Định hình lại vai trò của người dì trong gia đình phương Tây

12:05 | 23/01/2022;
Nhiều phụ nữ phương Tây không có con đang tích cực đón nhận vai trò làm dì (cô). Theo các chuyên gia, đã đến lúc phải công nhận vai trò của họ trong gia đình.

Caroline lớn lên với hình dung cuộc sống cô luôn được vây quanh bởi lũ trẻ. Hiện tại ở tuổi 50, đó chính xác là những gì đang diễn ra với Caroline, nhưng khác với những điều cô tưởng tượng. Mặc dù không có ý định có con, Caroline luôn tự hào với vai trò làm dì của mình.

Caroline, một nhà tâm lý học pháp y ở Shoreham-by-Sea, miền Nam nước Anh, nói: "Tôi có những đứa trẻ đáng yêu vây quanh. Tôi thực sự thích dành thời gian cho chúng mà không cần phải sinh em bé hay mất ngủ hàng đêm". Caroline chia sẻ, trở thành dì không phải là lựa chọn thay thế mà giống như một phần thưởng. Caroline nhận thấy vai trò làm dì này như một phản lực chống lại sự đề cao quá mức về tình mẫu tử và mong muốn nhiều phụ nữ nhận ra rằng trở thành người dì cũng có thể là một lựa chọn hợp lý.

Thay đổi cái nhìn về phụ nữ không có con

Không có gì lạ khi thế giới đang trải qua một sự chuyển hướng về nhân khẩu học, buộc phải nhìn nhận lại những kỳ vọng truyền thống về gia đình. Ngày càng nhiều phụ nữ đã qua tuổi sinh sản nhưng không có con. Năm 2019, Anh có 49% phụ nữ sinh năm 1989 không có con ở tuổi 30. Năm 2018, cứ 7 phụ nữ Mỹ từ 40 đến 44 tuổi thì có 1 người chưa có con. Dữ liệu gần đây của Trung tâm Nghiên cứu Pew cho thấy một số lượng lớn người Mỹ từ 18 đến 49 tuổi không có ý định sinh con.

Tuy nhiên, sự công nhận cho những thay đổi này đang thụt lùi khi chính sách, truyền thông vẫn xoay quanh gia đình hạt nhân. Về mặt xã hội, vai trò của người dì vẫn chưa được định rõ. Không giống như những kỳ vọng khắt khe, áp đặt cho các bà mẹ, người dì không có tiêu chuẩn nào để tuân theo. Vì vậy, mặc dù vai trò này có thể khác nhau ở các nền văn hóa, nhưng đa phần họ được tự do xác định các mối quan hệ gia đình và trách nhiệm của mình.

Melanie Notkin, 52 tuổi, một nhà tiếp thị và doanh nhân ở New York (Mỹ), cho biết, các cháu trai và cháu gái đã trở thành trung tâm cuộc đời cô khi cô chờ đợi những đứa con của chính mình. Và không chỉ Notkin, ngày càng nhiều bạn bè của cô cũng không có con. Khi gặp nhau, họ thường trò chuyện về những đứa cháu. Vì vậy, Notkin bắt đầu tìm hiểu về việc những phụ nữ không có con hiện diện như thế nào trong quảng cáo và truyền thông.

Để thay đổi cái nhìn về những phụ nữ không con, Notkin cho ra mắt thương hiệu "Pank" với vai trò là một người dì. Pank mô tả những phụ nữ có học thức cao và thu nhập cao, do tự lựa chọn hoặc hoàn cảnh đưa đẩy mà không muốn làm mẹ nhưng vẫn yêu quý con cái của anh chị em mình và sẵn sàng bỏ tiền bạc và thời gian với những đứa trẻ. Pank không chỉ giúp xây dựng lại hình ảnh của phụ nữ không có con mà còn giúp phụ nữ nhận ra vai trò của họ. Một phụ nữ đã từng viết thư cho Notkin nói rằng, cô phải chật vật với chứng hiếm muộn và lòng ghen tị với người có con. Hiện tại, thông qua Pank, cô có thể nhìn nhận vai trò của mình một cách khác đi. "Bạn đã cho tôi thấy rằng hiện tại tôi có thể không có con nhưng tôi có vai trò quan trọng trong trách nhiệm làm mẹ", người phụ nữ này chia sẻ.

Vai trò của người dì cần được công nhận

Theo hai nhà xã hội học Kinneret Lahad và Vanessa May, Pank chỉ là một phần giải pháp trong việc tạo nên nhiều công nhận hơn về vai trò của người dì - một điều sẽ trở nên cấp bách hơn nếu xu hướng phụ nữ không có con tiếp tục diễn ra. Lahad nói: "Trách nhiệm của người dì trong suy nghĩ của nhiều người không rõ ràng và không đồng nhất. Điều đó đồng nghĩa với việc họ có thể bị phớt lờ khi xin nghỉ phép để chăm sóc cháu hoặc xử lý vấn đề quanh chuyện thừa kế". Lahad cho biết, vai trò của người dì cần được các nhà hoạch định chính sách và xã hội công nhận là quan trọng, chứ không phải chỉ là điều muốn làm vì cảm thấy buồn chán. Theo Patricia Sotirin, giáo sư truyền thông tại Đại học Công nghệ Michigan, các quan niệm rập khuôn về người dì cũng đã có dấu hiệu thay đổi. Những khám phá về vai trò của họ hiện nay là một phần cho quá trình đánh giá lại vai trò của phụ nữ trong xã hội.

Thực tế, vì không bị cản trở bởi một vai trò xác định hoặc bởi áp lực xã hội như cha mẹ, người làm dì được tự do hơn trong trách nhiệm. Nếu muốn, họ có thể đảm nhận vai trò người mẹ thông thường hoặc nếu chọn lối sống không con cái. Đối với Sotirin, những người dì, dù có làm mẹ hay không đều là những người đi đầu trong việc chứng tỏ vai trò họ có thể đảm nhiệm.

Với một số phụ nữ, không có con có thể là trải nghiệm đau đớn nhưng với Caroline, khi được hỏi có cảm thấy buồn hay không, cô trả lời: "Tôi không có gì hối tiếc trong lối sống, trong mối quan hệ của tôi với những đứa trẻ". Thay vào đó, trải nghiệm về vai trò làm dì của Caroline với tư cách vừa là bạn tri kỉ vừa là người động viên các cháu đã khiến cô trở thành một "người ủng hộ vai trò làm dì". Theo Caroline, điều này nên được thúc đẩy như một sự lựa chọn tích cực cho phụ nữ.


Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn