Dỡ bỏ lệnh cấm, Nepal tập trung bảo vệ lao động nữ ở nước ngoài

16:13 | 17/07/2018;
Chính phủ Nepal đang nỗ lực ký kết các thỏa thuận song phương và biên bản ghi nhớ với các nước, nhằm mục đích dỡ bỏ lệnh cấm phụ nữ ra nước ngoài làm việc, đảm bảo sự an toàn và quyền lợi cho lao động nữ.
Ra đi để tìm hướng thoát nghèo
 
Ở ngôi làng Sindhupalchok xa xôi, miền Trung Nepal, Internet vẫn còn xa lạ với mọi người. Phurpa Tamang (36 tuổi), loay hoay mãi mới kết nối được cuộc gọi video với vợ mình là Kalpana ở Dubai (Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất - UAE). Con gái và con trai của anh cười rất tươi khi được nói chuyện với mẹ. Phurpa cho biết: “Các con tôi muốn nói chuyện với mẹ nhưng mạng ở đây chập chờn, trầy trật mãi mới kết nối được”.
 
Phurpa và Kalpana kết hôn đã được 8 năm. Họ sinh sống bằng công việc đồng áng trên một trang trại vùng núi của gia đình. Khi hai đứa con lần lượt ra đời, công việc ngày càng khó khăn, gánh nặng cơm áo đè nặng trên đôi vai còm cõi của đôi vợ chồng trẻ. Ngay cả những nhu cầu cơ bản nhất họ cũng không đáp ứng được cho con.
 
a4.jpg
Thất nghiệp, nghèo đói là nguyên nhân thúc đẩy nhiều phụ nữ Nepal ra nước ngoài làm nghề giúp việc, kể cả theo con đường bất hợp pháp

 

Ở quanh đấy, họ không tìm được công việc nào khác để giúp gia đình. Không khoanh tay đứng nhìn cảnh gia đình ngày càng đi xuống, năm 2014, Kalpana quyết định sang Dubai để làm người giúp việc, dẫu cô đã nghe rất nhiều câu chuyện về phụ nữ ra nước ngoài làm việc thường bị hành hạ, ngược đãi dẫn đến những cái chết thương tâm.
 
Kalpana gặp may trong chuyến đi này. Cô kiếm được 420USD/tháng. Chủ gia đình lại đối xử tốt với cô. Ở Dubai, cô được học tiếng Arab và được đi du lịch khi có thời gian rảnh. Nhờ công việc này, cuộc sống của gia đình cô thoải mái hơn. Cô có được một ít tiền tiết kiệm. Căn nhà của vợ chồng cô ở Nepal cũng đã được xây lại sau trận động đất năm 2015.
 
Mạo hiểm vì gia cảnh bức bách
 
Không phải ai cũng gặp may mắn như Kalpana, cô Asha Paudel (22 tuổi) ở Kohalpur, quận Banke đi làm người giúp việc tại Qatar từ tháng 3/2018. Tuy nhiên, cô thường xuyên bị đánh đập và lạm dụng tình dục đến nỗi bị trầm cảm chỉ muốn được quay về Nepal. Hiện cô đang ở tại nhà tạm lánh Kathmandu do tổ chức phi chính phủ Pourakhi quản lý.
 
Trước tình trạng nhiều người giúp việc bị ngược đãi hành hạ, Nepal đã ra lệnh cấm công dân của mình ra nước ngoài làm việc từ năm 2016. Khi đó, Kalpana, về quê thăm gia đình. Mặc dù biết có lệnh cấm nhưng cô vẫn liều lĩnh trở lại Dubai làm việc. Cô nói: “Tôi mù chữ và không thể tìm một công việc nào tốt hơn ở Nepal để lo cho các con tôi nên tôi đành phải mạo hiểm”.
 
Bảo vệ thay vì ngăn cấm
Theo số liệu từ Bộ Ngoại giao
Nepal, hơn 176.000 phụ nữ Nepal đã được cấp giấy phép lao động kể từ năm 2008 đến nay. Điểm đến của họ chủ yếu là UAE, Kuwait, Malaysia, Qatar, Saudi Arabia, Cyprus và Jordan. Bà Amina Maharjan, chuyên gia kinh tế tại Trung tâm quốc tế về phát triển tích hợp miền núi cho biết: “Hơn 42% phụ nữ ở Nepal không biết chữ và hầu hết đều thất nghiệp.
 
Tuy nhiên, họ có thể dễ dàng tìm một công việc giúp việc nhà ở nước ngoài vì công việc này không yêu cầu trình độ học vấn. Những phụ nữ không có khả năng kiếm tiền ở Nepal thì có thể kiếm được một công việc tốt, thu nhập cao ở nước ngoài. Qua công việc, họ có thể học thêm các kỹ năng sống và kỹ năng quản lý tài chính. Đó là sự thay đổi vượt bậc chưa từng thấy cho cuộc sống của phụ nữ Nepal trong các thập kỷ qua. Điều đó giải thích vì sao không ai có thể ngăn cản họ ra đi”.
a2.jpg
Nghề giúp việc nhà ở nước ngoài lương cao nhưng cũng lắm rủi ro

 

Năm 2017, khi lệnh cấm được dỡ bỏ, hơn 20.000 phụ nữ đã được cấp giấy phép lao động làm việc ở nước ngoài, tăng 8,95% so với năm trước. Các chuyên gia nói rằng, số lượng phụ nữ Nepal làm việc ở nước ngoài có thể cao gấp hai lần vì nhiều người rời khỏi Nepal không có giấy phép như trường hợp của Kalpana.
 
Họ rất dễ trở thành con mồi cho những kẻ bóc lột lao động và buôn bán người. Ông Mahesh Prasad Dahal, Tổng thư ký của Bộ Lao động Nepal cho biết, Chính phủ Nepal đang nỗ lực ký kết các thỏa thuận song phương và biên bản ghi nhớ với các nước khác nhằm mục đích dỡ bỏ lệnh cấm phụ nữ ra nước ngoài làm việc. Về phần mình, Nepal cũng thiết lập các dịch vụ hỗ trợ cho lao động nhập cư tại đại sứ quán.
 
Bà Amina Maharjan cho biết thêm, các loại thỏa thuận này là cần thiết để đảm bảo phụ nữ di cư có được an toàn và đảm bảo quyền lợi khi làm việc ở nước ngoài. Khi những người phụ nữ này có tiền và được trau dồi kỹ năng, họ trở về Nepal sẽ biết cách tổ chức cuộc sống của họ một cách tốt hơn. Hơn nữa, làm việc ở nước ngoài không chỉ giúp cải thiện cuộc sống của gia đình, mà còn đóng góp cho nền kinh tế quốc gia. Kiều hối của họ gửi về chiếm gần 30% GDP của Nepal”.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn