Dịu đi những cơn đau vô hình

17:19 | 17/08/2015;
Chị Thu (38 tuổi) thường phải đến điều trị và tư vấn tâm lý tại một bệnh viện lớn ở TPHCM. Căn bệnh ung thư vú đã ở giai đoạn 2, khiến chị phải phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ ngực trái.


Bác sĩ tư vấn giải tỏa bệnh "đau tâm lý" sau phẫu thuật ung thư cho chị Thu (Ảnh chụp tháng 11/2014)

Sinh ra tại TPHCM nhưng chị Vương Thị Hoài Thu cùng gia đình chuyển lên Đà Lạt sống từ khi chị 10 tuổi. Trong ký ức của người phụ nữ này, hơn 2 năm chống chọi với căn bệnh ung thư là quãng thời gian khó khăn vô cùng. Đau đớn về thể xác, lo lắng cho tương lai, thương 2 đứa con còn quá nhỏ mà lại thiếu bàn tay chăm sóc của mẹ… - tất cả khiến chị Thu nhanh chóng suy sụp.

“Mình chỉ muốn kết thúc cuộc đời càng sớm càng tốt nhưng nhìn 2 đứa con, tim mình quặn lại, nước mắt chỉ trực trào ra. Tình trạng ấy kéo dài khoảng 3 tháng, sau đó mình chấp nhận làm phẫu thuật theo lời khuyên của bác sĩ, cắt toàn bộ ngực trái và hóa trị để loại bỏ các tế bào ung thư”, chị Thu kể.

Nhớ lại quãng thời gian dài đầy khó khăn với những cơn đau luôn hành hạ, động lực duy nhất giúp chị vượt qua chính là gia đình, đặc biệt là 2 cậu con trai nhỏ. Chị kể: “Hôm mình làm phẫu thuật, 3 bố con đến bệnh viện ôm hôn, động viên và hẹn ngày đoàn tụ. Chưa bao giờ mình khao khát được sống để yêu và được yêu như lúc đó. Tỉnh lại từ phòng hồi sức khi ngực trái đã không còn, mình chỉ nghĩ đơn giản đó là việc cần thiết để giúp mình sống nhưng thực tế không phải vậy, sự mất mát đó làm mình bận tâm rất nhiều. Cho tới khi cầm trong tay kết quả tái khám không còn u ác, những tưởng cuộc sống sẽ trở lại những chuỗi ngày hạnh phúc bên gia đình. Song, những cơn đau nơi vết mổ cứ ập đến mỗi khi “gần gũi” chồng, khiến mọi thứ lại trở nên rất khó khăn”.

 

“Dù thế nào, đối với anh, em vẫn rất hoàn hảo”

Chị Thu lật giở những trang nhật ký mà chị viết sau khi được xuất viện với đầy đủ những cung bậc cảm xúc. Khi thì đầy ắp thương yêu với những bữa cơm bên gia đình và các chuyến du lịch, khi lại lo sợ căn bệnh ung thư có thể quay lại bất cứ lúc nào, lúc hờn giận vì chồng quên ngày đưa vợ đi bệnh viện tái khám và một phần lớn trong cuốn nhật ký, chị Thu viết về những đêm bị cơn đau hành hạ mỗi khi hai vợ chồng “gần gũi”.

“Mình không biết tại sao, khi đi tắm hoặc lúc “gần” chồng là cơn đau ở ngay vết mổ lại bùng phát, có lúc thì đau dữ dội nhưng có khi lại lâm râm. Điều đó khiến mình xuất hiện tâm lý sợ “gần” chồng, hay nổi cáu vô cớ và thường xuyên phải viện lý do để sang ngủ cùng con”, chị Thu kể.

Lo lắng bệnh cũ có thể tái phát hoặc ung thư đã di căn, chị Thu tìm đến bệnh viện và đề nghị được làm các xét nghiệm, chụp CT… Tuy nhiên, kết quả không có gì khác thường lại khiến chị hoang mang. Không tin vào những lời bác sĩ nói, rằng những cơn đau của chị chỉ là “hoang tưởng” do tâm lý quá căng thẳng, chị Thu tiếp tục đến một số bệnh viện lớn về điều trị ung thư để kiểm tra, nhưng kết quả chị nhận được vẫn không có gì thay đổi, rằng khối u của chị đã được loại bỏ hoàn toàn. Chị Thu tâm sự: “Khi đó, mình hoảng loạn lắm, rõ ràng mình rất đau nhưng họ lại nói mình không có bệnh. Không còn cách nào khác, hai vợ chồng mình tìm đến bác sĩ tâm lý để được tư vấn”.

Cũng theo lời kể của chị Thu, ngay trong buổi đầu tiên nói chuyện với bác sĩ tâm lý, chị đã kể liên tục trong suốt 4 tiếng về tất cả những vấn đề chị đã và đang gặp phải từ sau khi phẫu thuật. Sau đó, chị được bác sĩ cho làm một bài kiểm tra, trả lời những câu hỏi liên quan đến trạng thái cảm xúc, tâm lý và các mối quan hệ xung quanh. “Trong thời gian nói chuyện với bác sĩ, nước mắt mình cứ trào ra và có cảm giác như mọi thứ bị ứ đọng lâu ngày, bây giờ được dịp vỡ ra. Bác sĩ gọi chồng mình vào, cùng nói chuyện và chia sẻ rồi bảo những cơn đau của mình thực chất không phải là đau thực thể, là do mình mặc cảm vì khiếm khuyết của bản thân và nghĩ về nó quá nhiều”, chị chia sẻ.

Sau khi nhận được sự tham vấn của bác sĩ về việc nên thay đổi một số thói quen trong sinh hoạt vợ chồng, đặc biệt khi nghe người bạn đời của mình nói: “Dù em như thế nào, đối với anh, em vẫn rất hoàn hảo”, cơn đau lại ấp đến nhưng rồi dịu đi rất nhanh, thay vào đó là những cảm giác dễ chịu hơn. “Hơn 1 tháng mình phối hợp điều trị với bác sĩ tâm lý và tham gia những khóa học thiền, cuộc sống đang thay đổi từng ngày, những cơn đau ít đến hơn và cũng dịu đi nhanh hơn”, chị Thu mỉm cười.

* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi

 


Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Minh Mẫn (Trưởng Đơn vị Chăm sóc giảm nhẹ, chuyên khoa Nội Thần kinh - Tâm lý trị liệu, Bậnh viện ĐH Y Dược TPHCM)

Đau tâm lý là hiện tượng bệnh nhân bị đau không do tổn thương thực thể một cách trực tiếp mà xuất phát từ những trải nghiệm trong quá khứ hoặc mặc cảm về sự mất mát một phần cơ thể do vết thương, tai nạn hoặc từ các cuộc phẫu thuật. Biểu hiện thường thấy là mỗi khi bệnh nhân nhìn thấy, chạm đến hoặc nghĩ về phần cơ thể đã mất đi thì thường bị lên cơn đau, khi thì dữ dội, lúc nhẹ nhàng và có lúc lại không đau, nó tùy thuộc vào trạng thái tâm lý của bệnh nhân khi đó như thế nào.

Đau tâm lý là nỗi đau đã in vào não của bệnh nhân, vì vậy, việc cần làm là  phải “gỡ” nó ra bằng cách nào đó hoặc thực hiện một số liệu pháp để giảm mức độ đau. Cần cho bệnh nhân nhận biết những cơn đau họ đang trải qua không phải đau do thực thể mà chỉ do tâm lý lo lắng, hoang mang và nghi ngại bệnh cũ của họ vẫn chưa khỏi hẳn, bằng cách chứng minh cho họ thấy các kết quả xét nghiệm của họ trong giới hạn bình  thường. Đây là phương pháp trị liệu nhận thức hành vi, giúp họ nhận thức được rằng bệnh thực thể của họ trước đây đã hết hoàn toàn. Bước giải quyết tiếp theo là cần có sự phối hợp giữa bệnh nhân với bác sĩ tâm lý và gia đình để thực hiện liệu pháp gia đình trị liệu.

Ngoài ra, đối với những trường hợp bệnh nhân bị hội chứng đau tâm lý đi kèm các biểu hiện của mất ngủ, rối loạn lo âu hoặc nặng hơn là trầm cảm, bên cạnh các phương pháp trị liệu tâm lý cho bệnh nhân, chúng tôi kết hợp sử dụng một số loại thuốc giúp bệnh nhân dễ ngủ hoặc chống trầm cảm… để việc điều trị được hiệu quả.

 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn