Đồ chơi độc hại bán công khai, cha mẹ vẫn thoải mái mua cho con

22:10 | 23/11/2016;
Đất nặn, miếng dán hoạt hình, nhẫn nhựa… xuất xứ Trung Quốc vẫn là thứ đồ chơi có ma lực với nhiều học sinh bởi giá rẻ, hình thức bắt mắt. Mặc dù đã được khuyến cáo mức độ độc hại, song không ít phụ huynh vẫn chủ quan khi mua cho con chơi.

Không chỉ bày bán trước cổng trường, thậm chí tại một trường mầm non ở khu vực quận Đống Đa (Hà Nội), vô số đồ chơi Trung Quốc còn được bày bán công khai giữa sân trường. Tan học, nhiều trẻ kéo tay bố mẹ sà vào hàng đồ chơi và nài nỉ được mua chiếc nhẫn, con búp bê hay súng nhựa rẻ tiền.

Nhẫn Trung Quốc giá 5.000 đồng được nhiều bé gái mê mẩn. Ảnh: D.H.

Mẹ của bé Cốm - trẻ học lớp mẫu giáo nhỡ tại đây - cho biết, con chị rất thích chơi đồ chơi như nhẫn, miếng dán hoạt hình. Giá các loại đồ chơi này rất rẻ, 5.000 đồng/chiếc nhẫn và 10.000 đồng/miếng dán đủ màu sắc, hình khối bắt mắt, hay 20.000 đồng là có một cô búp bê Elsa xinh xắn... “Thi thoảng chiều con, tôi mua cho cháu một chiếc nhẫn bé xíu. Cháu cũng chỉ chơi một lúc là chán nhưng vì rẻ tiền, con thích nên tôi vẫn mua” - vị phụ huynh này chia sẻ.

Trước cổng trường THCS Giảng Võ, các loại đồ chơi này được bày bán trên các mẹt hàng rong. Những người bán hàng khá linh hoạt khi chờ đến giờ tan trường để mang hàng đến bán do sợ bị đội dân phòng... đuổi. Mặt hàng bán chạy nhất vẫn là các miếng dán, hạt nở, một số đồ ăn vặt như mực khô, bim bim… 

Cục Quản lý chất lượng sản phẩm (Tổng cục Đo lường chất lượng) đã thực hiện kiểm nghiệm mẫu miếng dán đồ chơi Trung Quốc trên thị trường. Kết quả cho thấy, miếng dán đồ chơi của Trung Quốc chứa chất độc hại lớn gấp hàng chục nghìn lần giới hạn cho phép. Cụ thể, hàm lượng phthalate DINP là 37.390mg/kg (giới hạn cho phép là 300mg/kg); còn DEHP có hàm lượng 14.100mg/kg (giới hạn cho phép là 100mg/kg).

TS. Trần Hồng Côn (Khoa Hóa học, trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết, Phthalates được tìm trong miếng dán đồ chơi trẻ em là một nhóm chất dùng làm phụ gia để tăng độ mềm dẻo cho nhựa, được sử dụng nhiều trong các đồ gia dụng, đồ chơi nhựa, thậm chí để sản xuất cả thuốc trừ sâu.

“Tuy nhiên, Việt Nam chưa có quy định ngưỡng cho phép của hợp chất này trong đồ chơi và chưa có bất kỳ nghiên cứu nào về ảnh hưởng của sự thôi nhiễm chất này qua đồ chơi đối với sức khỏe. Do đó, chưa thể đưa ra được kết luận chơi đồ chơi như thế nào, bao lâu thì sức khỏe của trẻ bị ảnh hưởng, làm thế nào để nhận biết. Trong khi đó, phụ huynh vẫn quá chủ quan khi chưa lường trước được hết những độc hại, vẫn mua cho con chơi, rất nguy hiểm!” - TS Trần Hồng Côn khẳng định.

 Đồ chơi Trung Quốc bày bán công khai giữa sân trường hút các học sinh. Ảnh: D.H.

Còn theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Khoa học công nghệ và thực phẩm (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội), Phthalates có khả năng làm rối loạn đường tiêu hóa, sau đó ảnh hưởng đến các tuyến nội tiết. Trẻ em gái nhiễm Phthalates sẽ dậy thì sớm. Trong đó đáng lưu ý nhất là chất DEHP (Diethylhexyl phthalate) - một chất trong nhóm Phthalates. DEHP là chất gây ung thư, đồng thời có khả năng gây ngộ độc cấp tính có thể dẫn tới tử vong. DEHP cũng có khả năng làm suy giảm sự phát triển của bộ phận sinh dục nam, khiến cho cơ quan sinh sản của nam giới bị teo lại.

Đối với các loại nhẫn, vòng trang trí cho bé gái, các loại nhẫn Trung Quốc không rõ nguồn gốc có thể khiến tay sưng phồng và ảnh hưởng đến các chức năng của tay về lâu dài. Điều này được cảnh báo bởi chính các nhà nghiên cứu Trung Quốc, nồng độ nicken trong những hạt cườm nhựa của các loại trang sức dành cho bé gái vượt quá mức quy định. Khi đeo lâu ngày, lớp nhựa phủ dần mất màu, bong tróc có thể gây ngứa ngáy, bong, sưng... phần da của trẻ tiếp xúc hoặc đeo món đồ chơi này.

Nếu tiếp xúc với món đồ chơi Trung Quốc này lâu dài có thể gây mẫn cảm mạnh, phản ứng dị ứng, nặng hơn có thể ảnh hưởng tới gan và thận. Những phản ứng bày có thể xảy ra khi tiếp xúc trực tiếp qua da, qua đường hô hấp, hay khi bé ngậm đồ chơi trong miệng.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn