TS Nguyễn Trọng Hưng - Phó Trưởng khoa Dinh dưỡng lâm sàng & tiết chế, Khoa Khám tư vấn dinh dưỡng số 2, Viện Dinh dưỡng Quốc gia - cho biết, thời tiết nóng bức, khiến trẻ ra nhiều mồ hôi, mệt mỏi, chán ăn... vì vậy, các bậc phụ huynh cần phải chú ý chế biến các món ăn không những vẫn đảm bảo đủ dinh dưỡng, cân đối các chất như chất đạm, chất béo, chất đường bột, vitamin và chất khoáng… mà còn cung cấp đủ nước để phòng tránh mất nước và điện giải cho cơ thể trẻ.
Do đó, các bậc phụ huynh nên tuân thủ nguyên tắc dinh dưỡng cho trẻ: cần đa dạng thực phẩm, thường xuyên thay đổi các món ăn, chế biến phù hợp với từng độ tuổi giúp trẻ ngon miệng, dễ ăn và nhận đầy đủ dinh dưỡng.
Cung cấp đủ nước cho trẻ hàng ngày
Cho trẻ uống đủ lượng nước cần thiết trong ngày, khi ở nhà, khi đến trường và cả khi ra ngoài. Theo khuyến nghị dinh dưỡng cho người Việt Nam năm 2016, lượng nước bao gồm cả nước, sữa… thiết yếu cho trẻ trong ngày vào khoảng 50-100 ml/kg thể trọng/24 giờ.
Đối với các trẻ bú mẹ thì nên tiếp tục bú mẹ, bú nhiều lần trong ngày, bú đúng cách. Với các trẻ ăn dặm và lớn hơn, ngoài tiếp tục bú mẹ thì cho uống thêm nước hoa quả, ăn sữa chua, nước lọc, ăn canh rau… Cần thiết có thể sử dụng Oresol, lưu ý pha đúng hướng dẫn và theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Cần chủ động cho trẻ uống nước không nên để trẻ khát mới cho uống, nên uống chậm, từ từ từng ngụm một. Đồng thời, khi uống nước cũng cần hạn chế sử dụng nhiều đá hoặc nước uống quá lạnh. Vì nước quá lạnh hay nước đá sẽ làm hạ nhiệt trong cơ thể và làm chậm lại quá trình trao đổi chất, mặt khác dễ gây viêm họng, tạo cảm giác giải khát “giả”.
Chế độ dinh dưỡng hợp lý
Trong những ngày nắng nóng, ngoài chuyện cung cấp đủ nước, khi chế biến món ăn cũng cần đảm bảo đủ các dưỡng chất và cân bằng, cần thay đổi các món và đa dạng của thực phẩm. Với trẻ, cần đảm bảo đủ tối thiểu 4 nhóm thực phẩm bao gồm nhóm ngũ cốc như gạo, phở, bún, khoai…; nhóm chất đạm như thủy hải sản, trứng, sữa, thịt các loại,…; nhóm chất béo gồm dầu thực vật, mỡ, lạc, vừng…; nhóm rau xanh, hoa quả chín.
Khi chế biến thức ăn cho trẻ cần lựa chọn thực phẩm tươi, sạch để đảm bảo an toàn, bởi mùa nóng thực phẩm rất dễ ôi thiu, biến chất do nhiễm khuẩn và nhiệt độ môi trường cao. Các loại thực phẩm như thịt, tôm, cá… khi mua về nên rửa sạch, đựng từng loại bằng túi ni lông hoặc hộp riêng rồi để vào tủ lạnh, rau quả để vào ngăn mát của tủ lạnh. Trước khi nấu, rau xanh cần rửa dưới vòi nước sạch nhiều lần, ngâm kỹ rồi mới thái nhỏ để không mất nhiều vitamin.
Trong những ngày oi bức kéo dài, nên hạn chế cho trẻ ăn các món ăn xào, nướng, các món ăn nhiều đường ngọt vì dễ gây cảm giác ngán, khó ăn và nguy cơ thừa cân, béo phì. Lưạ chọn nhóm chất đạm dễ tiêu hóa như cá, tôm, cua, trứng, đậu đỗ,… để chế biến thức ăn cho trẻ và cũng nên vừa đủ, tránh ăn nhiều. Đặc biệt đừng quên cho trẻ ăn canh, nhóm hấp dẫn bổ dưỡng trong những ngày nắng nóng là canh cua rau đay, mồng tơi, mướp, rau dền...
Tập cho trẻ ăn rau củ để tăng chất xơ
Bên cạnh món canh, rau xanh thì sử dụng đủ hoa quả cũng là cách lý tưởng giúp cơ thể bù được lượng nước và cung cấp các vitamin cần thiết cho trẻ. Nên ăn hoa quả theo mùa, để tránh các nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong mùa này, những loại hoa quả nên ăn là các loại hoa quả giàu vitamin C và giải nhiệt tốt như cam, quýt, bưởi, chuối, táo, dưa hấu…
Các loại trái cây và nước ép trái cây, rau xanh và nước ép rau củ, ngoài việc cung cấp nhiều nước giúp thanh nhiệt, còn cung cấp cho trẻ nhiều loại vitamin và khoáng chất giúp tăng cường hệ miễn dịch, bảo vệ trẻ phòng chống bệnh.
Nên tập cho trẻ ăn luôn cả xác rau củ quả hoặc xay sinh tố thay vì chỉ ép lấy nước để bổ sung thêm chất xơ cho con, giúp con tránh táo bón. Các loại quả nên hạn chế là một số trái cây có hàm lượng đường cao, có tính nóng, không nên ăn nhiều như mít, xoài, vải, nhãn…