"Chỉ còn đúng một tháng nữa là đến Tết âm lịch. Tranh thủ mua sắm được gì thì mình sẽ mua luôn. Như vậy, vừa có nhiều sự lựa chọn, vừa tránh được tình trạng khan hàng, tăng giá, đặc biệt là với các mặt hàng đặc sản"- chị Hoàng Ngọc Bích (phố Nguyễn Xiển, Hà Nội) chia sẻ.
"Nên ưu tiên mua sắm trước các món đồ khô như măng, miến, mộc nhĩ, nấm hương, gia vị hạt tiêu, hành, tỏi… và một số loại thịt gác bếp. Những món này có thể bảo quản được lâu, không sợ hư hỏng. Hơn nữa, càng gần Tết, hàng hóa càng tăng giá bán"- bà Nguyễn Thị Lan (Q. Cầu Giấy, Hà Nội) tiết lộ bí quyết sắm Tết của mình.
Không chỉ tại các khu chợ lớn như chợ Đồng Xuân, chợ Hôm, mà tại các chợ dân sinh, sản phẩm đồ khô phục vụ Tết đã được các tiểu thương bày bán tại những vị trí bắt mắt nhất.
Theo các tiểu thương, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hàng đồ khô Trung Quốc nhập về Việt Nam có số lượng hạn chế hơn những năm trước. Nhu cầu của người tiêu dùng cũng thay đổi, ưa chuộng hàng đặc sản trong nước hơn. Vì vậy, những mặt hàng khô, đặc sản từ các tỉnh vùng núi như Yên Bái, Bắc Kạn, Sơn La, Cao Bằng… dù có giá cao hơn, nhưng vẫn đắt hàng.
So với những tháng trước, nhiều mặt hàng đồ khô đã tăng lên từ 10.000 đồng đến 50.000 đồng, tùy từng mặt hàng. Cụ thể, tại chợ truyền thống, măng khô đang có giá bán 300.000 – 350.000 đồng/kg. Mộc nhĩ có giá 150.000 – 180.000 đồng/kg. Nấm hương có giá 200.000 – 250.000 đồng/kg. Nấm hương rừng có giá 350.000 – 370.000 đồng/kg. Miến dong Bắc Kạn, Cao Bằng có giá 90.000-110.000 đồng/kg. Thịt lợn gác bếp có giá 500.000 – 550.000 đồng/kg. Thịt trâu gác bếp giá 750.000 đồng – 1 triệu đồng/kg. Lạp sườn Tây Bắc có giá 450.000 – 480.000 đồng/kg.
Không chỉ nhộn nhịp tại chợ truyền thống, các sản phẩm đồ khô cũng sôi động trên chợ online và các trang bán hàng thương mại điện tử.
Chị Trần Thu Trang (Phố Kim Mã, Hà Nội) cho biết: Công việc của chị trong những tháng cuối năm rất bận rộn, không có nhiều thời gian mua sắm. Thêm vào đó, vẫn còn có những lo lắng về sự lây lan của dịch Covid-19, nên mua sắm online là lựa chọn của chị và nhiều chị em trong công ty.
"Hiện nay, bạn bè, người quen đang chào bán, kêu gọi mua chung, đặt hàng chung đủ loại đồ khô, đồ đặc sản vùng miền, với mức giá cũng tương đương, thậm chí còn rẻ hơn giá bán tại chợ, nên chỉ cần vài tin nhắn là có đủ hàng hóa cần thiết"- chị Trang chia sẻ.
Có cửa hàng bán đồ khô tại nhà, nhưng chị Nguyễn Huệ (Q. Thanh Xuân, Hà Nội) vẫn tranh thủ bán hàng trên mạng xã hội và một số trang thương mại điện tử như Shopee, Sendo… Chị Huệ cho biết: Từ khi có dịch Covid-19, đặc biệt là dịp cuối năm, số lượng hàng hóa bán online tăng gấp 2, 3 lần lượng hàng khách đến mua trực tiếp. Nhiều khách quen của chị cũng chuyển sang đặt hàng trên trang thương mại điện tử để được giao hàng tận nơi và hưởng những khuyến mại của trang mua sắm.
Nhận đặt hàng thịt gác bếp, lạp sườn, gạo nếp, gia vị chẩm chéo… từ Sơn La, Điện Biên xuống Hà Nội bán, chị Ánh Ngọc (Q. Cầu Giấy, Hà Nội) không cần mất chi phí thuê mặt bằng, nên có thể giảm giá 10 – 20% cho khách hàng, nên lượng đơn hàng tăng khoảng 30% trong những ngày cận Tết.
Trên cả chợ truyền thống và chợ online, người tiêu dùng dễ dàng mua sắm các món đồ khô, đồ đặc sản để chuẩn bị cho Tết nguyên đán Tân Sửu 2021. Tuy nhiên, nguồn hàng đồ khô, đồ đặc sản của mỗi vùng miền, mỗi nhà cung cấp lại có chất lượng khác nhau.
Vì thế, khi mua sắm, chị em nên mua thử một vài lạng để dùng thử, trước khi quyết định mua với số lượng nhiều hơn để dùng trong dịp Tết. Song song đó, cần lựa chọn những địa chỉ quen biết, uy tín, sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ, tem nhãn đầy đủ để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn