Đỗ Bích Thúy ra mắt sách tự sự tuổi 40

16:46 | 11/09/2018;
Tập tản văn ‘Tôi đã trở về trên núi cao’ của Đỗ Bích Thúy có thể coi như là một lời tự sự từ những chuyến đi trong tâm hồn chị - tâm hồn của một người đàn bà 40 tuổi với nhiều xung động, nhiều “dư chấn” riêng…

Tôi đã trở về trên núi cao (NXB Hội Nhà văn và Liên Việt Books) là cuốn sách thứ 19 của Đỗ Bích Thúy, sau 20 năm dịch chuyển từ miền núi Hà Giang về Hà Nội của chị. Cuốn sách này có thể xem như là việc nhìn lại quãng đường chị đi cùng với văn chương, trong đó có những biến động của đời sống cá nhân cũng như sự tác động của nó tới thái độ sống và quan niệm sáng tác của chị.

sach-toi-da-2.jpg
Cuốn sách "Tôi đã trở về trên núi cao" của Đỗ Bích Thúy
 

Hành trình “trở về” của Đỗ Bích Thúy có thể là một chuyến đi rất thật nhưng cũng có thể chỉ là những chuyến đi trong tâm hồn của chị. Tâm hồn của một người đàn bà 40 tuổi với nhiều xung động, với nhiều “dư chấn” mang một “mã số” riêng. Vì thế, đọc tập tản văn này, độc giả có thể hình dung ra những đoạn đời của tác giả. Nhiều trang viết mang tới cái buồn thật sâu, thật trong. Cái buồn, nhiều khi còn hiện ra ngay từ tên những tản văn trong tập: Nước mắt rơi trên bậu cửa, Cây cỏ vui buồn, Chờ bình yên quay về, Chết là một cuộc rong chơi, Đẹp tới lụi tàn…

Đỗ Bích Thúy nói rằng chị rất trân trọng cuốn sách này. Nó như một dấu mốc đặc biệt trong cuộc đời và sự nghiệp cầm bút của chị. Nó cho chị được một lần ngoái lại phía sau, một cách bình thản. Nó cũng thể hiện khát vọng “trở về” với núi rừng, nơi chị sinh ra và lớn lên, một cách mãnh liệt. “Tôi nghĩ rằng, tôi là một nhà văn hạnh phúc và may mắn khi tôi có một mảng đề tài, một mảnh đất, một vùng văn hóa để nhớ thương, yêu mến, tha thiết với nó” - nhà văn Đỗ Bích Thúy nói.

Tiếp tục viết về miền núi với những vỉa tầng địa lý, văn hóa, xã hội vô tận của nó, vừa là sở trường, thế mạnh của Đỗ Bích Thúy, cũng vừa là may mắn, là trời cho đối với chị. Điều đó được chị thể hiện khá rõ trong cuốn sách mới nhất này.

Tuy nhiên, độc giả cũng có thể gặp trong cuốn sách này những trang tản văn về Hà Nội với nhiều “dấu vết” và cái nhìn riêng của Đỗ Bích Thúy. “Hà Nội, tôi muốn mình vừa xa vừa gần. Đủ gần để làm việc, kiếm sống. Đủ xa để không phải nhốt mình trong chật chội, ồn ào. Đủ gần để cảm nhận hơi thở của nó. Đủ xa để nhìn về, thấy những biến chuyển từng bước làm thay đổi dung mạo, hồn vía thủ đô”- chị viết.

do-bich-thuy.jpg
Nhà văn Đỗ Bích Thúy 

Đặc biệt, phần cuối của cuốn sách: Bạn bè là những người người thầy. Ở đó, Đỗ Bích Thúy viết về họa sĩ Lê Thiết Cương, nhà thơ Thụy Anh, về họa sĩ A Sáng, họa sĩ Phạm Hà Hải…

Cuốn sách dày hơn 250 trang, được họa sĩ Lê Thiết Cương vẽ bìa, minh họa, trình bày theo xu hướng tối giản, tinh tế, gây ấn tượng mạnh mẽ về mặt mỹ thuật.

Nhà văn Đỗ Bích Thúy sinh ra và lớn lên ở Hà Giang, hiện làm việc tại tạp chí Văn nghệ Quân đội. Chị là một trong những tác giả được biết đến với hàng loạt những tác phẩm viết về miền núi phía Bắc, đặc biệt là về vùng dân tộc Mông. Những tác phẩm tiêu biểu của Đỗ Bích Thuý có thể kể đến: Chúa đất, Lặng yên dưới vực sâu (được Đỗ Bích Thuý cùng lúc viết thành kịch bản phim truyền hình cùng tên, 32 tập, đã phát trên VTV3), Cửa hiệu giặt là, Tiếng đàn môi sau bờ rào đá, Đàn bà đẹp, Sau những mùa trăng...

Buổi giao lưu ra mắt tập sách Tôi đã trở về trên núi cao của nhà văn Đỗ Bích Thúy sẽ được tổ chức vào 15h ngày 13/9 tại 24 Lý Quốc Sư, Hà Nội. Tại đây, tranh bìa và những bức tranh minh họa cuốn sách của họa sĩ Lê Thiết Cương sẽ được trưng bày. Đảm nhận vai trò dẫn dắt chương trình là nhà phê bình văn học Hoài Nam.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn