Thể hiện lòng biết ơn là một trong những cách rèn luyện tư duy tích cực hiệu quả cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ. Cha mẹ hãy dạy trẻ biết ơn với mọi thứ mà trẻ đang có:
Biết ơn cha mẹ vì đã nuôi dưỡng mình, biết ơn thầy cô vì đã dạy dỗ con nên người, biết ơn vì được ăn những bữa ăn ngon và đầy đủ dinh dưỡng mỗi ngày…
Nếu phải tiếp xúc hằng ngày với những người thường xuyên than vãn, cau có… trẻ sẽ có xu hướng bắt chước và ăn sâu vào nhận thức, hành động. Thay vì cáu gắt, phàn nàn rằng "dạo này mẹ thấy con không tập trung vào việc học?
Tại sao lại bị điểm thấp như vậy?" thì các bậc phụ huynh nên động viên và thay đổi cách đặt vấn đề như: "Dạo này con có gặp vấn đề gì không? Mẹ có thể chia sẻ và giúp đỡ con không?"…
Những câu hỏi quan tâm như vậy sẽ khiến trẻ có thời gian để nhìn nhận vấn đề và suy nghĩ tích cực hơn, không còn cảm giác lo sợ bị bố mẹ mắng.
Con trẻ được phân chia công việc nhà thường rất phấn khởi. Cảm giác được phụ giúp bố mẹ khiến con thấy mình có ích. Các con luôn mong muốn nhận được những lời khen từ người lớn. Do đó, sau khi trẻ hoàn thành nhiệm vụ, cha mẹ nên có những phần thưởng, lời khen dành cho trẻ.
Nụ cười là một trong những yếu tố giúp rèn luyện tư duy tích cực cho trẻ vô cùng đơn giản mà hiệu quả. Ba mẹ hãy luôn nhắc trẻ cười thật tươi vì khi trẻ cười, cơ thể sẽ giải phóng endorphin, một loại hormone hạnh phúc, khiến trẻ vui vẻ hơn, hạnh phúc hơn, nhờ đó tăng cường khả năng miễn dịch và giảm căng thẳng.
Góc nhìn của con trẻ nên được người lớn tôn trọng và lắng nghe. Cho dù đó là nỗi buồn, niềm vui, lo lắng, giận hờn hay bất kỳ cảm xúc nào khác, cha mẹ hãy trao đổi với con rằng: "Đó là những điều bình thường, con không cần phải che giấu cảm xúc của mình"…
Một khi trẻ nhận được sự quan tâm, động viên từ gia đình, bạn bè, những suy nghĩ tiêu cực sẽ biến mất, nhường chỗ cho tư duy tích cực, tìm kiếm hướng giải quyết, niềm vui mới.
Khi phát hiện ra điều bất thường ở con trẻ, điều đầu tiên mà cha mẹ cần làm, đó là quan sát. Việc quan sát có vai trò vô cùng quan trọng, giúp ích trong việc tiếp cận và giúp trẻ giải thoát bản thân khỏi những rắc rối.
Sau khi quan sát và có cái nhìn thực tế, bố mẹ tiến hành hỏi thăm và tìm hiểu sự việc thông qua việc trao đổi với con. Cha mẹ nên chủ động gợi hỏi, quan tâm, phân tích và lắng nghe những giải pháp của trẻ đưa ra; cho con thấy rằng, mọi chuyện đều có thể bình tĩnh phân tích và giải quyết.
Tư duy tích cực và tin vào điều tốt đẹp sẽ mau chóng giúp chúng ta thoát khỏi những suy nghĩ tiêu cực.
"Tại sao điểm thi môn Toán lúc nào cũng thấp vậy?", câu hỏi kiểu này thường mang đến áp lực đối với trẻ. Thay vào đó, cha mẹ hãy thừa nhận những mặt hạn chế của con, luôn đồng hành với con trong suốt quá trình nỗ lực, phấn đấu của con.
Những đứa trẻ được tiếp xúc, nói chuyện, thảo luận với người có lòng trắc ẩn, sống tích cực, yêu đời và luôn cố gắng để đạt được mục tiêu sẽ có nhiều cơ hội để phát triển toàn diện hơn.
Thông qua cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, những lời nói có văn hóa, những hành vi ứng xử đúng mực sẽ có tác động tích cực tới trẻ, giúp trẻ được thấm nhuần, xây dựng lối tư duy tích cực và hành xử có đạo đức.
Thay vì đặt những câu hỏi như "Ngày hôm nay của con như thế nào?" thì các bậc phụ huynh nên đặt vấn đề một cách chi tiết hơn về những điều tích cực, niềm vui đã diễn ra trong ngày của con.
Những câu hỏi cụ thể và chi tiết sẽ giúp trẻ tập trung vào những câu chuyện thú vị, dần quên đi những điều không may mắn, không vui vẻ đã trải qua.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn