Ở Mỹ, trong khi với lĩnh vực Toán học gần như có sự bình đẳng về giới, tức là số lượng nam và nữ gần bằng nhau, thì nữ lại chiếm đa số trong các lĩnh vực như sinh học trong số các sinh viên tốt nghiệp đại học. Tuy nhiên, Mỹ vẫn đang thất bại trong việc đa dạng hóa các ngành khoa học máy tính và kỹ thuật. Nữ chỉ chiếm khoảng 1/5 bằng cấp về khoa học và kỹ thuật máy tính.
Nghiên cứu của The Conversation cho thấy, định kiến là rào cản để trẻ em gái tiếp cận lĩnh vực này. Đã có nhiều bàn luận về tác hại của định kiến tài năng thiên bẩm, trong đó khẳng định nam giới giỏi hơn nữ giới trong STEM. Tuy nhiên, điều có thể gây bất lợi cho trẻ em gái là định kiến cho rằng nam giới thích các hoạt động và nghề nghiệp liên quan đến lĩnh vực này hơn nữ giới. Những khuôn mẫu này có thể khiến nữ giới cảm thấy lĩnh vực này không dành cho mình.
"Định kiến sở thích" này được chấp nhận bởi trẻ em và thanh thiếu niên, bao gồm cả thanh niên da đen, da trắng, châu Á và gốc Tây Ban Nha hoặc cả những đứa trẻ 6 tuổi mới vào lớp 1. Nghiên cứu phát hiện ra những định kiến về sở thích ảnh hưởng tiêu cực hơn đối với trẻ em gái. Điển hình là trong nghiên cứu, khi một bé gái càng tin vào những định kiến thiên vị trẻ em trai thì càng ít có động lực hơn trong ngành khoa học và kỹ thuật máy tính. Đây không phải là trường hợp đối với trẻ em trai, khi càng tin vào những định kiến này, trẻ em trai càng có nhiều động lực hơn.
Các nhà nghiên cứu đã thực hiện hai thí nghiệm để xem liệu các rập khuôn về sở thích có ảnh hưởng đến động lực của trẻ em gái hay không. Hai hoạt động được nêu ra cho người tham gia: Một hoạt động liên quan đến định kiến trẻ em gái ít quan tâm về hoạt động đó so với trẻ em trai, hoạt động còn lại không được liên kết với định kiến như vậy. Nếu trẻ em thích hoạt động thứ hai hơn hoạt động thứ nhất, có thể suy ra rằng định kiến tạo nên sự khác biệt trong sở thích của chúng.
Kết quả cho thấy, chỉ 35% trẻ em gái chọn hoạt động liên quan đến định kiến so với hoạt động không gắn với định kiến. Đối với các bé trai, những định kiến này không phải là vấn đề. Khoảng cách giới chỉ xuất hiện khi hoạt động được gắn liền với định kiến.
"Cảm giác thuộc về" có vai trò rất lớn để tạo nên động lực. Cảm giác thuộc về càng thấp khiến sự quan tâm của họ càng thấp. Cho dù những định kiến này hiện tại có còn hay không, các nhà nghiên cứu tin rằng, chúng có thể tạo ra một vòng luẩn quẩn. Trẻ em gái có thể bỏ lỡ cơ hội bởi giả định họ không nên theo đuổi hoặc yêu thích một số lĩnh vực STEM nhất định.
Có nhiều cách đơn giản để gửi thông điệp tìm hiểu lĩnh vực khoa học và kỹ thuật máy tính đến trẻ em gái. Cha mẹ và người lớn có thể kiểm tra những giả định của mình thông qua đồ chơi hoặc cho các bé gái tham gia nhiều hoạt động trại hè. Ngoài ra, trẻ em gái nên được giới thiệu về những phụ nữ đang thay đổi thế giới trong lĩnh vực công nghệ và luôn say mê thực hiện điều đó.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn