Chiều 14/11, tiếp tục phiên làm việc của kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XV, Quốc hội đã dành thời gian thảo luận tiếp về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh nhận thấy một số quy định về giá đất chưa thật sự cụ thể. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cần rà soát kỹ lưỡng dự án Luật để thể chế hóa đầy đủ, chặt chẽ chủ trương của Đảng. Trong đó, cần nghiên cứu bổ sung các quy định để giải quyết thấu đáo một số vấn đề thực tiễn đặt ra. Theo đó, khi bỏ khung giá đất thì bảng giá đất, giá đất cụ thể tăng thì người sử dụng đất sẽ phải trả tiền thuế, phí, tiền sử dụng đất nhiều hơn và sẽ làm cho giá bất động sản tăng lên, khả năng tiếp cận sở hữu nhà, đất của người có thu nhập thấp, yếu thế sẽ khó khăn. Do vậy, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh đề nghị dự án Luật cần có quy định cụ thể về giảm tỷ suất thuế, có cơ chế để tiếp tục phát triển chính sách xã hội đối với người có thu nhập thấp và người yếu thế.
Ngoài ra, khi giá đất tăng, nhà đầu tư có thể gặp khó khăn khi đàm phán với người sử dụng đất nếu dự án không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất và khó giải phóng mặt bằng hơn. Nếu không có tiềm lực về tài chính, nhà đầu tư sẽ phải tính toán lại phương án đầu tư khi thấy giá thành cao so với giá đất tăng. Nguồn cung về nhà đất cho thị trường có thể giảm, gây thiếu hụt nguồn cung nhà có thể làm chững thị trường bất động sản trong khi nhu cầu nhà ở lại bức thiết, nhất là khu vực có tốc độ đô thị hóa cao, các thành phố lớn. Như vậy, cả nhà đầu tư và người dân có nhu cầu về nhà ở đều gặp khó khăn. Vấn đề đặt ra là cần có cơ chế như thế nào để thu hút được đầu tư và giải quyết được nhu cầu nhà ở cho người dân.
Còn đại biểu Phạm Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn thì quan tâm đến vấn đề quản lý đất đai với đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Đại biểu cho rằng, để đảm bảo quyền tiếp cận đất đai của đồng bào, cần xem xét quy định một chế định riêng, có thể là một mục riêng trong dự thảo Luật về đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số. Chế định này sẽ bao gồm các nội dung về: Trách nhiệm bảo đảm đất đai cho đồng bào, lộ trình giải quyết dứt điểm vấn đề thiếu đất ở; quy định điều kiện giao đất với chính sách khuyến khích để cộng đồng dân tộc thiểu số có thể quản lý, bảo vệ nguồn tài nguyên này.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí - Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội cho rằng, đất đai là vấn đề mà nhân dân và nhiều cử tri phản ánh, than phiền, khiếu kiện nhiều nhất. Ở Việt Nam, hầu hết tỷ phủ giàu lên rất nhanh là nhờ đất hoặc liên quan đến đất. Nhiều vụ tham ô lớn đều liên quan đến đất, qua đó đã nói lên sự cấp thiết phải sửa đổi Luật này.
Đại biểu đề nghị cần có quy định cụ thể về thủ tục, quy trình thực hiện và phương pháp xác định quyền sử dụng đất để bỏ khung giá quyền sử dụng đất nhưng vẫn đảm bảo chặt chẽ, tiện lợi và hiệu quả.
Điều 86 đề cập đến thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng, đề nghị Luật sửa đổi phải sửa cho hợp lý nhất việc dự án tự thỏa thuận vì đây là điểm tắc nghẽn lớn trong thực tiễn khi triển khai các dự án hiện nay, đặc biệt là các dự án vừa và nhỏ mang tính an sinh xã hội. Tốt nhất đề nghị chính quyền địa phương phải triển khai đền bù giải tỏa theo quy định của pháp luật để giao đất sạch cho chủ đầu tư thực hiện các dự án.
Cho rằng việc chia đất, phân lô, bán nền là một cách làm lạc hậu, gây tốn kém quỹ đất, dễ tiêu cực, đặc biệt là xây dựng lô nhô, lắt nhắt, phá vỡ cảnh quan, phá vỡ quy hoạch, đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng, cần phải chấm dứt kỷ nguyên nhà ống bất hợp lý, mất mỹ quan và rất tiêu cực, cần quy hoạch đất đai chuẩn xác để nhân dân có nơi sống tốt, hợp lý và đẹp nhất có thể.
Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng, cần lưu ý phối hợp với Luật Quy hoạch để có thêm đất không gian ngầm ngay dưới các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh. Đại biểu đề nghị sửa đổi Luật Đất đai lần này làm sao để đưa vùng đất đang bị bỏ rơi, bị hoang hóa, không quy hoạch, không được sử dụng thì được đưa vào sử dụng hiệu quả và hữu ích.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn