác (tai, mũi, họng, khớp), viêm VA gây tắc nghẽn đường hô hấp trên, ...
Phương pháp nạo VA thường chỉ được chỉ định khi trẻ đạt từ 6 tháng tuổi trở lên và không có các chống chỉ định phẫu thuật như mắc bệnh ưa chảy máu, rối loạn đông máu. Còn đối với các trường hợp người bệnh đang trong đợt diễn biến cấp tính của bệnh, nhiễm virus cấp tính, có các bệnh lý mãn tính, ... thì chỉ định phẫu thuật có thể được xem xét một cách thận trọng.
Có nhiều phương pháp nạo VA khác nhau được sử dụng hiện nay, gồm có nạo La Force, nạo Moure hoặc nạo Hummer, Coblator, ... Nhưng nhìn chung thì nạo VA được xem là kỹ thuật tương đối đơn giản, ít biến chứng.
Viêm VA không phải là một bệnh lý quá khó khăn trong vấn đề điều trị. Trái ngược, thậm chí là bệnh còn có thể tự hết trong một số trường hợp mắc bệnh cấp tính mà không cần điều trị gì. Tuy nhiên, nếu viêm VA được điều trị đúng cách thì sẽ rút ngắn đáng kể thời gian mắc bệnh và hạn chế các nguy cơ biến chứng do bệnh gây nên.
Một số lưu ý khi điều trị viêm VA:
- Các trường hợp mắc bệnh viêm VA cấp tính cần được điều trị dứt điểm, tránh trường hợp tái lại thường xuyên khiến bệnh chuyển sang mãn tính.
- Sử dụng thuốc điều trị viêm VA theo đúng hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ. Không nên lạm dụng thuốc kháng sinh khi mắc viêm VA sẽ rất dễ gây nên tình trạng kháng thuốc.
- Với các trường hợp viêm VA mãn tính, trì hoãn điều trị khi có chỉ định có thể gây ảnh hưởng lâu dài lên sự phát triển của trẻ, như bất thường phát triển hệ thống xương mặt, chậm phát triển thể chất và trí tuệ,...
- Thực hiện các biện pháp phòng tránh viêm VA, tránh để viêm VA xảy ra là cách tốt nhất để ngăn chặn nguy cơ biến chứng do bệnh.
Trên đây là những thông tin cơ bản về điều trị viêm VA và những một số lưu ý khi điều trị. Khi con có dấu hiệu của viêm VA, cha mẹ nên đưa con đến bệnh viện để thăm khám sớm và phòng tránh những biến chứng nguy hiểm.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn